Chế độ lương bổng quá thấp cùng với áp lực công việc nặng nề đã dẫn đến tình trạng hàng ngàn nhân viên y tế trong khu vực công của Việt Nam nghỉ việc trong thời gian gần đây, theo tìm hiểu của VOA.
Tình trạng này đã diễn ra từ lúc cao điểm dịch COVID-19 từ giữa năm 2021 cho đến 6 tháng đầu năm 2022. Theo con số thống kê mà Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại phiên họp nội các hôm 4/7 được báo chí Việt Nam dẫn lại thì trong giai đoạn đó đã có gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, con số nghỉ việc này đã là trên 4 ngàn người, tờ Sức khỏe Đời sống dẫn lời ông Tuyên cho biết. Tình trạng này diễn ra trên phạm vi cả nước nhưng tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh thành phía nam mhư Đồng Nai, Bình Dương, An Giang.
Ông Tuyên được dẫn lời chỉ ra các nguyên nhân chính là ‘thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống’; ‘khu vực tư cạnh tranh nhân lực mạnh mẽ, nhất là các bác sỹ có trình độ cao’; ‘áp lực công việc nặng nề, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát’; ‘môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao’ và ‘ảnh hưởng tâm lý từ việc phanh phui các vi phạm trong mua sắm, thiết bị y tế thời gian qua’…
Trang mạng VnExpress dẫn lời phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nói rằng các nhân viên y tế nghỉ việc đa số có trình độ, tay nghề cao, đang làm việc ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội và ‘chuyển sang khu vực bệnh viện tư’.
“Phần lớn nghỉ do công việc quá vất vả sau hai năm chống dịch Covid-19. Mặt khác, khi các cơ sở y tế tập trung phòng chống dịch thì không có thêm nguồn thu, từ đó cán bộ y tế không có thu nhập thêm, chủ yếu sống bằng tiền lương,” ông Hưng được dẫn lời nói.
“Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm y tế thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11-12 triệu đồng/tháng. So với bệnh viện tư là quá thấp,” ông so sánh.
‘Lương bổng, trách nhiệm’
Một bác sỹ hiện đang làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện nhi khoa tuyến đầu nằm trong số lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh và cả miền Nam, nói với VOA rằng ‘rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã nghỉ việc’.
“Lý do chính là do lương bổng, trách nhiệm,” vị bác sỹ T. này nói với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Theo cách tính của Việt Nam thì một bác sỹ mới ra trường sẽ được tính lương theo hệ số 2,34, nhân lên với mức lương cơ bản do Nhà nước quy định là 1,49 triệu thì tính ra chưa được tới 3,5 triệu đồng một tháng. Nếu cộng thêm các khoản phụ cấp khác thì ở vào mức 5-6 triệu một tháng.
“Học y phải mất đến 6 năm cộng với 18 tháng đi học để lấy chứng chỉ hành nghề nữa trong khi học phí trường y bây giờ mỗi năm phải đóng đến 70-80 triệu đồng,” bác sỹ T. chỉ ra.
“Lương của công nhân không đi học có thể bằng lương của một bác sỹ mới ra trường,” ông chua chát nói.
Trong khi đó, bên khu vực tư họ trả mức lương cao gấp 3-4 lần khu vực công, ông nói thêm, cộng với số bệnh viện tư mở ra quá nhiều khiến nhiều bác sỹ có cơ hội nhảy việc.
Theo lời ông thì gần đây Nhà nước có tăng lương cho các nhân viên y tế lên 10-20% so với trước đây nhưng ‘không thấm vào đâu’.
Với mức thu nhập như vậy thì nếu cả hai vợ chồng cùng làm trong khu vực công thì chỉ đủ sống tằn tiện ở các thành phố lớn và ‘cho con cái đi học trường công bình thường chứ không thể gửi con vào trường quốc tế như người ta’, ông nói thêm.
Không chỉ có lương bổng mà về điều kiện làm việc, trang thiết ở các bệnh viện tư ‘cũng tốt hơn nhiều bệnh viện công’, cũng theo lời vị bác sỹ ẩn danh này.
“Bệnh viện tư họ tự mua mọi thứ, trong khi bệnh viện công muốn mua sắm cái gì phải thông qua Sở Y tế, có khi phải mất vài năm mới được duyệt mà lại mua thứ không được như họ mong muốn,” ông cho biết.
‘Cơ hội kiếm thêm’
Tuy nhiên, sở dĩ vẫn còn nhiều bác sỹ ở khu vực công không nhảy qua khu vực tư là vì ‘làm việc ở những bệnh viện lớn, tuyến trên có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập’.
“Chẳng hạn như tôi, tôi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng có cơ hội làm ngoài giờ rất nhiều cho các bệnh viện khác để tăng thu nhập,” ông bộc bạch, nhưng chỉ ra điều này không xảy ra đối với các bác sỹ làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới hay ở các trạm y tế cơ sở.
“Họ đành phải đánh đổi giữa khu vực công và khu vực tư thôi,” ông nói.
Ngoài ra, do các bệnh viện tư ‘chỉ làm những bệnh thông thường, những bệnh tổng quát’, còn bệnh nặng ‘chuyển về các bệnh viện công ở tuyến trên hết’ nên ‘môi trường bệnh viện công thích hợp cho các bác sỹ có đam mê với nghề, muốn phát triển trình độ, khả năng’, cũng theo lời bác sỹ T.
Về áp lực dịch bệnh trong hai năm qua, vị bác sỹ này nhận định ‘cũng bình thường’ và ‘rất ít người nghỉ việc vì áp lực’. “Dịch thì lúc nào chẳng có, không có COVID thì có dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng…,” ông nói.
Tuy nhiên, các bác sỹ ở khu vực công phải đối mặt với áp lực các ca bệnh nặng, điều mà ở khu vực tư không có, trong khi đó, nhân viên y tế khu vực tư có áp lực phải nâng cao thái độ phục vụ đối với bệnh nhân.
Vị bác sỹ này cho rằng việc dịch chuyển các nhân viên y tế từ khu vực công sang khu vực tư không phải là điều tốt vì ‘đa số người bình thường, dân nghèo, dân đóng bảo hiểm y tế họ đều phải đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công, còn người có tiền mới ra bệnh viện tư’.
Trên diễn đàn của trang mạng VnExpress, nhiều người làm việc hay có người thân làm trong ngành y tế cũng bày tỏ bức xúc trước chế độ đãi ngộ quá thấp.
“Vợ tôi làm dược sĩ ở bệnh viện cũng đang tính đường chuồn, chứ lương có 4 triệu/tháng không đủ tiền ăn sáng với đổ xăng. Nhìn sang bà hàng xóm gần nhà tôi 5h sáng dậy đem nồi xôi ra bán tới 7h30 sáng về, tháng thu nhập 6-8 triệu,” một người có tên Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Một người khác có chồng làm y tế xã than rằng ‘hai năm qua quả thực là cực kì mệt nhọc: Test covid, báo cáo, điều trị, lo đủ dụng cụ phòng chống dịch… Cả ngày làm việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, không mấy đêm được ngủ yên. Đêm trực gần như thức trắng, tối về bên vợ con cũng phải làm báo cáo, nghe điện thoại’.
“Nói thật là hai năm qua vợ chồng mình bị khủng hoảng tinh thần, sức khỏe trầm trọng. Bên cạnh làm việc quá tải thì lương, trợ cấp thấp, ngày nghỉ tết làm nhiều mà không tăng lương,” độc giả để tên là viett4503 viết./.