Đông Đô – (VNTB) – Vấn đề bốc thăm cho con đi học… trường chỉ ưu tiên những trường hợp con em chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Đất nước Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ vào công sức học tập của các cháu” (Hồ Chí Minh)
Dạ thưa bác, để được học chúng cháu phải bốc thăm. Nếu phiếu ghi “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”, phụ huynh phải tìm trường ngoài công lập cho con.
Lá thăm may rủi cho quyền được đi học trường công
Cô Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt cho biết việc bốc thăm là phương án cuối cùng, “không ai muốn thế nhưng vì số lượng trẻ trên địa bàn nhiều mà cơ sở vật chất tại trường chưa đáp ứng đủ”.
Việc bốc thăm đầy may rủi này nảy sinh khi vào năm học 2022-2023, nhà trường được phân bổ tổng 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Trường nhận được 226 hồ sơ xin học cho trẻ 5 tuổi, nhóm trẻ 4 tuổi là 290 hồ sơ (gấp 3,2 lần chỉ tiêu) và 3 tuổi là 423 (gấp 1,7 lần chỉ tiêu).
Để giải quyết tình trạng quá tải trên, nhà trường ưu tiên nhận hết 226 hồ sơ trẻ 5 tuổi, phân bổ thành 13 lớp mẫu giáo. Việc này nhằm đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 năm học tiếp tới.
Vì vậy, việc bốc thăm được tổ chức cho cha mẹ học sinh có con 3 tuổi và 4 tuổi đã nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh năm học 2022-2023 vào cơ sở Linh Đàm và cơ sở Tứ Kỳ của Trường mầm non Hoàng Liệt.
Còn những bé từ 3 đến 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký. Nhà trường quyết định tổ chức bốc thăm dưới sự chứng kiến các bên liên quan để công bằng, minh bạch. Như vậy, còn 380 hồ sơ vượt chỉ tiêu sẽ theo học nơi khác trên địa bàn.
Ưu tiên gia đình chính sách
“Học trường công mới xây khang trang, học phí lại thấp hơn học trường tư. Tôi may mắn bốc được vé để con được học tại đây. Cả hai vợ chồng làm công nhân, nếu không may trượt chắc tôi đành cho con ở nhà” – ông Nguyễn Ngọc Dụng, 37 tuổi, trú tại tổ 7A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội vui mừng kể.
Bà Nguyễn Thị An, 68 tuổi, trú khu dân cư Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, cho hay, từ trước khi con bà dự buổi bốc thăm, bà đã có suy nghĩ rất khó để cháu của bà có suất học tại đây vì hồ sơ nộp nhiều. Theo bà An, gia đình bà trước đây có đất nông nghiệp canh tác trên chính vị trí ngôi trường mầm non Hoàng Liệt bây giờ, và Nhà nước đã thu hồi để mở trường.
“Với gia đình khá giả, nếu trượt suất học tại đây thì có thể học trường tư, nhưng nhà tôi không có điều kiện nên cho cháu ở nhà”, bà An nói, và cho biết thêm cháu bà đã trượt suất học tại đây.
Liên quan đến vấn đề bốc thăm cho con đi học, bà Trịnh Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Liệt cho biết, trường chỉ ưu tiên những trường hợp con em chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Thực trạng trên cho thấy đây hoàn toàn là lỗi của nhà chức trách địa phương – nơi được gọi là thủ đô Hà Nội, là địa chỉ của cơ quan đầu não chính trị quốc gia.
Chuyện có mới mẻ gì đâu
10 năm về trước – trích nhật ký ghi chép phóng viên: Thông báo tuyển sinh năm học 2011-2012 của trường mầm non Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, ghi rõ chỉ tiêu: chỉ nhận 33 trẻ năm tuổi, 20 trẻ bốn tuổi và 29 trẻ ba tuổi.
Ðọc thông báo, bà Nguyễn Thu Hương buồn rầu nói: Nhà tôi gần đây, năm nào cũng chứng kiến cảnh phụ huynh khốn khổ xếp hàng xin cho con vào học ở trường mầm non này. Năm nay con đến tuổi đi học, hộ khẩu đúng tuyến, nhưng với số lượng chỉ tiêu ít ỏi như vậy, thì sợ khó đến lượt mình. Năm ngoái, năm kia, không ít phụ huynh xếp hàng xin học cho con từ bốn, năm giờ sáng mà vẫn không được.
Bà Hà Thanh Minh có con lên ba tuổi cho biết: Con tôi học trường mầm non Hoa Hồng, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy thuộc diện đúng tuyến, nhưng trường phải ưu tiên tuyển 100% số trẻ năm tuổi, cho nên bà lo lắng không biết ngày tiếp nhận hồ sơ sẽ thế nào.
Bà Nguyễn Mai Thơ, phường Thịnh Quang, quận Ðống Ða tâm sự: Nhà ở sát trường mầm non thực nghiệm Hoa Hồng, ao ước con được vào học vì nghĩ tới cảnh hằng ngày chỉ việc dắt con đi bộ đến trường, không phải chịu cảnh đưa đón tắc đường. “Một mặt, tôi nộp đơn xin học cho con vào trường Hoa Hồng, mặt khác, tôi đăng ký cho con vào Trường mầm non tư thục chất lượng cao Vietkids ở ngõ 5 phố Láng Hạ” – bà Thơ cho hay vậy.
Thay lời kết
Vẫn biết, phát triển được hệ thống giáo dục mầm non công lập đáp ứng đủ nhu cầu của người dân là điều không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Nhưng đã chục năm hơn rồi mà không chỉ dậm chân tại chỗ, đàng này tình hình còn tồi tệ hơn như những gì đang diễn ra ở trường mầm non Hoàng Liệt. Nếu không thể xây thêm các trường công lập thì cần làm sao để hệ thống mầm non công lập và mầm non tư thục không còn quá chênh lệch về điều kiện vật chất, chất lượng giáo dục cũng như chi phí đóng góp của phụ huynh.
Có như vậy mới giải tỏa được những bức xúc chính đáng của các vị phụ huynh trong mỗi mùa tuyển sinh.