Tân Phong – Việt Tân
Phương Tây “lạnh” khi mùa đông chưa tới
Mùa đông đang đến” là câu nói nổi tiếng trong bộ phim Game of Thrones ám chỉ điều tồi tệ sắp xảy ra. Huyền thoại bán khống Michael Burry đã mượn câu nói này để nói về những dự cảm và tiên lượng về nền kinh tế Hoa Kỳ trong tương lai không xa. Không chỉ dừng lại ở đó, ông cũng đã thanh lý toàn bộ danh mục đầu tư của mình trong quý II năm nay.
Ngày 15 tháng Tám, quỹ đầu tư Scion Capital Management của Michael Burry đã bán sạch vị thế mua của 11 công ty trong quý II, bao gồm cổ phiếu công ty mẹ của Google là Alphabet, công ty mẹ Facebook là Meta, hãng dược phẩm Bristol-Myers Squibb và công ty truyền thông Nexstar Media Group. Tính đến cuối quý I, trị giá của số cổ phiếu này là 165 triệu USD. Công ty của ông Burry chỉ mua thêm một cổ phiếu trong quý II. Điều thú vị là cổ phiếu duy nhất mà Burry mua là cổ phiếu của một hãng quản lý …nhà tù tư nhân: CEO Group (có lẽ trong thời kỳ khó khăn thì các nhà tù sẽ làm ăn phát đạt.)
Dự cảm của Michael Burry về thị trường rất tệ “giống như nhìn thấy máy bay rơi hay như giai đoạn trước sự sụp đổ của Enron, sự kiện 11 tháng Chín, hay vụ phá sản của Worldcom…” Không chỉ có Michael Burry có nhận định tiêu cực này về triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ mặc dù chính phủ Joe Biden liên tục đưa ra những lời trấn an và các con số thống kê tốt đẹp về thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế. Nhưng các cuộc khảo sát dư luận và nghiên cứu thị trường thì lại cho thấy sự bất mãn của người dân Mỹ gia tăng bởi giá cả leo thang cũng như nhiều vấn nạn xã hội ngày một nhức nhối hơn.
Với hơn 1 triệu người nhập cư trái phép từ biên giới phía Nam trong 2 năm qua, Hoa Kỳ sẽ đón nhận một làn sóng tội phạm tăng cao chưa từng có trong lịch sử. Hỗn loạn về an ninh nội địa sẽ được các đảng phái chính trị sử dụng như một vũ khí để công kích nhau hoặc để phục vụ các lợi ích cho đảng phái. Trong khi lạm phát thực tế đang nuốt chửng tăng trưởng và các chương trình phục hồi kinh tế, an sinh xã hội đang ở mức thái quá? Các vấn đề này sẽ tiếp tục trầm trọng khi lợi ích đảng phái được tập trung nhiều hơn là lợi ích quốc gia. Đối với Hoa Kỳ, có lẽ “mùa đông” sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tìm được tiếng nói chung. Điều quan trọng hơn là tiếng nói đó phải đồng điệu với lợi ích của 335 triệu dân của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dường như đó là một chặng đường không dễ dàng để siêu cường này tìm lại được chính mình.
Mùa đông năm nay chắc chắn sẽ dài hơn và khó khăn với người dân Châu Âu khi không còn nguồn khí đốt gas giá rẻ từ Nga. Sức chịu đựng của những nền dân chủ lâu đời nhiều khi bị thử thách bởi những thứ tưởng chừng rất nhỏ bé: Tấm hóa đơn tiền gas, điện của các hộ gia đình. Chính phủ các nước Châu Âu cần có những lý do thuyết phục và mục đích cao cả để tìm kiếm sự đồng thuận, tập hợp sức mạnh cộng đồng trong tình huống khó khăn kéo dài này. Và đương nhiên, phải sẵn sàng mở rộng hầu bao để trợ giá cho những hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Thủ tướng Anh sắp từ nhiệm Boris Johnson đã rất đúng khi so sánh “Người dân Châu Âu trả hóa đơn tiền gas, người dân Ukraine trả bằng máu.” Cuộc chiến tranh do Putin phát động xâm lược Ukraine cần phải được nhìn nhận như một cuộc tấn công trực diện vào Châu Âu. Bởi lẽ, nếu Putin thành công thì không ai có thể an toàn, mọi đường biên giới đều có thể bị thay đổi bởi sức mạnh, luật pháp quốc tế và trật tự thế giới sẽ bị phá bỏ.
