Von Alfred Hackensberger – Welt
Quân đội Nga vẫn chưa có khả năng phát động một cuộc tấn công thực sự. Thay vào đó, Ukraine ghi được những thành công nho nhỏ trước Kherson. Quân của Putin vẫn rất nỗ lực về mặt quân sự. Nhưng nó bị suy yếu ở những điểm thiết yếu nhất.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố lật đổ chính phủ Kiew như một mục tiêu chiến tranh mới. Vài ngày sau, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, công bố một bản đồ mới của Ukraine, phần lớn đã hòa nhập vào Liên bang Nga. Moscow hiểu rõ sức mạnh tuyên truyền và đã tăng cường mạnh mẽ mặt trận này.
Nhưng những gì diễn ra trên chiến trường cho thấy lãnh đạo Nga không hề đạt được ý đồ của mình. Sau hơn năm tháng chiến tranh, hình ảnh Liên bang Nga hùng mạnh ngày càng rạn nứt lớn hơn.
Tình hình trên thực tế ghi nhận ngày 1 tháng 8. 2022 tại Ukraine
Trước chiến tranh, quân đội Nga được coi là lực lượng mạnh thứ hai thế giới. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine bộc lộ những thiếu sót đáng sợ mà ít ai có thể tin nổi. Đội quân vĩ đại của Moscow không có khả năng tấn công thực sự thành công trong năm tháng qua. Có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Nga sẽ không thể làm như vậy trong tương lai gần. Ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng Nga đang trên con đường thua cuộc. Có bảy lý do cho điều này:
- Quân đội không có lãnh đạo
Tổn thất của quân đội Nga tại Ukraine là vô cùng lớn. Washington ước tính Nga bị thiệt mạng 15.000 và 45.000 binh sỹ bị thương. Để so sánh, Mỹ đã mất 2.300 quân ở Afghanistan trong hơn hai thập kỷ. 21.000 người bị thương. Quân đội Nga gần như không thể tìm được lực lượng thay thế tương đương. Những người bị chết thường là quân nhân chuyên nghiệp dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Nga phải dùng tiền để nhử lính mới ở các vùng nôn thôn nghèo khổ. Trong số những người thiệt mạng trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến có hàng nghìn sĩ quan mà quân đội nào cũng cần có đầy đủ sỹ quan giầu kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu. Không ai có thể bù đắp sự thiếu hụt này một sớm một chiều.
Dù là binh chủng thiết giáp, bộ binh hay pháo binh – quân đội Nga đều thiếu chỉ huy giàu kinh nghiệm ở Ukraine.
- Thiếu chủ quyền trên không
Không quân Nga không giành được ưu thế trên không. Đây là yêu cầu cơ bản để giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Để làm được điều này, lực lượng phòng không Ukraine sẽ phải suy yếu đáng kể. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngoài ra, bản thân lực lượng phòng không Nga cũng tỏ ra chưa hoàn thiện. Đặc biệt, hiệu quả của hệ thống phòng thủ S-400 mà Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga, dường như đã được đánh giá quá cao.
Cũng có một dấu hỏi lớn về máy bay ném bom tầm xa TU-160. Tại sao Nga vẫn chưa triển khai “thiên nga trắng”, như tên loại máy bay chiến đấu siêu thanh lớn nhất và nhanh nhất hiện nay, phải chăng loại vũ khí này chưa thực sự sẵn sàng?
- Thiếu chính xác
Một máy bay chiến đấu của Nga đã bay lượn nhiều vòng ở Bakhmut, một thị trấn nhỏ ở Donbass. Sau đó, nã ba quả tên lửa, hủy hoại một tòa nhà của người dân , một trung tâm mua sắm và một con phố. Tuy nhiên, căn cứ quân sự ở vùng gần đó không bị hư hại. Có thể là do phi công thiếu kinh nghiệm hoặc hệ thống vũ khí trên máy bay không có thiết bị dẫn đường để tên lửa đến đúng đích.
Tỷ lệ bắn phá trúng đích của quân đội Nga trên toàn lãnh thổ Ukraine là kém. Thông thường, các mục tiêu dường như được chọn ngẫu nhiên, theo nghĩa đen mà không có bất kỳ ý nghĩa hoặc mục đích nào. Gần đây, bom của Nga đã để lại những hố bom khổng lồ trên đường phố và cánh đồng của nhiều thị trấn và làng mạc ở Donbass. Nhưng không có bất cứ một doanh trại hay trạm kiểm soát của quân đội bị triệt hạ.
Phải chăng sự lãng phí bom đạn này là do thiếu đào tạo? Không hẳn vậy. Nga cũng có máy bay trinh sát và vệ tinh quân sự trong không gian. Các loại thiết bị này có thể theo dõi những gì đang xảy ra ở Ukraine từ trên cao, không khác gì Hoa Kỳ. Rõ ràng là hiệu quả quân sự của Nga thực sự có vấn đề.
