Der Spiegel
Khi nói đến khả năng trao đổi nữ tù Brittney Griner, vận động viên bóng rổ người Mỹ đang bị Nga giam giữ người ta luôn nghe đến cái tên Wiktor But. »Gã lái buôn tử thần« này là ai?
Wiktor But 2008 trong nhà tù ở Bangkok
Cầu thủ bóng rổ người Mỹ Brittney Griner bị Nga giam giữ từ ngày 17 tháng 2 vì sở hữu hai hộp vape có chứa dầu cần sa, với Nga điều này là phạm pháp. Vừa qua cô này đã bị một tòa án Nga tuyên phạt 9 năm tù.
Từ lâu đã có đồn đại cô này sẽ được thả nếu có sự trao đổi tù nhân với Nga. Hôm thứ sáu, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã xác nhận rằng ông sẵn sàng trao đổi về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ “hy vọng” rằng Griner sẽ sớm được trở về Mỹ. Ông nói “Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.” Khi nhắc đến một sự trao đổi tù nhân, cái tên Wiktor But thường được nhắc đến nhiều nhất.
Tên này còn mệnh danh “Lái buôn cái chết” hay “kẻ phá hủy lệnh trừng phạt”, vậy y là ai?
Wiktor But mang biệt danh trên vì kỹ năng lách các lệnh cấm vận vũ khí. Y vốn là phiên dịch quân sự chuyên thực hiện hành vi buôn lậu vũ khí từ Đông Âu sang Châu Phi và Trung Đông. Khách hàng của gã bao gồm các nhóm nổi dậy, lãnh chúa và những kẻ khét tiếng tàn bạo, nhơ bẩn như Charles Taylor ở Liberia và Muammar al-Gaddafi ở Libya, cũng như Taliban. Nhưng Wiktor But bác bỏ các cáo buộc này.
Có ý kiến khác nhau về lai lịch và tuổi trẻ của Wiktor But. Người ta thường cho rằng anh ta sinh năm 1967 tại Dushanbe, thủ đô nước Cộng hòa Tajikistan, thuộc Liên Xô cũ, không xa biên giới với Afghanistan.
But đã theo học tại một trường cán bộ ở Moscow về ngoại ngữ và kinh tế. But sử dụng thành thao nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Ả Rập và Ba Tư. Chính nhờ khả năng này nên But đã đi lên nhanh chóng. Khi còn là một cậu bé, But thậm chí còn học cả Esperanto, quốc tế ngữ. Ông ta từng làm phiên dịch trong Quân đội Liên Xô khi hoạt động ở Angola. Từ đây ông ta chuyển sang kinh doanh.
Sự nghiệp buôn bán vũ khí của But bắt đầu với sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô. But mua vũ khí với giá rẻ mạt của Hồng quân Liên Xô đang suy yếu và vận chuyển chúng đến các khu vực đang xung đột ở châu Phi, châu Á và các nơi khác. But đã tiếp quản khoảng 60 máy bay quân sự cũ của Liên Xô tại các căn cứ quân sự của Không quân Liên Xô ở Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nhờ đó ông ta có thể tự tổ chức hoạt động kinh doanh mua tận gốc bán tận ngọn trên toàn thế giới.
Viktor But luôn tỏ ra là một nhà doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, nghiêm túc. But luôn khoe “tôi khởi nghiệp bằng kinh doanh hoa lay ơn. Khoản tiền đầu tiên mà tôi kiếm được là khi giao lô hàng lay ơn đầu tiên ở Vịnh Ba Tư. ”Tuy nhiên, đó chỉ là cái vỏ. Thông qua trung gian, But chủ yếu buôn bán vũ khí từ căn cứ của mình ở Tiểu vương quốc Sharjah trên Vịnh Ba Tư. But bán tên lửa đất đối không, hệ thống súng chống tăng có thể điều khiển cho Tổ chức du kích Unita ở Angola và các loại đạn pháo.
