Diễm Thi – RFA
Bộ Công an đề xuất thu thập ADN, giọng nói làm cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Liệu điều này có vi hiến hay không khi bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được hiến pháp công nhận.
Theo dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đề xuất thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước đối với công dân Việt Nam sẽ bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói, thông tin tài khoản định danh điện tử, bên cạnh hàng chục nhóm thông tin khác.
Góp ý cho dự án này, Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung các thông tin sinh trắc học vào căn cước công dân.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học nhằm quản lý toàn bộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung thông tin về ADN cần cân nhắc kỹ tính khả thi trong việc lấy mẫu với việc bảo mật các thông tin này do liên quan trực tiếp tới các quyền nhân thân của con người.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu một số vấn đề pháp lý liên quan đề xuất của Bộ Công an, với RFA sáng 23 tháng 8:
“Từ trước cho đến nay, đặc điểm nhân dạng của công dân được cơ quan công an thu thập làm căn cước công dân chỉ gồm ảnh khuôn mặt và dấu vân tay. Mới đây, theo dự thảo sửa đổi Luật Căn cước Công dân đã đề xuất thu thập thêm thông tin về đặc điểm sinh trắc học gồm cả mống mắt, ADN và giọng nói khiến tôi thật sự ngạc nhiên và không khỏi thắc mắc và lo ngại, ít nhất là về 2 phương diện: Pháp lý và bảo mật cá nhân.
Về pháp lý, các đặc điểm mống mắt, ADN đều là những thông tin cá nhân, thuộc về quyền nhân thân, quyền thân thể được hiến pháp minh thị bảo vệ. Một đạo luật như Luật Căn cước Công dân không thể phủ nhận quyền do hiến pháp quy định, trừ khi công dân tự nguyện ưng thuận từ bỏ quyền được hiến pháp bảo vệ, nhưng đây chỉ là khả năng mang tính cá biệt mà thôi.
Đồng thời, trong thực tế, mống mắt hoặc giọng nói đều là những cách thức bảo mật của người dân để thực hiện sự bảo vệ các tài khoản ngân hàng, danh khoản chứng khoán, mạng xã hội, mở khóa điện thoại di động cá nhân, wifi, cổng nhà, camera an ninh và rất nhiều các loại bảo mật khác trong sinh hoạt của người dân. Vì lẽ đó, việc chính quyền thu thập các thông tin về mống mắt, ADN và giọng nói, cho dù nhân danh với bất kỳ lý do nào cũng đều gây nên sự lo ngại của người dân một khi khả năng rò rỉ thông tin luôn luôn hiện hữu.”
Quyền bí mật đời tư được công nhận trong hầu hết các tuyên ngôn hay công ước về nhân quyền trên thế giới.
Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR) có ghi: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.”
Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) ghi rằng: “Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”
Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.”
Như vậy, đề xuất thu thập những thông tin cá nhân mà Bộ Công an nêu ra có vi hiến hay không? Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm của ông với RFA:
“Cái này là mới đề xuất thôi nhưng nhiều cơ quan người ta phản biện bởi vì cái tính khả thi trong việc lấy mẫu. Thứ hai, để xác định nội dung bảo mật những thông tin này thì mình phải làm sao? Bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật đời tư đã được Hiến pháp Việt Nam 2013 nói là bất khả xâm phạm. Bây giờ muốn đưa những thông tin này làm dữ liệu căn cước thì nó có vi hiến hay không?
Anh đề nghị đưa vô những cái cách đưa vô như thế nào để đảm bảo tính bảo mật. Rồi đánh giá kỹ năng bảo vệ những thông tin này trong dữ liệu ra sao. Nếu nó lộ ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý như thế nào? Ai lấy những thông tin từ công dân để làm dữ liệu căn cước sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo tôi, đề xuất là đúng nhưng cái cơ sở để bảo vệ thông tin thì người ta phải tính thêm. Một số các cơ quan người ta chỉ băn khoăn chỗ đó. Nếu giải trình được thì đề xuất sẽ thông qua thôi.”
Một số người cho rằng, việc lưu dấu vân tay và khuôn mặt là quá đủ để nhận dạng một cá nhân, không nhất thiết phải lưu thông tin sinh trắc học như đề xuất của Bộ Công an. Với cái nhìn của một người dân, ông Liêu Thái phản đối việc lưu trữ ADN. Ông nói:
“Bây giờ giả sử phải thử ADN để đưa dữ liệu vào hệ thống thì coi như tất cả các con bài sẽ bị lật ngửa. Bí mật gia đình không còn nữa. Ví dụ gia đình nào đó có năm đứa con nhưng đùng một cái có một đứa không phải cùng bố thì gia đình sẽ đổ vỡ. Ai dám đảm bảo cái chỉ số hạnh phúc gia đình của Việt Nam không bị rối khi lấy dữ liệu ADN như thế? Ở Việt Nam những trường hợp như thế rất là nhiều. Thậm chí những ông cán bộ, đảng viên là bị đầu tiên. Cho nên theo tôi, việc lấy ADN như thế có khi là lợi bất cập hại.
Hơn nữa, việc bảo mật thông tin của Việt Nam rất kém, thậm chí có chuyện bán thông tin. Nếu ADN được thử hết cho mọi thành viên trong gia đình thì chuyện đất đai, tài sản lại cạnh tranh khốc liệt. Đây là cơ hội để người ta loại một người thừa kế ra khỏi gia đình. Nó rất là ghê gớm. Lựa chọn đưa ADN vào dữ liệu lưu trữ là lựa chọn quá sai lầm, gây rối loạn xã hội.”
Nhiều người không tin tưởng vào việc bảo mật các thông tin cá nhân của họ một khi nó nằm trong kho dữ liệu, bởi chuyện lộ thông tin không phải là hiếm, chưa kể tin tặc đánh phá. Hàng loạt thông tin bí mật của các quan chức bị tiết lộ trước các kỳ đại hội đảng là một ví dụ.
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng số sự cố tấn công mạng tại Việt Nam lên tới 2.643 với 2.022 vụ tấn công mã độc, 378 tấn công lừa đảo, 243 tấn công thay đổi giao diện. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 6.641 cuộc. Trung bình mỗi tuần có hơn 265 vụ.
Với điện thoại thông minh được điều khiển bằng giọng nói, việc lộ giọng nói từ kho lưu trữ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân. Hàng loạt các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng được báo chí Nhà nước loan tải cho thấy lỗ hổng trong bảo mật. Dù ngân hàng có bồi thường thì niềm tin của người dân vào hệ thống bảo mật vẫn giảm sút.
Diễm Thi
Nguồn: RFA