Một học sinh giỏi trường chuyên ở Cà Mau có điểm thi tốt nghiệp khá cao, nhưng bị điểm liệt môn tiếng Anh. Lý do, “sau khi nhận đề, em làm nháp vào tờ đề thi được hơn 40 trong tổng số 50 câu, mất khoảng 15 – 20 phút trong 60 phút làm bài thi môn tiếng Anh. “Do mệt quá vì nhiều đêm thức khuya ôn bài cho kỳ thi nên em gục xuống bàn rồi ngủ khi nào cũng không hay”, nam sinh chia sẻ.
Ông Phạm Việt Hưng, trưởng điểm thi cho biết, “theo quy chế, giáo viên coi thi chỉ có thể nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng từng thí sinh trong phòng thi. Khi còn 15 phút nữa hết giờ, cán bộ coi thi 1 thông báo cho cả phòng thi. 5 phút trước khi hết giờ, giám thị yêu cầu thí sinh kiểm tra lại bài, số báo danh, mã đề và được phép nhắc nhở 2 lần”. Một lý do được đưa ra như vậy để bào chữa cho giám thị.
Tôi đọc bài báo, không phải con tôi, mà tim cứ nhói lên rồi thành phẫn nộ.
Có cái quy chế lạ lùng vậy sao? Quy chế cấm làm những việc tiêu cực chứ học sinh mệt mỏi ngủ quên thì giám thị đánh thức nó dậy, ai phạt tội? Phòng, Sở, Bộ chăng? Nếu là tôi, dẫu có bị kỷ luật tôi cũng sẵn sàng nhận, sau đó xem ông Phòng, ông Sở, ông Bộ chỉ là con sói làm giáo dục. Không phải con người!
Cấm “nhắc nhở riêng từng thí sinh”, vậy khi thí sinh vi phạm quy chế thì sao lại nhắc nhở rồi lập biên bản cho cá nhân vi phạm?
Tôi hiểu, cấm “nhắc nhở riêng từng thí sinh” là cấm nhắc bài chứ ai cấm nhắc một em bé gục đầu ngủ quên? Một em bé cả đêm thức trắng để học bài, cả ngày thi đến 3 – 4 môn học. Tôi hình dung trâu cũng kiệt sức, huống hồ là một trẻ mới tuổi thành niên với bao nhiêu áp lực. Ai cũng biết, ở cái tuổi ấy, trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi, chúng úp mặt xuống là ngủ say như chết.
Tôi cứ đặt câu hỏi thế này. Trong ngày hè nóng bức, thi dồn dập nhiều môn, nhỡ có em có vấn đề về sức khỏe, đột quỵ tại chỗ, giám thị cũng mặc nó. Chết con ai nấy chịu?
Trong vụ này, tôi nói thẳng, có loại nhà giáo càng ngày càng vô cảm, vô trách nhiệm. Ngu đến mức thực hiện quy chế một cách máy móc. Hèn đến mức sợ trách nhiệm. Và ác. Rất ác. Giả định có một thứ quy chế buộc giáo viên không được gần học sinh, quan tâm, nhắc nhở trong những tình huống đặc biệt như vậy, đó là loại quy chế không phải làm ra từ người có trái tim. Một nền giáo dục phản nhân văn như vậy thì nên… giải tán! Trẻ con học nhân tình nhân ái, kể cả học nghề từ trong dân gian để sống là đủ rồi, không cần nhà giáo nữa!
Chu Mộng Long