Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu là sẽ đón 5 triệu khách du lịch trong năm 2022 và dự tính kiếm khoảng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên thực tế thì chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra.
Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Riêng Thái Lan đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỉ USD. Tại sao ngành du lịch Việt Nam thảm hại như thế?
Hầu hết các khách du lịch đến Việt Nam đều than phiền về vệ sinh môi trường như khắp ô nhiễm, nhiều địa điểm du lịch đầy rác, khách sạn bẩn thỉu, quán ăn đầy ruồi nhặng vv… Ở đặc điểm này, Việt Nam thua xa Thái Lan. Tuy nhiên, cái đáng sợ nhất của Việt Nam không phải là những loại rác môi trường mà là rác văn hóa, thứ này kinh khủng hơn rác rến kia rất nhiều.
Ở Việt Nam, người ta phải căng não ra đối phó với nạn cướp giật, chặt chém, đeo bám, lừa đảo khắp nơi. Theo tôi biết chai nước suối giá bên ngoài chỉ có 3 ngàn đồng nhưng tại sân bay Tân Sơn Nhất bán với giá 60 ngàn đồng, bằng 2000% giá bên ngoài. Trong khi đó, chai nước suối tại cửa hàng 7-Eleven ở Thái Lan có giá 6 baht trong khi đó tại sân bay Suvarnabhumi – Bangkok giá chỉ có 8 baht, tức bằng 133% giá bên ngoài. Ngoài ra người Thái rất trung thực, họ không chặt chém, không đeo bám, không lừa đảo vv… Còn ở Việt Nam khi ra đường thì ôi thôi, đầy rẫy cạm bẫy.
Loại hình kinh doanh trong sân bay là bộ mặt giới của giới doanh nghiệp, còn loại hình kinh doanh hàng rong là loại hình kinh doanh nhỏ lẻ. Doanh nghiệp làm ăn có tổ chức còn nhiễm văn hóa chặt chém thì làm sao bán hàng rong sạch hơn được? Tư tưởng chặt chém nó ăn sâu vào văn hóa của các doanh nghiệp rất lớn. Chuyến bay giải cứu là hành động nhìn thấy cơ hội chặt chém trong thảm họa của ông lớn Vietnam Airlines và những thành phần hợp tác với nó. Tại Việt Nam, dù khôn cỡ nào, dù cảnh giác cỡ nào cũng rất khó thoát khỏi “máy chém” khổng lồ trong cái xã hội này.
Dù cho buôn bán lớn hay làm ăn nhỏ lẻ, hầu hết người Thái đều rất tử rế. Tại Thái Lan không hề có văn hóa nói thách như Việt Nam. Phải nói rằng, phần lớn người Việt kinh doanh rất láo vì lòng tham và tính gian manh dẫn dắt. Ngay cả người Việt cũng sợ Việt Nam thì làm sao người nước ngoài yêu cho được? Nói thật, biển Việt Nam rất đẹp và nhiều phong cảnh do thiên nhiên ưu đãi khác. Công bằng mà nói, thiên nhiên Việt Nam đẹp hơn Thái Lan, tuy nhiên, đi du lịch Thái Lan người ta không phải căng óc lên tìm cách đối phó với loại môi trường văn hóa đầy rác rến như ở Việt Nam.
Hầu hết người Việt Nam có rủng rỉnh tiền bạc thì chọn đi du lịch nước ngoài không phải vì họ sính ngoại mà vì họ đi tìm những nơi thực sự giúp họ thư giãn. Đi du lịch mà hễ mất cảnh giác là dính bẫy thì thư giãn gì được? Đấy là chưa nói đi du lịch quốc tế các nước trong khu vực đôi khi còn rẻ hơn du lịch trong nước bởi vì khách du lịch phải chi trả cho chi phí cho bộ máy trấn lột khổng lồ đang hoạt động ở Việt Nam.
Sự tử tế là giá trị cốt lõi để xây dựng nên mọi thương hiệu cho dù đó là thương hiệu gì. Thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu quốc gia đều không thể thiếu chữ “tử tế”. Hãy một lần sang Thái mà xem, tôi đố ai đi lục lọi khắp bangkok mà tìm ra một chỗ nào vứt đầy kim tiêm như những góc khuất ở nơi công cộng tại Việt Nam đấy? Không những Bangkok mà các đô thị khác khắp Thái Lan cũng thế. Rác kim tiêm nó là điển hình cho 2 trong 1, nó vừa là rác môi trường nhưng nó cũng là rác xã hội.
Rác môi trường thì dễ dọn nhưng rác xã hội thì không thể dọn được. Thể chế nó vậy thì sinh ra xã hội thế./.
Tham khảo: https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dung-cuoi-bang-xep…