- ĐI NGƯỢC TIẾN BỘ
Xác định đúng giá sách giáo khoa không phải chỉ nhờ vào giới hạn giá trần. Muốn sách giáo khoa có giá đúng, trước hết phải có sách giáo khoa chuẩn. Chuẩn theo mọi nghĩa: về nội dung, về thời lượng giảng dạy, về kích cỡ và số trang, về chất lượng in ấn, về thù lao viết sách, về chi phí in ấn phát hành… Khi tất các thành tố làm nên sách giáo khoa được quản lý đúng giá, thì tự nhiên giá sách giáo khoa sẽ đúng.
Nhưng tiếc thay, chưa nói đến các thành tố khác, chỉ riêng công thuê viết sách giáo khoa và chi phí in ấn phát hành sách giáo khoa, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đang bị đẩy lên quá cao. Kết quả là sách giáo khoa trở nên rất đắt đỏ.
Nhắc lại để hình dung về số liệu. Năm 2014 Bộ GD&ĐT đã từng đề xuất khoản tiền 34 275 tỷ đồng chi cho đổi mới sách giáo khoa, nhưng sau đó đã phải giảm con số đề nghị. Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT còn có dự án vay 100 triệu USD để đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Qua ba nhiệm kỳ Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã chi những khoản tiền khổng lồ cho việc viết lại sách giáo khoa. Và Bộ GD&ĐT sẽ còn phải tiếp tục chi những khoản tiền khổng lồ nữa cho đến khi hoàn tất bộ sách giáo khoa mới. Con số thực tế phải chi cho đổi mới sách giáo khoa, thống kê lại khi kết thúc, sẽ là một con số kinh hoàng. Xin so sánh với thời hai Bộ tưởng Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Huyên để thấy sự khác biệt.
Ngày 17/4/1945 GS Hoàng Xuân Hãn tham gia Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim và đảm nhận chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật. Từ 20/4/1945 – 20/6/1945, chỉ trong vòng 2 tháng, GS Hoàng Xuân Hãn đã thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ tại các trường học Việt Nam; áp dụng học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong các công văn chính thức. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên. Tất cả nhưng điều mà Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã làm vừa nhắc ở trên, Chính phủ Trần trọng Kim chỉ trả cho GS Hoàng Xuân Hãn có hai tháng lương bộ trưởng.
Đến thời GS Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, các sách giáo khoa được viết ra chỉ bởi một nhóm nhỏ các tác giả, dưới sự chủ biên của GS Hoàng Tuỵ là Trưởng ban Tu thư. Các sách giáo khoa được biên soạn trong một thời gian ngắn. Cũng được chi trả bằng lương. Bồi dưỡng thêm, nếu có, thì cũng vô cùng khiêm tốn. Ngoài trả lương, thời Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn và Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Chính phủ không phải trả thêm chi phí cho viết sách giáo khoa. Trong chiều hướng ngược lại, chương trình viết sách giáo khoa hiện nay đang tiêu ngốn một khoản tiền khổng lồ mà chưa có điểm dừng.
Nhắc đến Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn tự viết chương trình giáo dục phổ thông, thì cũng không thể quên Bộ trưởng Tạ Quang Bửu tự mình ra đề thi đại học. Viết sách giáo khoa và ra đề thi đại học hiện nay tốn kém đến mức độ nào thì ai cũng rõ. Việc tự ra đề thi của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, không chỉ là vấn đề giảm chi phí, mà quan trọng nữa là không cần phải tốn thời gian công sức cho việc bảo mật, không phải cách ly người ra đề khỏi gia đình và cộng đồng như hiện nay. Không biết lúc nào thì chúng ta lại có Bộ trưởng tự viết chương trình giáo dục như GS Hoàng Xuân Hãn và tự ra đề thi như GS Tạ Quang Bửu?
- VÀI KHÍA CẠNH VỀ NỘI DUNG VÀ THỜI LƯỢNG
Một phương diện khác cần đề cập trong biên soạn sách giáo khoa là về nội dung và thời lượng. Đã xuất hiện một khuynh hướng lạ lùng trong biên soạn sách giáo khoa hiện nay. Đó là việc kéo dài thời gian giảng dạy và kéo dài cách trình bày trong sách giáo khoa cho cùng một nội dung so với sách giáo khoa thời trước.
Lấy một thí dụ cụ thể về sách giáo khoa môn Toán lớp 1. Để dạy cho học sinh lớp 1 về các số từ 1 đến 100 và cộng trừ từ 1 đến 100 thì sách giáo khoa Toán 1 (chẳng hạn trong bộ Cánh Diều) cần đến 172 trang giấy khổ lớn (18,5 cm x 26 cm), cùng với 2 cuốn vở Bài tập Toán 1 (17cm x 24 cm), gồm 76 bài học, dày 162 trang (tập 1 dày 83 trang, 38 bài học, tập 2 dày 79 trang, 38 bài học).
Thực ra, để dạy cho học sinh con số và phép cộng trừ từ 1 đến 100, có lẽ không cần đến một nửa số bài học hiện nay; còn trang sách giáo khoa và vở bài tập thì không cần đến ¼ số trang hiện hành. Xin lưu ý rằng, trẻ em nhà nghèo, có thể học phép cộng trừ từ 1 đến 100 với bút bằng cành tre và giấy là bãi cát, và cũng chỉ trong khoảng vài chục bài học mà thôi. Cùng nội dung trên, sách giáo khoa thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ngắn hơn nhiều.