- Sử dụng các loại đạn không chính xác
Theo các nguồn tin Ukraine, Nga đã bắn hơn 3.000 tên lửa dẫn đường. Tức đã sử dụng khoảng 60% tên lửa “thông minh”, có độ chính xác cao. Do đó, quân đội Nga đã phải sử dụng các loại đạn không chính xác, được gọi là đạn “ngu”. Nhiều loại đạn này có từ thời Liên Xô. Pháo binh cũng thuộc diện “ngu“ bởi vì nó không thể hiện tác dụng của nó qua độ chính xác, mà chủ yếu thông qua số lượng đạn dược bắn ra.
Các khẩu pháo của Nga có thể bắn tới 60.000 quả đạn mỗi ngày. Đạn ngu chỉ phát huy được tác dụng khi các cuộc tấn công được triển khai một cách khéo léo. Chúng có thể san bằng mọi thứ, như quân đội Nga đã làm ở Donbass trong hai tháng qua. Các thành phố, thị xã bị san bằng tuy nhiên các cuộc tấn công ồ ạt này không có độ chính xác chính xác, có thể mất nhiều tuần để thấy được thành công.
- Mất quá nhiều xe tăng
Trong tháng 3, một số đơn vị xe tăng đã tiến về Kyiv từ các hướng khác nhau. Chúng đã bị các loại vũ khí của phương Tây chặn đứng. Loại tên lửa chống tăng Javeline của Mỹ bám theo sức nóng toát ra từ động cơ xe tăng, có các cảm biến xác định vị trí của xe tăng trong vài giây và tấn công vào nơi xe tăng có lớp giáp mỏng nhất.
Nga đã mất khoảng 1.000 xe tăng, hiện nay xe tăng mới được liên tục bổ sung. Vai trò trung tâm của xe tăng Nga trong chiến tranh đã không được phát huy, nói khác đi đã trở nên lỗi thời. Tuy vậy bộ tư lệnh quân đội Nga vẫn chưa đưa ra được phương án thay thế.
- Hậu cần yếu kém
Ngay từ khi đầu cuộc chiến tranh xâm lược, hậu cần đã là vấn đề lớn của quân đội Nga. Khẩu phần lương thực cho binh lính thường không được bảo đảm, nhiều người phải đi xin thức ăn. Thiếu nhiên liệu và lốp dự phòng. Xe tải và xe bọc thép bị hư hỏng nhiều, thiếu lực lượng bảo vệ thậm chí bị lãng quên. Hiện tại tình hình đã có phần được cải thiện. Nhưng chỉ đạo về hậu cần vẫn tiếp tục theo chế độ tập trung, các định mức vẫn bất biến theo các quy định cũ.
Hệ thống chỉ huy, điều hành cứng nhắc, chỉ thay đổi khi không còn có cách nào khác. Một ví dụ, Ukraine đã dùng hệ thống tên lửa đa năng HIMARS của Mỹ phá hủy hơn 50 kho súng đạn và sở chỉ huy của Nga. Quân đội Nga lưu trữ đạn dược trong kho trung tâm tại một khu vực gần mặt trận. Chỉ khi kho bị phá hủy người ta mới chuyển kho xa hơn 50 km về phía sau, điều này lại không bảo đảm vận chuyển kịp thời đạn cho pháo binh.
Nói chung bộ máy của quân đội Nga thiếu linh hoạt và rất quan liêu. Vận chuyển xe lửa và vận chuyển trên bộ thiếu linh hoạt. Người ta chỉ thay đổi khi bị đánh phá nặng nề. Tại Cherson, binh lính Nga đã xây dựng một cây cầu phao mới ngay bên cạnh một cây cầu ô tô bị phá hủy. Tất nhiên, cầu phao này cũng có thể bị đánh bom bất cứ lúc nào. Nhưng lệnh là lệnh, phải chấp hành cho dù lệnh ngu ngốc đến đâu.
- Thiếu sự phối hợp, đồng bộ
Một quân đội hiện đại ngày nay được đặc trưng bởi sự kết nối liền mạch của các đơn vị quân binh chủng khác nhau. Trinh sát hoạt động song song với pháo binh, bộ binh và không quân. Hệ thống NATO là một ví dụ điển hình cho khả năng này. Xe cộ, súng ống và máy bay đều liên lạc với nhau theo thời gian thực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển giao thành công hệ thống này cho quân đội của mình. Trong các cuộc chiến ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, Ankara đã chứng minh ngày nay phải thực chiến như thế nào. Đó là sự tương tác thông minh của máy bay không người lái, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu và bộ binh. Nga hiện không có khả năng về mặt kỹ thuật và tổ chức để làm điều này./.