Định Tường (VNTB)
“Luật đất đai là luật khó, khi sửa phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân”.
Phát biểu kết luận hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) theo nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng kế hoạch lộ trình từ nay đến tháng 10-2023, trong đó có kế hoạch chi tiết lấy ý kiến nhân dân về dự án luật.
Ông Huệ nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng – an ninh, trong nước và ngoài nước, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đây cũng là luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình xây dựng phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau.
Bài viết chỉ gói gọn ở phần mà ông Huệ thừa nhận khó, đó là “phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo” trong đất đai. Tiếc là ông Huệ không nói rõ hơn là các tranh chấp – khiếu nại – tố cáo trong đất đai, hầu hết là về vấn đề quyền sở hữu dân sự về tài sản đất đai.
Một đơn cử, hôm 26-8-2022, tin tức cho hay Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên vi phạm.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn; không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Vì sao người dân “hiến đất” lại dẫn đến chuyện các quan chức bị kỷ luật?
Số là trong khoảng hơn 1 năm qua, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa trở thành “điểm nóng” về phân lô, bán nền. Đầu tháng 6-2022, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện hàng chục lô đất rộng hàng ngàn m2 được chủ đất lợi dụng việc hiến đất làm đường giao thông để thực hiện phân lô, bán nền trái phép. Các lô đất này đều là đất trống, đã được san ủi mặt bằng, đầu tư hạ tầng về giao thông, cấp điện, thoát nước…
Sau đó được một số sàn giao dịch bất động sản môi giới, quảng cáo, đặt tên cho các khu đất phân lô trên thành dự án “khu dân cư”, “khu đô thị” mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông.
“Thực sự văn bản của mình nhiều cái cũng không rõ ràng làm cho người ta hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và đây cũng là cơ sở cho người khác lợi dụng. Mặt khác, cũng có nguyên nhân do huyện chưa có quy hoạch cụ thể nên mới xảy ra tình trạng như vậy” – ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, phân bua.
Ông Bảo cho biết việc này đã diễn ra từ lâu và trải qua nhiều giai đoạn. Các lô đất hầu hết đều đã được cấp sổ, hạ tầng được đầu tư, do đó để xử lý các vi phạm đòi hỏi phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục nên phải có thời gian.
Như vậy, nếu thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa là “hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông”, sẽ đưa đến chuyện ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân liên quan trong chuyện “chuyển mục đích sử dụng đất – hiến đất làm đường giao thông”?
Quyền sở hữu dân sự về tài sản đất đai trong các trường hợp như trên, liệu sắp tới đây sẽ chịu sự điều chỉnh ra sao của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) theo nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII?
Định Tường