Huỳnh Liên – VNTB) – Trước năm 2018 dư luận Trung Quốc sôi sục về những tội trạng của Phó Chính Hoa, nhưng rồi ông vẫn được bổ nhiệm vào chức “thượng thư” rất danh giá.
Ông Phó Chính Hoa, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, một nhân vật hét ra lửa của chính phủ Trung Quốc. Ông này còn là người cầm đầu cuộc điều tra vụ án chủ nhiệm Uỷ ban Chính Pháp Trung Quốc Chu Vĩnh Khang nổi tiếng.
Hôm 28-7-2022, ông Phó Chính Hoa (Fu Zheng Hua) ra toà với tội danh tham nhũng sau ba tháng tra tay vào còng. Cần nói rõ là trước năm 2018 dư luận Trung Quốc sôi sục về những tội trạng của ông này, nhưng rồi ông vẫn được bổ nhiệm vào chức “thượng thư” rất danh giá.
Trở ngược thời gian.
Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc thời điểm đầu tháng 12-2014 được cho là đang đến cao trào, bởi sau vụ truy tố nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, thì hôm 5-12-2014, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vụ án của ông Chu Vĩnh Khang được cho là động thái mở đường cho việc khởi tố các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau vụ “bè lũ bốn tên” xét xử năm 1980.
Thời đương chức, thậm chí người ta còn gọi ông Chu Vĩnh Khanh bằng biệt danh “Vua an ninh”. Và đến năm 2012, ông này đã về hưu trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Từ hồi tháng 7-2014, ông Chu Vĩnh Khang đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc điều tra với tội danh “Vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – thuật ngữ thường dùng để chỉ tội tham nhũng ở Trung Quốc. Ngoài ra, ông này còn bị dính líu đến nhiều vụ việc có dấu hiệu lạm dụng quyền hành, bị nghi quan hệ tình cảm bất chính với nhiều cấp dưới và một số bê bối khác.
Vào tháng 8-2013, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra bê bối tham nhũng liên quan đến ông này, trong đó người đứng đầu đơn vị là Thứ trưởng Bộ Công an, kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa.
Phó Chính Hoa đã bật đèn xanh cho báo chí đăng tải đủ mọi bê bối của Chu Vĩnh Khang trước khi ông ra tòa lãnh án chung thân.
Đơn cử như vụ lăng mộ. Khi Chu Vĩnh Khang lên nắm quyền vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khu lăng mộ của gia tộc họ Chu, rộng chừng vài trăm mét vuông nằm ở phía bắc làng Tây Thiên Trụ, ven sông Lộ Gia Hoàn thuộc tỉnh Giang Tô.
Những ngôi mộ cổ, theo truyền thống địa phương đều được đắp bằng đất. Dòng thời gian đã xói mòn nhiều ngôi mộ, gần như không thể nhận ra vết tích dưới những gốc dâu. Thế nhưng đã có không ít quan chức lui tới viếng để tỏ “tấm lòng thành”.
Người dân địa phương cho biết “quan lớn” Chu từng trả tiền cho một thầy cúng để xem phong thủy và bắt “long mạch” khu mộ tổ. Các thầy phán rằng, âm phần dòng họ Chu sẽ cản trở Chu Vĩnh Khang trên bước đường thăng tiến, nếu ông ta không tạ tội. Chu Vĩnh Khang răm rắp nghe theo, rối rít gọi điện thoại, thúc giục anh em họ mạc xây “biệt thự hạng sang” cho tổ tiên bằng đá hoa cương đắt tiền.
Kể từ khi mộ tổ được xây dựng khang trang, nơi đây không những trở thành địa điểm “giao dịch” cho những vụ trao đổi mua quan bán tước mà còn dành cho những kẻ biết luồn cúi nên được Chu Vĩnh Khang che chở hoặc hậu thuẫn thăng chức làm “lễ tạ ơn” vô cùng rình rang và tốn kém.
Thời điểm trước khi Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu năm 2012, sự bất bình đẳng thu nhập và tình trạng tham nhũng diễn ra ngày một tồi tệ ở Trung Quốc. Chu giám sát ngân sách an ninh thậm chí còn qua mặt cả quân đội với 2 triệu người.
Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan ra quyết định lớn nhất nước này – Chu Vĩnh Khang là một trong 9 thành viên nắm quyền sinh quyền sát ở quốc gia hơn 1,3 tỉ dân. Bởi thế, dù đã rời xa chính trường, Chu và gia đình vẫn được cho là hưởng lợi khổng lồ từ vị trí của mình.
Ông Phó Chính Hoa được Tập Cận Bình cho sắm vai kẻ diệt ác Chu Vĩnh Khang, và hoạn lộ của Phó Chính Hoa lên nhanh sau đó: cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh, bộ trưởng tư pháp Trung Quốc năm 2018 và giữ chức này đến tháng 4-2020. Khi ấy, sự quyết liệt của ông Phó Chính Hoa trong cuộc chiến chống tham nhũng từng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới truyền thông Trung Quốc.
Ngày 2-10-2021, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Trung Quốc thông báo ông Phó Chính Hoa, cựu bộ trưởng tư pháp Trung Quốc, đã bị bắt để điều tra về “những vi phạm nghiêm trọng” kỷ luật và pháp luật quốc gia.
Hôm 28-7-2022, phiên tòa xét xử Phó Chính Hoa về phần hối lộ diễn ra công khai; còn phiên tòa về cáo buộc thiên vị và lách luật được xử kín theo quy định của pháp luật vì liên quan đến bí mật nhà nước.
Kết thúc phiên tòa, tòa tuyên bố nghỉ giải lao và việc tuyên án sẽ diễn ra một ngày nào đó…
Từ câu chuyện chống tham nhũng của Trung Quốc, nếu được phép liên tưởng đến Việt Nam, người ta có quyền tò mò về mức độ liêm khiết ra sao của ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thế nhưng việc tìm hiểu, khai thác đời tư của chính khách đương quyền ở Việt Nam, luôn là điều cấm kỵ, chỉ khi họ “ngã ngựa” thì báo chí mới có thể bắt đầu đăng tải những điều mà thiên hạ đồn đoán ngay từ lúc các quan chức này làm mưa, làm gió…