Nguyễn Nam – (VNTB) – Đảng hài lòng khi “cán bộ nguồn” chỉ biết “cúi đầu” theo “định hướng”…
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa chính xác về cán bộ nguồn là gì, tuy nhiên có thể hiểu theo nghĩa chung nhất thì cán bộ được được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, các thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nằm trong biên chế và được hưởng lương hàng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Những cán bộ này thường là nằm trong danh sách được cơ quan đảng “quy hoạch”, và người ta cứ theo đó mà “hoàn thành” phần thủ tục mang tính hình thức là “bầu cử – phê chuẩn – bổ nhiệm”.
Theo Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định số 80-QĐ/TW) được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành hôm 18-8-2022, thì “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ” – “Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề hệ trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”…
Các nội dung trên là không mới vì lâu nay nhóm người ở Bộ Chính trị nhân danh đảng đã quyết định về nhân sự cho bộ máy quản trị từ cấp trung ương đến địa phương.
Liên quan chuyện “cán bộ nguồn” khi đề cập tới chính sách thu hút nhân tài, ông Dương Hoa Xô, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cho rằng để tuyển người tài thì đơn vị cần được trao quyền tự chủ, tạo cơ chế thông thoáng hơn thay vì cứ răm rắp từ danh sách “cán bộ nguồn” mà trung ương đã “định hướng” trong vị trí lãnh đạo/ người đứng đầu.
Ông Xô giải thích, các đơn vị nghiên cứu hiểu rõ họ đang thiếu chuyên gia lĩnh vực gì, cần người như thế nào nên cần được trao quyền để chủ động hơn. Đơn vị tuyển dụng có thể tự lập kế hoạch về số lượng người, mức lương, thời gian làm việc, các dự án nghiên cứu… Và những người này khi họ làm việc, họ không phải chịu sự ràng buộc của tiêu chuẩn đảng viên, tức họ thoải mái phản biện về các quyết định mà Bí thư chi bộ đảng ở đơn vị đó đưa ra. Thậm chí những chuyên gia này không có trách nhiệm phải thực hiện điều gì đó trái với sở học của họ, với công việc chuyên môn mà họ am tường.
Theo quy định lâu nay, chuyên gia muốn được tuyển dụng phải làm đơn, thông qua hội đồng đánh giá cùng nhiều thủ tục khác. Các chuyên gia khoa học đều là người có trình độ cao, có công ăn việc làm ổn định. Trường hợp người về nước định cư mới có thể mời làm việc, còn người ở nước ngoài rất khó.
“Việc phải làm các thủ tục hành chính nhiều khi ảnh hưởng đến tự trọng của nhà khoa học khiến họ không mặn mà”, ông Xô nói. Ông cũng đề xuất chế độ làm việc bán thời gian, mỗi năm họ có thể về nước 1 – 2 tháng, còn lại có thể làm online. Việc đánh giá hiệu quả sử dụng chuyên gia sẽ theo khối lượng công việc, chứ không xem xét đánh giá về vấn đề tư tưởng chính trị người đó ra sao, có cổ súy đa nguyên – đa đảng hay không?
Ông Dương Hoa Xô cho biết 5 năm thí điểm chính sách “trải thảm đỏ mời nhân tài”, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào.
Theo ông Xô, quy trình 5 bước và thông qua nhiều bên liên quan như Hội đồng thu hút, tuyển chọn do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, Sở Nội vụ, UBND TP.HCM, đơn vị thụ hưởng có thể khiến nhiều người tài dù tâm huyết đến đâu cũng nản lòng.
“Đặc biệt chuyên gia phải đến báo cáo, thể hiện năng lực, phỏng vấn là yêu cầu không hợp lý. Bởi lẽ, chuyên gia thường là người thành công, có danh tiếng nhất định, nếu đã muốn họ bỏ công việc hiện tại để về làm cho thành phố mà quy trình nhiêu khê và chế độ không hấp dẫn rất khó thu hút.
Các chuyên gia sẽ ngại dự tuyển vì nhiều điều kiện quá, đừng để ở trên trải thảm mà dưới trải đinh. Thu hút người tài không chỉ trên tinh thần xây dựng đất nước chung chung, mà cần thỏa thuận rõ cái thành phố cần và cái người ta có” – một ý kiến khác, và người này cho rằng tại sao không thí điểm việc ở các cơ quan tuyển dụng “trải thảm đỏ” này không phải chịu sự “quản lý toàn diện” của “đồng chí Bí thư” ở chi bộ của đơn vị đó?