Đòn bẩy tài chính là công cụ để doanh nghiệp phát triển. Vậy đòn bẩy tài chính là gì? Đó là việc dùng vốn vay để tạo ra lợi nhuận, sau đó dùng lợi nhuận thay thế dần nguồn vốn vay giúp doanh nghiệp phát triển thần tốc trong khi vốn chủ sở hữu thì giới hạn.
Với điều kiện là chiến lược kinh doanh tốt và thực hiện chiến lược thành công thì đòn bẩy tài chính là công cụ biến “lọ lem thành công chúa”. Tuy nhiên, nếu chiến lược kinh doanh thất bại thì đòn bẩy tài chính sẽ trở thành “lưỡi đao” trảm chính doanh nghiệp đó một cách tàn nhẫn nhất.
Trên thị trường chứng khoán, công cụ đòn bẩy tài chính không xa lạ gì với nhà đầu tư lẫn nhà phát hành chứng khoán. Đó là điều bình thường. Thị trường nào cũng vậy, nó luôn chấp nhận công cụ đòn bẩy tài chính nhưng mà chấp nhận tỷ lệ nào mới là vấn đề cần bàn. Hiện nay các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dính đòn bẩy tài chính rất nặng. Cụ thể như 3 doanh nghiệp của tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành 10.300 tỷ đồng trái phiếu hầu hết là có vốn vay lớn hơn 6 lần vốn chủ sở hữu. Đây là rủi ro rất lớn. Có nhiều doanh nghiệp vốn vay gấp 30 lần vốn chủ sở hữu và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào một vùng bão rủi ro rất lớn.
Mới đây trên báo có thông tin, Vingroup có vốn vay gấp 2,85 lần vốn chủ sở hữu đang làm dậy sóng xã hội buộc các tờ báo phải rút bài. Thực ra theo tôi tỷ lệ này là khá cao nhưng chưa đến mức nghiêm trọng như xã hội phản ứng. Bởi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu được niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán đều có vốn vay/vốn chủ sở hữu khoảng 2,5 lần. Như vậy tỷ lệ của Vingroup chưa quá lo ngại như người ta tưởng. Đáng lo ngại là vấn đề tình hình kinh doanh của Vingroup chứ không phải tỷ lệ này. Bởi vì một khi anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính mà kinh doanh không hiệu quả thì chính nó thành “lưỡi đao” chém vào cổ anh mà thôi. Vấn đề là hiện nay Vingroup kinh doanh thế nào mới đáng lo ngại.
Có 2 điểm mà tôi chú ý trong những tháng qua, đó là Vingroup đã chuyển Vinfast ra nước ngoài và đang là người đi đầu trong vấn đề xây dựng nhà ở xã hội. Bởi 2 điều này phần nào nó nói lên tình hình kinh doanh của Vingroup và ý đồ của ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Cho đến nay, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi, giá nhà đất ở Việt Nam đã tăng đến 170% trong vòng 4 năm đẩy rất xa tầm với của người dân mà ông Vượng lại nhảy vào xây dựng nhà ở xã hội. Cách đây 4 năm, người dân Việt phải mất 35 năm lao động mới mua được nhà thì nay họ phải mất đến 57 năm. Với giá nhà như hiện nay thì Vingroup xây nhà ở xã hội dưới 1 tỷ đồng/căn là điều không tưởng chứ nói gì đến vài năm sau? Không ai tiên liệu được giá nhà và giá vật liệu sẽ nhảy đến đâu sau khi dự án nhà ở xã hội của Vingroup hình thành, nhưng chắc rằng giá chỉ có tăng mà không giảm.
Có lần tôi đã giả định Vingroup sẽ gom lại hàng rồi bán giá khác theo một cách trá hình. Ngoài giả thiết này ra thì khó mà lý giải được tại sao Vingroup lại nhảy vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Mà nếu gom hàng bán lại một cách trá hình thì không sớm thì muộn nó cũng lộ và Vingroup sẽ giảm giá trị thương hiệu và thậm chí gặp rắc rối.
Được biết, nhà phát triển bất động sản nhảy vào lĩnh vực nhà ở xã hội đang được nhà Nước Cộng Sản ưu ái nên họ sẽ để yên cho Vingroup thực hiện. Sẽ được ưu ái giao đất, sẽ được ưu ái các gói vay, và sẽ ưu ái hạn chế kiểm tra hay thanh tra để nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án. Và có thể Vingroup lợi dụng tình hình này để kéo dài thời gian sinh tồn của tập đoàn.
Để ý rằng, Vingroup làm nhà ở xã hội sau khi đã chuyển toàn bộ cổ phần Vinfast ra nước ngoài. Chuyển toàn bộ cổ phần ra nước ngoài là dấu hiệu cho thấy Vingroup muốn chuyển dần vốn ra khỏi biên giới để tháo chạy. Trước đây Hoàng Anh Gia Lai đã tẩu tán thành công làm Chính quyền Công Sản mất đi một miếng mồi ngon thì nay họ rút kinh nghiệm ngăn cản Vingroup làm điều tương tự. Hoàng Anh Gia Lai chuyển vốn đi, thị trường bất động sản không sập nhưng Vingroup làm điều đó thì thị trường bất động sản và ngân hàng sẽ ngã hàng loạt vì khoản nợ của Vingroup quá lớn.
Rất có thể việc hô hào IPO ở thị trường chứng khoán New York chỉ là hỏa mù mà Vingroup tung ra để đánh lạc hướng, mục đích của họ là rút vốn trong nước mà thôi. Và bằng chứng là cho đến nay Vinfast vẫn chưa để IPO ở Mỹ gọi vốn thì đủ hiểu mục đích của họ đâu phải là xây Vinfast ở Mỹ bằng vốn ngoại? Vingroup có thể lớn ở Việt Nam nhưng để IPO gọi vốn tại Mỹ thì vẫn chưa đạt yêu cầu, ít nhất là thời điểm hiện tại.
Như vậy rất có thể là dự định của Phạm Nhật Vượng đã bị Đảng Cộng Sản bắt bài và ra tay chặn trước, mà một khi đã bị Cộng Sản chặn thì việc Vingroup bị thịt là vấn đề thời gian. Có thể thấy, việc nhảy vào lĩnh vực đầu tư nhà ở xã hội chỉ là kế hoãn binh để kéo dài thời điểm xuống tay của Đảng Cộng Sản. Tin đồn ông Vượng bị cấm xuất cảnh đã bị phía công an bác bỏ, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa ai thấy ông Vượng đặt chân ra nước ngoài để chứng minh thuyết phục cho mọi người biết là ông không bị cấm. Biết đâu, đây là lệnh miệng thì sao?
Theo như đánh giá chủ quan của tôi, là Đảng Cộng Sản đang không cho Vingroup chuyển vốn ra nước ngoài đồng thời vẫn tạm giữ Vingroup để cho nó không sụp nhằm cứu lấy nền kinh tế. Và tương kế, Vingroup nhảy vào lĩnh vực nhà ở xã hội để buộc nền kinh tế Việt Nam và Chính sách của Chính quyền Cộng sản Việt Nam càng phụ thuộc vào Vin mà nhờ đó để Chính quyền cần phải giữ Vin hơn là thịt Vin./.
Đỗ Ngà