Chuyện không chỉ có ngành xây dựng, vấn đề ở hai chính sách lớn

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Hôm nay, ngày 25 Tháng Tám, trên báo VNEconomy có bài viết “Không giải quyết được nợ đọng, Việt Nam sẽ không còn nhà thầu xây dựng?” có phản ảnh tình trạng bi đát của các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Hiện nay có đến 90% nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ có vốn dưới 100 tỷ đồng. Những doanh kiệp này có sức chịu đựng trước khủng hoảng rất kém, ấy vậy mà cả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang đẩy họ vào đường cùng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam VACC cho biết, tình trạng nợ đọng khó thu hồi khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản. Điều đáng nói là hiện tượng giam vốn các nhà thầu xây dựng xảy ra đồng loạt cả khu vực nguồn vốn ngân sách và cả nguồn vốn ngoài ngân sách. Với nguồn vốn trong ngân sách, nó thuộc chính sách tài khóa của Chính phủ, còn nguồn vốn ngoài ngân sách nó phụ thuộc chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Không biết ông Phạm Minh Chính điều hành Chính phủ kiểu gì mà đến nay chỉ giải ngân được 40% vốn đầu tư công, còn lại 60% là bị đọng? Điều này dẫn đến hiện tượng hàng loạt nhà thầu xây dựng không thu hồi vốn trong khi đó ngân hàng lại luôn “dí dao vào gáy” buộc họ phải thanh toán nợ.

- Quảng Cáo -

Việc nghẽn dòng tiền giải ngân nguồn vốn đầu tư công có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, Nhà nước không cho triển khai dự án thì nguồn vốn sẽ đọng lại trong kho bạc;

Thứ nhì là do cơ chế thanh toán bị phủ đầy thủ tục rờm rà làm cho nhà thầu làm xong việc nhưng rút tiền không được.

Việc hàng loạt nhà thầu bị chiếm dụng vốn ở các dự án công cho thấy, nhà nước đang chiếm dụng vốn của họ. Như vậy việc 60% nguồn vốn đầu tư công bị nghẽn là có phần không nhỏ bởi sự tắc trách của bộ máy Chính quyền. Vậy tôi hỏi ông Phạm Minh Chính điều hành Chính phủ kiểu gì mà để xảy ra tình trạng như vậy? Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần thanh tra tại sao?

Về nguồn vốn ngoài ngân sách thì nhà thầu không thu hồi nợ là có tính dây chuyền. Doanh nghiệp chủ đầu tư hiện nay đang là nạn nhân chung bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Gói cho vay ưu đãi với lãi suất 2% hiện chỉ mới giải ngân được 1%, còn lại 99% là nghẽn không thể đến tay doanh nghiệp. Nói về vướng mắc thì cả rừng không thể nào kể hết, hiện nay doanh nghiệp kêu trời vì đói vốn mà phía ngân hàng thì không tài nào gỡ nổi. Vì sao vậy hả bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?

Nếu không vay được nguồn vốn ưu đãi thì gói vay tính dụng thông thường cũng không thể nào tiếp cận được bởi Ngân hàng Nhà nước áp room tín dụng một cách thô bạo lên hệ thống ngân hàng thương mại. Ngân hàng hiện nay đang rơi vào tình cảnh mất cân đối nghiêm trọng bởi người gởi thì đến ngân hàng gởi tiền rất tấp nập nhưng người đi vay thì không thể vay bởi ngân hàng đã cạn room tín dụng. Ngân hàng thừa tiền nên phải tìm cách đầu tư để sinh lời chứ không thể nhốt tiền vào kho được. Cho nên họ đã dùng tiền mua trái phiểu chính phủ và từ đó, Ngân hàng Nhà nước rút tiền về nhốt trong kho.

Nguồn tiền mà tưới vào doanh nghiệp nó sinh ra tài sản cho quốc gia, nhưng tiền được hút về Ngân hàng Nhà nước là đồng tiền chết không sinh ra của cải cho xã hội. Đồng ý khi nền kinh tế đang xảy ra tình trạng lạm phát thì các người tìm mọi cách giảm lượng cung tiền ra thị trường, tuy nhiên khi lạm phát đang thấp thì các người hút tiền về làm gì để ngân hàng thương mại khó khăn và doanh nghiệp đang kêu trời vì đói vốn?

Theo như những gì Chính quyền Cộng sản thông báo thì lạm phát Tháng bảy chỉ là 2,24% và mới đây, Bộ Tài Chính dự báo lạm phát cả năm 2022 khoảng 3,37 đến 3,87%. Nước Mỹ đang lạm phát trên 8% thì Cục Dự Trữ Liên Bang FED mới nâng lãi suất. Còn Việt Nam theo thông báo của các ông là đang lạm phát dưới 4% vì thế còn nhiều dư địa để mấy ông bung tiền mà? Vậy sao mấy ông không hy sinh một ít lạm phát để nhả tiền ra cho doanh nghiệp lướt qua khủng hoảng chứ? Hay là con số thống kê mấy ông là con số xạo?

Theo tôi được biết hiện nay không chỉ riêng nhà thầu xây dựng bị rơi vào hoàn cảnh “trên đe dưới búa”, bên dưới thì con nợ không trả tiền, bên trên thì bị ngân hàng “dí dao vào cổ”, kiểu này thì chỉ có phá sản chứ chạy đường nào thoát? Chỉ còn cách tìm đến giới cho vay nặng lãi, mà tìm đến giới này thì doanh nghiệp chết càng đau đớn hơn.

Đó là những gì mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hai chính sách lớn. Thực hiện tồi như thế nhưng không hiểu sao Việt Nam lại có con số tăng trưởng “như mơ”? Chắc là chế số để khoe khoang thành tích./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vneconomy.vn/khong-giai-quyet-duoc-no-dong-viet…

https://vnexpress.net/hon-60-von-dau-tu-cong-chua-duoc…

https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tro-lai-hut…/

https://vneconomy.vn/bo-tai-chinh-du-bao-lam-phat-ca-nam…

https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tro-lai-hut…/

- Quảng Cáo -