Von Ronan Planchon –Welt
Kiểm soát quá nhiều? Chính sách corona của Trung Quốc đã góp phần đáng kể làm cho tăng trưởng gần đây chậm lại
Những bế tắc, khó khăn và ùn tắc trong lĩnh vực hậu cần đang đe dọa các kế hoạch lớn của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc thế giới. Một chuyên gia về địa chiến lược giải thích điều gì sẽ xảy ra khi chủ tịch Tập Cận Bình không thực hiện được tầm nhìn của mình. Ông ta có khả năng tập trung đặc biệt vào một điểm yếu của phương Tây.
Hugues Eudeline từng nghiên cứu tại Viện Thomas More ở Paris. Viên cựu sĩ quan hải quân có bằng tiến sĩ về lịch sử quân sự và là một chuyên gia về địa chính trị đại dương và địa chiến lược. Hugues đặc biệt lưu ý đến Trung Quốc, vì các kế hoạch tương lai của đất nước khổng lồ này ngày càng phụ thuộc vào cấu trúc quyền lực trên đại dương.
WELT: Lần đầu tiên kể từ năm 1976, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng đạt 2,8%, cao hơn so với Trung Quốc, chỉ có khả năng tăng trưởng ở mức 2%. Liệu các vụ “bế quan tỏa cảng” lặp đi lặp lại ở các đô thị Trung Quốc có phải là nguyên nhân duy nhất cho sự suy giảm này hay không?
Hugues Eudeline: Sự suy giảm này là tương đối. Hiện nay xuất khẩu của TQ tăng mạnh trong khi nhập khẩu giảm. Các chỉ số về nhập khẩu ở mức thấp nhất trong ba năm qua, qua đó cho thấy sự suy giảm của lĩnh vực xây dựng, thường là động lực tăng trưởng chính. Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, kể cả than đá cũng giảm đáng kể, một phần do các quyết định về chính trị. Ví dụ, Trung Quốc không còn đặt mua than từ Australia nữa, đây thực chất là một hình thức trừng phạt đối với việc Úc từ chối hệ thống 5G của Trung Quốc.
Nhập khẩu hàng hóa nói chung đang giảm, cho thấy có vấn đề ở Trung Quốc. Corona cũng đóng một vai trò quan trọng ở đây vì các cảng đã bị đóng cửa do đại dịch. Tuy nhiên, phần lớn nền kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu mà dù chỉ xẩy ra một số ca covid – 19 mà đã thi hành cách ly một cách gay gắt là thái quá từ đó gây ra một sự chậm trễ đáng kể. Thiên tai cũng đã đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến những thay đổi trong giao thông hàng hải, hậu quả của nó hiện nay rất khó đánh giá.
WELT: Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng, ngũ cốc và các mặt hàng cơ bản khác từ bên ngoài, giá của những mặt hàng này hiện tăng đáng kể. Phải chăng việc Tập Cận Bình ngầm chấp thuận Nga xâm lược Ukraine là một sai lầm địa chính trị?
Eudeline: Trung Quốc thực ra không thực sự ủng hộ Nga. Trung Quốc từ chối can thiệp vào công việc của các nước khác vì họ muốn được mọi người công nhận. Ví dụ, họ cũng đã công nhận Afghanistan. Họ coi đây là một vấn đề có ý nghĩa cơ bản. Họ đã đạt được thỏa thuận với Nga khi Putin đến Bắc Kinh dự Thế vận hội. Điều này cũng khẳng định Trung Quốc và Nga hiện có những thỏa thuận vượt xa những gì đã có trong Chiến tranh Lạnh, tức là trước năm 1960, bởi vì sau đó hai bên thực tế đang ở trong tình trạng có chiến tranh cho đến khi bức tường sụp đổ. Trung Quốc từ chối không lên án cuộc xâm lược Ukraine và tiếp tục làm ăn với Nga, đây là cách để có được nhiên liệu với giá rẻ hơn. Trong khi đó một số đường ống vẫn chưa được hoàn thành và sẽ còn mất một thời gian nữa. Do đó, phần nhập khẩu còn lại đi qua đường biển và đang có xu hướng giảm.
