Để có chữ “liêm” và chữ “chính” con người phải dựa vào nền giáo dục nhân bản. Ngoài ra còn dựa vào cái nhân bản trong nề nếp gia đình và xã hội. Nếu không có những môi trường ấy hỗ trợ thì con người phải đấu tranh tư tưởng trong bản thân để chống lại những cám dỗ trái lương tâm, thậm chí phải trả giá để giữ giá trị con người.
Chữ “sỉ” nghĩa là tính tự hổ thẹn khi làm những điều ѕai trái. Chữ sỉ bao giờ cũng đi với chữ liêm. Bởi chỉ có những người không tham lam những thứ thuộc về của mình, và biết tôn trọng những thứ thuộc về người khác thì mới thấy xấu hổ khi bản thân mình làm sai.
Cuộc sống con người không phải là hoàn hảo. Người liêm chính vẫn có sai lầm, vì họ không phải là thánh. Tuy nhiên, nhờ chữ “liêm” mà con người uốn nắn bản thân trở lại với con đường chính đạo. Đó là giá trị của chữ “liêm”.
Hôm ngày 7 Tháng Bảy, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã loan báo quyết định rời bỏ chức vụ chủ tịch đảng Bảo Thủ đang cầm quyền, nghĩa là ông cũng từ chức Thủ tướng Anh. Vị trí đứng đầu bộ máy hành pháp của một cường quốc hàng đầu thế giới như thế mà ông từ bỏ nó “nhẹ như lông hồng”.
Nếu nói ông Boris Johnson không tham vọng quyền lực là không đúng. Bởi đã làm chính trị là có tham vọng quyền lực dù ở bất kỳ thể chế chính trị nào. Bởi nếu không có tham vọng quyền lực thì ông đã không tham gia cạnh tranh với bao đối thủ chính trị khác để ngồi được vào ghế thủ tướng danh giá.
Nói về tham vọng quyền lực thì ông Boris Johnson không khác gì ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên ông Thủ tướng Anh và ông Tổng bí thư ĐCS Việt Nam khác nhau chữ liêm sỉ mà thôi. Khi nội các của ông Thủ tướng từ chức hàng loạt để phản đối ông thì ông hiểu ông đã không không xứng đáng. Vài người từ chức thì còn do mâu thuẫn cá nhân chứ hàng loạt từ chức thì rõ ràng là bởi ông đi ngược với lợi ích chung.
Ông Boris Johnson đã từ chức trong khi đảng của ông chưa có cuộc trưng cầu để truất phế. Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng ông Boris Johnson có cảm thấy hối tiếc chiếc ghế mà ông đã tuyên bố từ bỏ nó không? Tôi đoan chắc là ông tiếc, bởi vì nó là công sức cả đời làm chính trị của ông. Khi rời khỏi vị trí mà cả đời mình bỏ công ra mới đạt được mà sao không tiếc? Vậy, vì sao ông từ bỏ? Vì hai chữ “liêm sỉ” mà thôi. Ông thấy xấu hổ vì đã đi ngược lại nguyện vọng số đông. Có thể cách điều hành Chính phủ của Boris Johnson tồi, nhưng về nhân cách ông là người có nhân cách lớn. Và cả những người trong nội các của ông cũng vậy, họ dám bỏ chiếc ghế quyền lực để phản đối thì họ cũng là những con người có liêm sỉ. Nước Anh-một xã hội đáng mơ ước.
Một đảng phái chính trị không xây được chữ liêm chính mà đang lãnh đạo toàn xã hội thì tất nhiên xã hội nát. Nền giáo dục sinh ra từ cái thể chế ấy làm sao dạy được chữ liêm? Và đương nhiên từ tượng tầng lãnh đạo đến thường dân, tìm ra chữ “liêm chính” và “liêm sỉ” khó vô cùng. Có thể nói để làm người liêm chính và có liêm sỉ thì thực sự người Việt Nam phải đấu tranh nội tâm rất nhiều mới không bị gục ngã. Thời kỳ CS là thời kỳ của những kẻ vô liêm sỉ lên ngôi./.
-Đỗ Ngà-