Mặc dù nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế và đổ đầy các bồn chứa trong kho dự trữ quốc gia, nhưng nếu cuộc chiến kéo dài 6 tháng nữa, thì khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu là không thể tránh khỏi. Và ngay cả khi Phương Tây sát cánh cùng với Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến này thì sự sụp đổ và hỗn loạn của nước Nga dẫn đến những hệ lụy và biến loạn về địa chính trị rất khó có thể đoán định.
Chúng ta đã biết về độ chính xác của những “dự đoán” mà các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ, Phương Tây trong thời gian qua. Từ sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul do Hoa Kỳ hỗ trợ suốt 20 năm qua trước một nhóm quân đội ô hợp chỉ được trang bị nghèo nàn như thế nào. Cũng chỉ mới hơn 6 tháng trước, họ cũng dự đoán Kyiv sẽ sụp đổ chỉ sau ít ngày. Với năng lực dự đoán của các cơ quan tình báo được coi là tài giỏi nhất thế giới như vậy, thật khó có thể biết được tương lai nào đang chờ đợi Châu Âu khi mùa đông tới.
“Vạc dầu Đông Á” và canh bạc lớn của Trung Cộng
Kinh tế Trung Quốc đang ở thời kỳ khó khăn nhất!
Đó là lời nhận định của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp với lãnh đạo 6 tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên. 6 tỉnh thành này quyết định 45% nền kinh tế quốc gia. Ông Lý kêu gọi sự đóng góp lớn hơn từ các tỉnh thành trụ cột trên vào quá trình phục hồi nền kinh tế, khi quốc gia này đang gặp phải những khó khăn chưa từng có vì chính sách phong tỏa, phòng chống dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng thị trường bất động sản (BĐS) và hạn hán.
Rất hiếm khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận những khó khăn mà họ gặp phải. Là một nhà kỹ trị, ông Lý có những nhận định về bức tranh kinh tế Trung Quốc mang tính bản chất hơn những báo cáo đã được tô hồng bởi các cơ quan thống kê nhà nước. Sự thừa nhận khó khăn của ông Lý về triển vọng phục hồi kinh tế, cũng như các vấn đề mang tính cốt lõi liên quan đến đường lối phát triển của Trung Quốc Cộng Sản đảng trong nhiều năm qua rõ ràng là một điều cấm kỵ trong văn hóa chính trị của thể chế toàn trị như Trung Quốc.
Có mâu thuẫn và kháng lực không nhỏ đối lập với khuynh hướng tập trung quyền lực và sự trì trệ của nền kinh tế dựa vào nhà nước vốn đã đạt được thành tựu to lớn sau 4 thập niên kể từ Đặng Tiểu Bình. Khi mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào việc mở rộng đầu vào là Vốn và Lao Động đã hết dư địa và động lực, nền kinh tế cần chuyển đổi mạnh mẽ, dựa vào sự đột phá của lực lượng tư nhân với sức sáng tạo gần như vô hạn, có trình độ cao và cực kỳ tham vọng. Nhưng điều đó cần một môi trường chính trị cởi mở hơn, sự nhượng bộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong một số vấn đề thị trường, cũng như sự thừa nhận quyền sở hữu tư nhân ở mức độ cao hơn… Nhưng xem ra, ở thời điểm hiện tại, tất cả điều này vẫn còn là tương lai.
Trung Quốc đại lục sau 4 thập niên bùng nổ phát triển kinh tế, đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu lớn mạnh. Sức mạnh kinh tài của tầng lớp này rất đáng kể và đi cùng với điều đó là nhu cầu lớn hơn về quyền chính trị, xã hội dân sự, tự do cá nhân, quyền sở hữu tư nhân về đất đai…Chính điều đó đang hình thành kháng lực ngầm chống lại khuynh hướng bảo thủ của Tập Cận Bình. Cho tới thời điểm hiện tại, đường lối bảo thủ của Tập Cận Bình được thúc đẩy bởi sự thôi thúc của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa.” Tất cả những điều này đặt thế giới vào một rủi ro còn lớn nhiều cuộc chiến tranh của “Puler Đại Đế.”
Cách thức mà Trung Cộng đối xử với những nhân vật Jack Ma, Pony Ma, Hứa Gia Ấn… cho thấy sức mạnh bảo thủ, chuyên chế ở đất nước này. Thứ văn hóa phong kiến đã bám rễ hàng ngàn năm vào chủng tộc Hoa Hạ. Nó không có khả năng tự thay đổi và tiến hóa hơn. Nó chỉ biến tấu chút ít từ quyền lực tối cao của Hoàng Đế chuyển thành quyền lực của Trung Cộng với vỏ bọc và diễn ngôn bóng bẩy “do dân và vì dân.” Giống như nước Nga, nơi mà Ivan Bạo chúa, Pyotr Đại Đế… được tái hiện bởi Putin như một phiên bản thấp kém hơn nhưng không kém phần tàn bạo. Trước đó là Stalin, Khrushchev, Lê Nin… Lịch sử của Trung Quốc và nước Nga có một sự đồng điệu đáng ngạc nhiên trong thứ văn hóa tôn sùng sức mạnh toàn trị đã cố kết trong suốt tiến trình lịch sử.