WELT: Rất có thể Tập Cận Bình không đạt được giấc mơ Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049?
Eudeline: Từ nay đến 2049 là một chặng đường dài và không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong thời gian này. Tuy nhiên, người ta có thể thông qua một số thông tin thu thập được từ phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản hồi tháng 11 năm 2021 thì thấy điều thú vị là Tập Cận Bình không đề cập đến con đường Tơ lụa mới, mà chỉ nói về sự thịnh vượng chung. Trong một văn bản của phiên họp toàn thể bản thân ông Tập được tôn vinh, gần như được phong thánh. Bảy trong số mười bốn trang của lịch sử Đảng Cộng sản được dành cho những thành tựu của ông, mặc dù nó chỉ bao gồm một thời kỳ khoảng mười năm. Dường như ông Tập nói ít hơn về sáng kiến Vành đai và Con đường vì chúng không hoạt động tốt như mong muốn. Người Trung Quốc đã hy vọng về một sự giao thương hoàn hảo.
Người ta tin rằng một loạt công trình hạ tầng cơ sở có thể sẽ được xây dựng ngày càng nhiều quốc gia. Sau đó thông qua bẫy nợ Bắc Kinh có thể tiếp quản các công trình này. Cái bẫy nợ này đã bất ngờ xuất hiện ở Sri Lanka và gây một sự chú ý to lớn. Trung Quốc có một tầm nhìn toàn cầu, đó là cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng chú trọng đặc biệt đến hàng hải. Hơn 80% thương mại thế giới được thực hiện qua vận tải biển. Vì vậy đại dịch Corona và việc đóng cửa các cảng trên khắp thế giới gây ra những trở ngại đáng kể cho dự án này của Trung Quốc. Nhưng ông Tập rất cần chúng để giúp Trung Quốc phát triển nhanh hơn. Điều này rất cần để bảo đảm GDP ở Trung Quốc tăng trưởng cao hơn nữa. Đóng cửa các cảng lớn nhất thế giới cho tàu container trong một thời gian dài là một thảm họa kinh tế.
WELT: Liệu ông Tập có buộc phải điều chỉnh, hạ tham vọng của mình? Tình huống này có thể ảnh hưởng như thế nào đến ông ta?
Eudeline: Ông ấy đã là “tổng thống trọn đời”. Các dự án của ông ấy quá lớn nên ông ta cần có một khoảng thời gian liên tục để thực hiện các dự án to lớn này trong hàng chục năm. Nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại điều này ảnh hưởng đến chương trình thoát nghèo khổ của người Trung Quốc. Điều này tất nhiên tạo ra một sự bất bình trong dân chúng. Những người ở các tỉnh nội địa, những người chưa chứng kiến sự phát triển phi thường ở các vùng duyên hải, có thể bắt đầu hoài nghi và chất vấn đảng, mặt khác họ sẽ tự tìm con đường đi của mình. Ông Tập có vô số kẻ thù, những kẻ thù đó đang nhăm nhe chờ đợi một sai lầm nhỏ nhất để nhẩy ra thế chỗ của ông ta.
Khi đó vấn đề lo ngại là ở chỗ, nếu khủng hoảng kinh tế tiếp tục và tình trạng bất ổn bùng phát, ông Tập sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và tấn công Đài Loan. Bắc Kinh có thể nghĩ sẽ được hưởng lợi khi Hoa Kỳ đang phải bận rộn với vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, người Mỹ đã không để mình bị lôi cuốn vào một cuộc chiến với Nga, vì họ tính đến một cuộc chiến có thể xảy ra ở Đài Loan. Và bạn không có hai xung đột lớn như vậy cùng một lúc. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ ưu tiên cho cuộc chiến tranh ở châu Âu hơn là mặt trận Thái Bình Dương. Tất cả những ai tham gia vào hai cuộc xung đột lớn cùng một lúc cuối cùng đều đi đến thất bại, người Đức biết rõ điều đó./.
Nguồn https://www.welt.de/…/Geostrategie-Experte-Hugues…