Chuỗi cung ứng xăng dầu Việt Nam hiện nay là: Nhập khẩu dầu thô – lọc dầu – cung cấp đầu mối – bán lẻ; hoặc nhập khẩu xăng dầu – bán lẻ. Nếu bị nghẽn tại bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi cung ứng thì đầu ra đều bị bóp. Vấn đề hiện nay là xác định mắt xích nào đang chèn mất lối đi của xăng dầu đến với người tiêu dùng?
Nếu nghẽn đầu ra thì không sao, bởi xăng dầu còn đó nhưng chưa được bán cho dân mà thôi. Nếu nghẽn đầu vào thì đấy thực sự là đáng báo động, bởi nghẽn đầu vào thì không còn xăng dầu để bán chứ không phải là còn xăng nhưng bán không được.
Ở lần thiếu xăng dầu từ nửa tháng trước, báo chí nói rằng, bởi vì chiết khấu quá thấp nên nhiều cửa hàng bán lẻ không nhập vì kinh doanh không có lãi. Nếu đây là nguyên nhân duy nhất thì giải quyết khá đơn giản, chỉ cần tăng chiết khấu thì các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, sau khi vấn đề được giải quyết thì giờ đây tình trạng khan hiếm lại tái diễn thì có thể nói tình trạng thiếu xăng dầu không phải nghẽn đầu ra mà là nghẽn đầu vào. Nghĩa là hiện nay khả năng là không còn xăng dầu để bán.
Ở bài trước tôi đã nói, vấn đề thiếu xăng dầu hiện nay là do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công xuất, trong khi đó lượng xăng dầu nhập khẩu không đủ bù vào. Đó là thực tế khá rõ ràng, bởi vì các ông lớn nhập khẩu xăng dầu Việt Nam như Petrolimex, Pvoil đã giảm nhập vào khu vực TP HCM để dồn cho Miền Bắc. Tuy nhiên đến nay hiện tượng thiếu xăng dầu tại Miền Bắc đang diễn ra, tức là hiện tượng thiếu xăng dầu đang có nguy cơ lan rộng ra cả nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao từ Tháng Ba, Bộ công thương đã chuẩn bị nhập bù do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gây ra mà đến nay vẫn chưa thể bù được, tại sao? Tại thế giới khan hiếm xăng dầu hay các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thiếu ngoại tệ? Vấn đề ở đâu?
Nguyên nhân thế giới khan hiếm xăng dầu bị loại bỏ, bởi tại Đông Nam Á, ngoại trừ Lào thiếu ngoại tệ nhập khẩu nên mới khan hiếm còn bất kỳ nước nào cũng không xảy ra như Việt Nam. Như vậy thì chỉ có thể là các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thiếu ngoại tệ.
Đã từ nhiều tháng qua, doanh nghiệp phải sống dở chết dở vì công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng (tức room tín dụng) mà Ngân Hàng Nhà Nước đang áp dụng. Khi các ngân hàng thương mại hết room thì họ không thể cho vay thêm cho nên các doanh nghiệp đói vốn. Giữa Tháng Mười, Chính quyền TP.HCM kiến nghị nới room tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu để có thể tăng nhập, đảm bảo nguồn cung nhưng chưa được. Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng trong hai tháng cuối năm nhưng chỉ nới nhẹ. Khi Ngân hàng Nhà nước siết hạn mức tăng trưởng tín dụng với ngân hàng thương mại thì ngân hàng thương mại cũng siết khách hàng của họ.
Vào đầu Tháng Mười Một, room tín dụng mở “hé” thì tiền có thể rót về doanh nghiệp nhưng không nhiều. Họ được vay ít, tuy nhiên họ lại vay với lãi suất cao vì mới đây Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành nên các ngân hàng thương mại cũng phải chạy đua lãi suất theo. Các doanh nghiệp đã vay ít lại chịu lãi suất cao điều đó có nghĩa là họ bị lãi suất gặm lấy lợi nhuận. Chưa hết, khi có tiền nội tệ, các doanh nghiệp phải mua ngoại tệ với giá cao nên lượng ngoại tệ họ mua cũng ít lại, nghĩa là ngoại tệ cũng gặm thêm phần lợi nhuận của họ trong khi đó phần lợi nhuận của họ bị nhà nước định mức.
Tiền vay bị bóp do room tín dụng, lợi nhuận bị khống chế do định chế phi thị trường của nhà nước. Trong khi đó công cụ lãi suất và tỷ giá hoái đoái gặm sâu vào lợi nhuận. Vì thế nhiều doanh nghiệp hoặc chọn “buông súng đầu hàng” hoặc hạn chế nhập khẩu vì không đủ tiền. Đó là lý do gây ra hiện tượng nhập khẩu không đủ bù cho phần thiếu hụt do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất.
Việc Ngân hàng Nhà nước có cạn đô hay không thì không biết (vì họ thông báo còn gần 90 tỷ đô lận), tuy nhiên, công cụ điều tiết nền kinh tế thô bạo (chỉ có Việt Nam và Trung Quốc dùng room tín dụng) và cách vận hành chuỗi cung ứng xăng dầu một cách phi thị trường đã dẫn tới thiếu tiền nhập xăng dầu. Và hậu quả thì người dân và cả nền kinh tế phải gánh chịu./.
Đỗ Ngà