Rất khó nói về tương lai chính trị của Lý Khắc Cường mặc dù lời kêu gọi cải cách và đường lối kỹ trị của ông đang được tầng lớp trung lưu ưa thích. Nếu Lý Khắc Cường thắng thế thì có thể coi ông ta là một phiên bản mới của Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc trong tương lai có lẽ sẽ bớt hung hăng trong thời gian quốc gia này tập trung vào các vấn đề quản trị nền kinh tế và an sinh xã hội đang trở thành gánh nặng ngân sách.
Tuy vậy, cơ hội cho ông Lý khá thấp. Cuộc họp kín Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong bối cảnh các chính sách phong tỏa vẫn tiếp tục trong khi nền kinh tế có dấu hiệu lao dốc rõ ràng. Mặc dù không công khai phản đối nhưng ông Lý nhiều lần đưa ra những tín hiệu chỉ trích chính sách phong tỏa này. Tuy vậy, chính sách zero-Covid đang gây tổn hại to lớn tới nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục. Điều đó cho thấy khả năng chi phối chính trường của Chủ Tịch Tập rất mạnh.
Tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 – 24 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục với 19,9%, tăng so với mức 19,3% của tháng Sáu. Còn hoạt động đầu tư vào bất động sản giảm 6,4% trong 7 tháng đầu năm nay và giá nhà mới tại 70 thành phố lớn đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng Bảy vừa qua. Chính sách siết chặt tín dụng trong lĩnh vực BĐS đang khiến cho hàng loạt những tập đoàn BĐS như Evergrande tê liệt. Cạn vốn, các doanh nghiệp BĐS vốn từ trước tới nay có được sự phát triển thần kỳ nhờ nguồn tín dụng giá rẻ cũng như các kênh huy động vốn dễ dãi từ thị trường chứng khoán bùng nổ đã nhanh chóng rơi vào cơn hoảng loạn. Nền kinh tế Trung Quốc giống như một đoàn tàu cao tốc, lao đến khúc cua với tốc độ 250km/h với một bộ hãm phanh bị hỏng. Bloomberg dự đoán GDP của Trung Quốc năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng 2% kém xa mức mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đặt ra và thấp hơn cả mức Hoa Kỳ dự đoán là 2,8%.
Nỗ lực thay đổi cơ cấu tăng trưởng để tránh một cuộc sụp đổ thị trường BĐS không phải là một quá trình dễ dàng cho dù quyết tâm của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc trong nhiều năm là đáng ghi nhận. Từ việc đánh thuế BĐS thứ 2 trở đi, đến việc kiểm soát nguồn tín dụng cho người dân vay tiền mua nhà. Nhưng nỗ lực đó không đủ. Trung Quốc hiện có khoảng 65 triệu – 100 triệu căn hộ bỏ không. Số căn hộ bỏ không còn lớn hơn cả dân số nước Anh và con số thực tế có lẽ còn nhiều hơn con số mà cơ quan thống kê công bố. Ước tính số tài sản đang bỏ hoang này có giá khoảng 3.000 tỷ USD. Chiếm tới 70% đầu tư xã hội và 1/3 GDP quốc gia, tỷ trọng của thị trường BĐS quá lớn và sự sụp đổ của nó chắc chắn dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc rất khủng khiếp. Trong khi hàng trăm triệu căn hộ bỏ không thì hàng chục triệu người trẻ Trung Quốc không có nhà ở. Các doanh nghiệp phát triển BĐS Trung Quốc đang tê liệt vì cạn vốn do chính sách xiết chặt tiền tệ, không thể tiếp tục các dự án dang dở. Tiến độ giao nhà cho hàng triệu khách hàng bị trì hoãn đã thổi bùng lên cơn giận dữ của những người đã đóng tiền mua các căn hộ trong nhiều năm mà không biết bao giờ họ nhận được nhà. Một phong trào kêu gọi dừng trả lãi thế chấp của hơn 20 tỉnh thành đang khiến cho nhiều ngân hàng Trung Quốc rơi vào khó khăn… Những chỉ dấu xã hội cho thấy, một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến bất ổn xã hội vượt ngoài khả năng kiểm soát có thể xảy ra. Đó là điều đại kỵ của Trung Cộng.