Không riêng môn Toán mà môn tiếng Việt và các môn khác đều trong tình trạng tương tự: kéo dài nội dung giảng dạy và kéo dài các trang sách trình bày. Tại sao lại xuất hiện khuynh hướng “sách giáo khoa dày cho một nội dung mỏng”?
Các tác giả viết sách, trong khung cảnh cạnh tranh, đã chủ ý làm cho bộ sách của mình “phong phú hơn, đầy đủ hơn, màu sắc hơn, bắt mắt hơn, trực quan hơn”… để thu hút khách hàng. Chính vì thế mà mọi tổ hợp của các phép cộng trừ của các số từ 1 đến 100 được liệt kê ra, với đủ các kiểu tranh vẽ minh hoạ, bắt cô thầy và học sinh phải biết hết mọi phương án. Những thứ “hơn” vô ích này không chỉ làm dày cuốn sách, làm tăng tiền sách giáo khoa, mà tai hại hơn, đi ngược với tiến bộ của giáo dục, buộc các em phải học điều không cần học, làm phí phạm bộ nhớ ban đầu trong trắng quý giá của các em. Đó không phải là cách truyền cho các em phương pháp sáng tạo. Đó là cách huỷ diệt khả năng suy luận, tổng quát và tưởng tưởng của học sinh.
Einstein từng nói “tưởng quan trọng hơn tri thức”. Cung cấp tri thức vụn vặt là phí phạm thời gian và bộ nhớ. Liệt kê tiểu tiết là phương hại đến tư duy tổng tổng quát, là quay lưng với tưởng tượng.
- LỐI THOÁT
Giá sách giáo khoa, đúng ra, không phải là đối tượng nằm trên bàn họp của Quốc Hội. Cho nên, Quốc Hội không nên quyết về giá trần của sách giáo khoa.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường toàn phần, giá sách do thị trường điều tiết. Ở nước ta, tình cảnh không như vậy. Ở nước ta, trên thực tế, các tác giả viết sách giáo khoa được chỉ định, nhà xuất bản in sách giáo khoa được chỉ định, tất cả nằm trong tình thế độc quyền. Vì thế, giá sách giáo khoa phải được nhà nước điều tiết. Thay mặt nhà nước quyết định các tác giả viết sách giáo khoa là Bộ GD&ĐT. Thay mặt nhà nước quyết định nhà xuất bản in sách giáo khoa cũng là Bộ GD&ĐT. Cho nên, Bộ GD&ĐT phải là nơi quản lý giá sách giáo khoa. Vấn đề còn lại là Bộ GD&ĐT quyết định chọn xác định giá sách giáo khoa, hay xác định giá trần sách giáo khoa?
Làm thế nào để xác định giá sách giáo khoa? Làm thế nào để xác định giá trần sách giáo khoa? Cả hai vấn đề naỳ không chỉ nằm trong phạm vi mà nằm trong khả năng của Bộ GD&ĐT. Có nghĩa là Bộ GD&ĐT có thể đảm nhiệm tốt cả hai vấn đề này.
Bài toán dẫn đến vấn đề ban hành phương thức xác định giá và vấn đề chỉ định người xác định giá. Cả hai vấn đề này đều phụ thuộc vào quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Riêng vấn đề phương thức xác định giá, thì, hoặc cần đến trợ giúp của tổ tư vấn, hoặc đích thân Bộ trưởng tự thiết lập. Ở đây, do khuôn khổ của bài viết, sẽ không đề cập chi tiết về phương thức xác định giá. Nhưng như trên đã nhấn mạnh, thù lao viết sách và chi phí in sách là các thành tố quan trọng của giá sách. Đến lượt mình, cách trả lương để viết sách, nội dung sách cùng độ dày của sách sẽ quyết định cơ bản giá thành của sách.
Nhưng còn một lối thoát khác phù hợp hơn cho hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Đó là Bộ GD&ĐT cho mượn sách giáo khoa miễn phí trên toàn quốc.
Nước ta tuyên bố xây dựng Chủ nghĩa Xã hội (CNXH). Tính ưu việt của CNXH là đưa lại nhiều phúc lợi nhất cho người dân, trong đó có giáo dục miễn phí. Cho nên, cần sớm tiến đến miễn phí giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Trong hoàn cảnh chưa thể miễn phí toàn phần cho học sinh phổ thông, thì hãy giải quyết vấn đề miễn phí từng phần và cho học sinh mượn sách giáo khoa miễn phí.
Với cách thức quản lý khoa học về viết sách và in sách, thì giá sách giáo khoa sẽ giảm giá còn không quá 30 % giá sách giáo khoa hiện hành. Quản lý tốt nữa giá thành sách giáo khoa còn giảm nữa. Tổng số tiền in sách giáo khoa cho học sinh mượn trên toàn quốc là khoản kinh phí nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT. Quan trọng hơn, là sách khoa được dùng cho nhiều năm, cho nhiều thế hệ học sinh, cả nhà nước lẫn nhân dân sẽ tiết kiệm được một khoản tài chính khổng lồ.
Điều gì có lợi cho dân cho nước thì phải làm. Cho học sinh mượn sách giáo khoa miễn phí trên toàn quốc là điều có lợi cho dân cho nước./.