Vì sao 54% người lao động không muốn tiếp tục công việc của mình?

- Quảng Cáo -

Báo Tuổi Trẻ ngày 14-6 đưa tin, hơn 300 đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương đã cùng tham gia hội thảo Giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19 tại tỉnh Long An. Một khảo sát được công bố với những số liệu gây bất ngờ. Theo đó 54% người lao động Việt Nam đang có tâm lý muốn nghỉ công ty mình đang theo làm.

Theo bà Nguyễn Tâm Thanh – giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan (thuộc đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo), đây là tâm lý chung của người lao động trên toàn thế giới sau dịch COVID-19. “Khi đại dịch xảy ra, suy nghĩ người ta thay đổi. Họ thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, thấy người thân lần lượt ra đi và xuất hiện tâm lý nghĩ xa quá làm gì cho mệt. Điều này dẫn đến tinh thần thị trường bây giờ cũng đã thay đổi”. Nhận xét chung này hoàn toàn đúng, nhưng chưa thể lý giải được cặn kẽ các nguyên nhân dẫn tới việc hơn nửa số người lao động không muốn tiếp tục công việc của mình.

Theo quan điểm người viết bài này, có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Đó là việc người lao động nhận thấy thu nhập của họ không tương xứng với sức lao động bỏ ra (hoặc nói theo cách khác, thu nhập không đủ để tái sản xuất sức lao động của bản thân) cùng lúc họ mất niềm tin vào tương lai sau khi trải qua đại dịch Corona Virus. Chỉ có hai nguyên nhân này mới làm cho người lao động không còn thiết tha với công việc hiện tại của họ nữa.

- Quảng Cáo -

Thời gian tạm ngưng công việc do đại dịch cũng đã làm cho nhiều người lao động có thời gian suy ngẫm về cuộc sống, nhân sinh. Điều mà họ nhận thấy rõ nhất, đó là sức lao động của họ bỏ ra, nhưng nhận được tiền lương quá ít ỏi, không đủ để họ duy trì cuộc sống với tình trạng tinh thần và thể chất bảo đảm cho công việc tiếp theo. Mức lương công nhân các khu công nghiệp, các công ty, nhà máy hiện nay sau khi thanh toán hết các khoản sinh hoạt như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước… thì bữa ăn của họ cũng chỉ còn rau và đậu phụ. Với sức khỏe của thanh niên, việc ăn uống kham khổ nhưng duy trì công việc trong một giai đoạn ngắn thì chưa sao, nhưng kéo dài tất sẽ sinh nhiều bệnh tật. Đây là thực tế người lao động đối diện hàng ngày hàng giờ, họ cố gắng vượt qua khi còn có những niềm tin về tương lai, về một xã hội tốt đẹp hơn sẽ tới. Nhưng tất cả đều đã bị dập tắt, hủy hoại sau khi họ chứng kiến sự kinh hoàng trong đại dịch Corona virus vừa qua.

Niềm tin vào tương lai của người lao động bị hủy hoại trước hết là họ nhận ra sự đối xử với người lao động của nhà cầm quyền hoàn toàn vô trách nhiệm và tàn bạo. Không có một sự trợ giúp, hỗ trợ nào khả dĩ có thể giúp họ đối phó được với tình trạng bần cùng trong đại dịch. Tiền thuê nhà mấy tháng, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí trong đại dịch khi không đi làm… đại bộ phận người lao động đều phải tự trang trải. Họ nhận ra phúc lợi xã hội mà công sức lao động của họ đóng góp vào gần như một số không tròn trĩnh. Không những thế, họ còn bị ép buộc xét nghiệm, ép buộc vào các khu cách ly, vào các bệnh viện dựa trên một chiến dịch chống dịch tàn bạo cực kỳ khắc nghiệt, hoàn toàn chủ quan của nhà cầm quyền. Những sự hoảng sợ, hoang mang và những cái chết tức tưởi trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh là những nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi ngoai. Tất cả đều được người lao động trải nghiệm và chứng kiến. Nỗi đau và sự thất vọng còn được đẩy lên tới cùng cực, khi họ biết rằng, trong tất cả các giai đoạn, tất cả các công đoạn, công việc chống dịch đều bị các quan chức, cán bộ và nhà cầm quyền thực hiện hành vi ăn cướp, tham nhũng và trục lợi. Hệ quả đến bây giờ vẫn còn tiếp tục đưa quan chức vào tù trong vụ Việt Á.

Đại dịch và việc chống dịch đã hủy hoại niềm tin của người lao động vào tương lai, động lực cuối cùng của họ trong cố gắng duy trì công việc để tồn tại. Khi không còn niềm tin vào tương lai, công việc hiện tại đã trở thành một gánh nặng mà nhiều người muốn buông tay trong một tâm trạng hoàn toàn bế tắc. Đó cũng là trạng thái chung của xã hội hiện nay./.

Hà Nội, ngày 24/6/2022

N.V.B

- Quảng Cáo -