Mới đây, bức thư nội bộ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi gửi các nhân viên của hãng bị rò rỉ trên mạng xã hội Weibo đã tạo ra một chủ đề cực nóng. Nội dung của bức thư nói đến tương lai ảm đạm của ngành công nghệ và nền kinh tế toàn cầu. Trong bức thư có đoạn:
“10 năm tới sẽ là một giai đoạn đau đớn trong lịch sử, nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái…Huawei cần từ chối bất kỳ dự báo quá lạc quan nào và biến sự tồn tại trở thành mục tiêu quan trọng nhất trong ba năm tới.”
Tờ Sina đánh giá, khi nội dung bức thư này bị rò rỉ, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh. Không chỉ có ông Nhậm Chính Phi mà Pony Ma của Tencent, Wang Xing của Meituan…mới đây cũng có những thảo luận và chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với giới công nghệ.
Trong một bối cảnh như vậy, thật ngạc nhiên khi Bắc Kinh tiếp tục duy trì các chính sách phòng dịch cực đoan. Phải chăng Chủ Tịch Tập cận Bình đang hướng đến một mục tiêu chính trị khác mà zero-Covid chỉ là cái cớ? Việc kéo dài phong tỏa các thành phố lớn, đồng thời siết chặt tín dụng BĐS, bóp nghẹt các quĩ tài chính tư nhân như Ant của Jack Ma hay kiểm soát các hãng công nghệ lớn như Tencent của Pony Ma, Huawei của Nhậm Chính Phi trong 2 năm qua là các chính sách thực sự làm tổn thương túi tiền của đại gia ở xứ “đèn lồng đỏ treo cao.”
Ở Trung Quốc, đằng sau mỗi tập đoàn lớn đều là những gia tộc Đỏ. Việc ông Tập đánh vào những nhóm lợi ích khổng lồ rõ ràng là một việc làm gây bất bình trong hàng ngũ “lão đại.” Ở bình diện xã hội lớn hơn, nó thậm chí hủy hoại tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Nếu đó là mục tiêu thực sự mà ông Tập nhắm tới, thì cuộc chiến sinh tử đang đợi ông ta ở đại hội đảng sắp diễn ra vào Mùa Thu năm nay.
Giờ đây một cuộc xung đột nhỏ ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc lại là cần thiết cho canh bạc chính trị lớn trong nước. Thất bại của Putin trong cuộc chiến xâm lược Ukraine là một yếu tố thúc ép Chủ Tịch Tập phải thúc đẩy quá trình “thống nhất” eo biển Đài Loan sớm hơn mốc dấu mà Trung Cộng đề ra trước đó. Bởi một khi Phương Tây thắng trong cuộc chiến Ukraine, triều đại của Sa Hoàng Putin sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc sẽ bị mất đi một đồng minh quan trọng, thế liên thủ Nga – Trung để cân bằng với Tây Phương không còn. Một nước Nga suy yếu và phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ tốt hơn nhiều một nước Nga tan rã. Chuỗi đảo thứ nhất sẽ được củng cố vững chắc hơn bao giờ hết bởi liên minh hùng mạnh Nhật – Mỹ – Hàn – Đài – Úc Châu, cùng với một NATO đã hồi sinh và có nhiều động lực hơn từ sau cuộc chiến Ukraine. Khi đó, khả năng để “thu hồi” Đài Loan mãi chỉ là “giấc mơ ban trưa” của đảng Trung Cộng.
Do vậy, vấn đề thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan chưa bao giờ trở thành nóng bỏng và cấp thiết như hiện nay đối với Trung Cộng nói chung và Tập Cận Bình nói riêng. Đài Loan trong mắt Trung Cộng là một cái dằm đâm vào mắt và nó cũng là một canh bạc lớn mà Tập Cận Bình phải tất tay trong thời gian ông ta nắm quyền. Khi cỗ chiến xa của thần Ares lăn bánh, cơn ác mộng ở Đông Á sẽ bắt đầu.
Tất cả những luận điểm trên cho thấy bức tranh toàn cảnh về địa chính trị thế giới và khu vực trong 10 năm tới sẽ cực kỳ biến động, đầy rủi ro. Cuộc khủng hoảng của Đông Á bắt đầu từ eo biển Đài Loan, một nước Nga tan rã và hỗn loạn, một kỷ nguyên khắc nghiệt đang cận kề và cơn bão lớn của cuộc đại suy thoái đang ào ào lướt tới. Nó sẽ tàn phá những quốc gia nhược tiểu, không có nội lực và dính vào Nợ nần quá nhiều.
Xem ra, “mùa đông đang đến” là một dự báo mang tính toàn cầu và những điều tồi tệ mà chúng ta chưa từng biết đến có lẽ vẫn ở phía trước.
Tân Phong