Những vết hoại tử

- Quảng Cáo -

Nguyễn Quang Thiều

Có những lần tôi thấy trên hè đường ở ngay cạnh Hồ Gươm giữa thủ đô văn hiến một cảnh tượng hãi hùng. Một người ngồi bán những con sẻ nâu còn sống. Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Trong khi đó, người bán hàng điềm nhiên lôi những con sẻ nâu khác từ trong lồng ra và tiếp tục vặt lông. Nhưng cảnh tượng ấy hình như không gây nên bất cứ cảm giác gì với những người đi đường.
Và rồi, một người ăn mặc sạch sẽ dừng lại mua những con sẻ nâu đã vặt trụi lông đang rúc vào nhau và tươi tỉnh xách đi.
Họ đang nghĩ về một bữa tối với những con sẻ nâu bị vặt trụi lông như những đứa trẻ cởi truồng được chiên vàng với bia lạnh hoặc rượu vang đỏ.
Không ít nhà hàng ở thủ đô Hà Nội giới thiệu đặc sản của họ: “Chim sẻ chiên bơ”. Và không chỉ mình tôi mà rất nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến những vị khách đeo caravat nhai rau ráu những con sẻ nâu chiên vàng.
Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông khi còn sống chưa bao giờ trở thành đề tài quan trọng của chúng ta. Người ta nghĩ những con sẻ nâu quá vớ vẩn và chẳng có một chút ý nghĩa gì trong sự phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại.
Họ nói họ phải lo những điều lớn lao. Nhưng họ đã sai lầm – một sai lầm hệ trọng. Việc hành xử với những con sẻ nâu bé bỏng kia đã để lại một lỗ thủng không nhỏ trong tâm hồn con người và trong đời sống văn hoá của chúng ta.
Toà Tháp đôi khổng lồ đến nhường kia mà sau khi bị sụp đổ, người ta đã đang bắt đầu xây dựng những toà nhà khổng lồ hơn thế. Chỉ vài ba năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của những toà nhà khổng lồ ấy xuất hiện. Nhưng một lỗ thủng trong tâm hồn con người sẽ mất bao lâu thời gian để hàn gắn lại?
Chuyện về cái chết của những con sẻ nâu trong thành phố của chúng ta là chuyện nhỏ phải không?
Chuyện về việc một tiến sỹ đạo văn, về những sinh viên xâu xé những bông anh đào Nhật trong triển lãm Giảng Võ còn nhỏ hơn.
Chuyện các công dân thành phố này vứt một con chuột chết ra đường còn nhỏ hơn nữa.
Chuyện một người trẻ không chịu nhường chỗ cho một người già trên những chuyến xe buýt thành phố lại còn nhỏ hơn nhiều…
Và hình như nhiều người mà đặc biệt là những nhà quản lý thành phố chẳng thấy những việc trên có ảnh hưởng gì đối với họ hay thành phố này.
Nhưng họ hãy biết rằng: những chuyện rất nhỏ ấy chính là những chấm hoại tử trong cơ thể văn hoá của một đất nước.
***
Nguồn: (lược trích từ bài in trên báo Công an Nhân dân tháng 07 năm 2012 với tên bài là NHỮNG ‘’SÁT’’ THỦ Ở MỘT THÀNH PHỐ HÒA BÌNH)
- Quảng Cáo -