Chỉ một tháng sau khi tự trao cho mình quyền lực mới với tư cách là lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình đang phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ của công chúng chưa từng thấy trong nhiều thập niên, gây ra bởi chiến lược “không COVID” sắp bước sang năm thứ tư của ông.
Phản kháng lan rộng sang Hong Kong
Như tin đã đưa, người biểu tình đã đổ ra đường trong hai ngày cuối tuần qua tại các thành phố, bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh, chỉ trích chính sách của Tập, đối đầu với cảnh sát và thậm chí kêu gọi Tập phải từ chức. Hôm thứ Hai 28 Tháng Mười Một, biểu tình đã lan sang lãnh thổ Hong Kong, nơi phong trào đòi dân chủ đã gần như bị dập tắt bởi cuộc đàn áp khắc nghiệt sau các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng từ năm 2019.
Các sinh viên tại Đại học Trung văn Hong Kong hô vang “phản đối chế độ độc tài” và “Tự do! Tự do!” Những vòng hoa tưởng nhớ đã được đặt ở quận trung tâm, nơi từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình trước đó.
Những cuộc biểu tình hiện nay là rộng rãi chưa từng có kể từ khi quân đội đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh.
Hầu hết những người biểu tình tập trung sự tức giận vào những biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại khiến các gia đình phải ở trong nhà trong nhiều tháng. Những biện pháp khắc nghiệt này bị chỉ trích là không khoa học và không hiệu quả, không ngăn chặn được sự truyền nhiễm của dịch bệnh mà gây xáo trộn trầm trọng cho cuộc sống của người dân.
Các biện pháp “không COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc ban đầu được người dân chấp nhận để giảm thiểu số tử vong trong lúc các quốc gia khác phải hứng chịu những đợt lây nhiễm tàn khốc. Nhưng dần dần sự đồng thuận đó đã bị lung lay trong những tuần gần đây khi người dân Trung Quốc nhìn thấy cả thế giới bên ngoài dường như đã vượt qua và trở lại với nhịp sống bình thường như thời trước đại dịch.
Tại Trung Quốc, lên tiếng kêu gọi Tập Cận Bình từ chức và đả đảo đảng Cộng sản đã cai trị đất nước này 73 năm qua có thể bị ghép vào tội xúi giục nổi loạn và bị bỏ tù nhiều năm.
Thượng Hải đã sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình, hàng chục người đã bị bắt giữ, đưa lên xe cảnh sát và xe buýt. Bộ máy an ninh rộng lớn của Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc xác định nhân thân những người mà họ coi là kẻ gây rối, những người lãnh đạo biểu tình và “bắt nguội” những người này khi cần thiết.
Không còn đồng thuận nữa
Khả năng xảy ra nhiều cuộc biểu tình hơn là không rõ ràng. Cơ quan kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc đã xóa sạch trên internet các video và thông điệp ủng hộ biểu tình. Và các nhà phân tích cho rằng nếu không có sự chia rẽ nội bộ ở cấp rất cao thì đảng Cộng sản Trung Quốc có thể kiềm chế dễ dàng những người bất đồng chính kiến và dập tắt sự phản kháng của người dân.
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã áp đặt sự giám sát nghiêm ngặt đối với các nhóm sắc tộc thiểu số bao gồm người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, hơn một triệu người trong số họ đã bị giam giữ trong các trại tập trung, nơi họ buộc phải từ bỏ văn hóa và tôn giáo truyền thống và thề trung thành với Tập. Nhưng các cuộc biểu tình hồi cuối tuần có nhiều thành viên của tầng lớp trung lưu thành thị có học thức, đa số là người Hán. Đảng cầm quyền dựa vào nhóm đó, buộc họ tuân thủ một thỏa thuận bất thành văn sau vụ thảm sát Thiên An Môn: Hãy chấp nhận chế độ chuyên quyền để đổi lấy chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Giờ đây, có vẻ như thỏa thuận cũ đã kết thúc, khi đảng thực thi quyền kiểm soát bằng cái giá phải trả là nền kinh tế. Giáo sư Hung Ho-Mush của Đại học Johns Hopkins nhận xét: “Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đang cố tìm kiếm một trạng thái cân bằng mới. Sẽ có một số bất ổn trong quá trình này.”
Theo ông Hung nói, để phát triển thành một cái gì đó có quy mô như các cuộc biểu tình năm 1989 cần có sự chia rẽ rõ ràng trong giới lãnh đạo để tạo đòn bẩy cho sự thay đổi. “Nếu không có tín hiệu rõ ràng từ các bộ phận lãnh đạo đảng… tôi cho rằng kiểu phản đối này có thể không kéo dài lâu,” ông Hung nói với hãng tin AP.
Nhưng ông Tập gần như đã loại bỏ những mối đe dọa như vậy tại đại hội đảng hồi Tháng Mười. Ông ta đã phá vỡ truyền thống và tự trao cho mình nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba và đưa vào bộ máy lãnh đạo chóp bu những người trung thành với ông ta; hai đối thủ tiềm năng là Uông Dương và Hồ Xuân Hoa bị ép phải nghỉ hưu.
Sẽ có đợt đàn áp mới
Cũng không có triển vọng chính sách “không COVID” sẽ sớm được dỡ bỏ. Là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Tập Cận Bình đã chính trị hóa vấn đề đến mức việc từ bỏ chính sách “không COVID” là tổn thất uy tín và quyền lực của ông ta. Trung Quốc cũng không chấp nhận các loại vaccine do Phương Tây bào chế, chỉ dùng vaccine Trung Quốc, và không tạo được tình trạng miễn dịch cộng đồng để phòng dịch như ở các nước khác một phần do biện pháp phong tỏa kéo dài suốt ba năm qua làm cho người dân Trung Quốc ít bị nhiễm bệnh, ít tiếp xúc với virus.
Andrew Nathan, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Columbia, cho biết “zero COVID” “được cho là để chứng minh tính ưu việt của ‘mô hình Trung Quốc’, nhưng cuối cùng lại chỉ ra rủi ro rằng khi các chế độ độc tài phạm sai lầm, những sai lầm đó có thể rất lớn.”
“Tôi nghĩ rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đã tự dồn mình vào chân tường và không có cách nào để nhượng bộ. Nó có rất nhiều lực lượng, và nếu cần thiết, sẽ sử dụng nó,” ông Nathan nói và cho rằng, nếu đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm giữ quyền lực sau khi đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989 thì bây giờ nó có thể làm như vậy một lần nữa.
Ông Hung của Đại học Johns Hopkins thì cho rằng ông Tập sẽ không lùi bước và đảng của ông ta có kinh nghiệm xử lý các cuộc biểu tình.
Xem ra, khả năng cao nhất là cuộc biểu tình phản kháng của người dân Trung Quốc hiện nay sẽ sớm bị dập tắt mà không mang lại được sự thay đổi nào. Ông Tập và đảng Cộng sản chắc chắn sẽ không bao giờ từ chức, không nhân nhượng mà có thể sẽ đàn áp mạnh tay hơn và Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng bất ổn mới./.