Charles Taylor, cựu tổng thống và lãnh chúa ở Liberia, cũng là một trong những khách hàng xộp của ông ta. But bán cả AK 47 cho đối thủ của Taylor. Tại Afghanistan, anh ta đã bán vũ khí cho cả Taliban và các đối thủ của Liên minh phương Bắc thân phương Tây. Viktor But cung cấp vũ khí cho Congo và cho cả lực lượng Hồi giáo Abu Sayyaf ở Philippin.
Vào khoảng đầu thiên niên kỷ, Wiktor But trở thành người đàn ông bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới. Brussels đưa y vào danh sách truy nã quốc tế vì tội buôn lậu kim cương và rửa tiền. CIA cũng đang lần theo dấu vết của y.
Năm 2000, Bộ trưởng Anh Peter Hain đã gán cho gã đàn ông 33 tuổi này biệt danh “lái buôn của thần chết”, cái tên đó tồn tại cho đến tận ngày nay.
Bị tóm cổ ở Bangkok năm 2008
Năm 2008, một cuộc tiếp cận đã được thực hiện trong một khách sạn sang trọng ở Bangkok. Đặc vụ Hoa Kỳ đã tổ chức phi vụ này. Họ đóng giả là đại diện của phiến quân FARC Colombia và ngỏ ý. But sẵn sàng cung cấp cho lực lượng này 100 tên lửa đất đối không để tấn công quân đội Mỹ. Toàn bộ cuộc thương lượng đã được mật vụ Mỹ ghi hình.
Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ But và sau hai năm giằng co về ngoại giao, Wiktor But đã bị dẫn độ sang Mỹ.
Năm 2012, Tòa án liên bang ở New York đã tuyên Wiktor But phạm tội âm mưu giết hại công dân Hoa Kỳ, giết các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và bắn máy bay: 25 năm tù và 15 triệu đô la tiền phạt.
Phán quyết này đã dẫn đến xung khắc giữa Mỹ và Nga, Nga liên tục kêu gọi trả tự do cho But. Kể từ đó, Nga đã lặp đi lặp lại nỗ lực giải phóng tên lái súng But thông qua trao đổi tù nhân.
Những nỗ lực dai dẳng của Nga đòi trả tự do cho But được coi là một dấu hiệu But không chỉ là lái súng mà còn làm việc cho cơ quan mật vụ Nga GRU. Trường Ngoại ngữ Matxcova đã đào tạo nhiều sĩ quan tình báo. Mark Galeotti, nhà sử học và chuyên gia về chính sách an ninh Nga cho biết: “Nhiều khả năng But là một đặc vụ của GRU, hoặc ít nhất là người cung cấp thông tin cho cơ quan này.”
Cuộc đời của But nghe giống như một bộ phim tình báo. Trong thực tế, cũng đã có một bộ phim lấy cảm hứng từ con người này, Lord of War năm 2005, trong đó Nicolas Cage thủ vai tay buôn vũ khí Yuri Orlov. Khi bấm máy, đoàn làm phim đã thuê một chiếc Antonov cho một cảnh quay. Sau đó, hóa ra chiếc máy bay thực sự đến kho máy bay của Wiktor But.
Nếu vụ trao đổi Wiktor But với nữ vận động viên bóng rổ Brittney Griner thành hiện thực thì đây là một vụ trao đổi không cân sức. Griner chỉ mang theo dầu cần sa, theo cô nói cô mua nó theo đơn bác sỹ và nó là dầu bôi giảm đau vả lại đây là sản phẩm hợp pháp tại bang Arizona, quê hương của cô ở Hoa Kỳ. Trong khi đó But một tội phạm có quan hệ với các nhóm khủng bố quốc tế và có thể cả các cơ quan tình báo.
Cùng trao đổi với Griner còn có Paul Whelan, một người Mỹ khác bị giam cầm ở Nga, cho đến nay toàn bộ vụ tao đổi này chỉ được xác nhận một cách bán công khai. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho đến nay chỉ nói về một “đề nghị quan trọng” đối với Moscow để trả tự do cho hai công dân Hoa Kỳ./.
Nguồn: https://www.spiegel.de/…/wiktor-but-der-waffenhaendler…