50 năm sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời, hình ảnh của ông vẫn được Chính quyền Việt Nam sử dụng để tuyên truyền cho các mục tiêu chính trị của mình. Điển hình là trong cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Ông Hồ Chí Minh: Công cụ tuyên truyền hữu hiệu
Trong một bài luận được đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ngày 13/6, có tên “Weaponizing Ho Chi Minh in Vietnamese Discourse on the War in Ukraine” (tạm dịch: Vũ khí hoá Hồ Chí Minh trong diễn ngôn của Việt Nam về cuộc chiến Nga – Ukraine), Tiến sỹ Lịch sử Olga Dror nhận định kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Chính phủ Việt Nam đã tỏ ra thân thiện với Moscow, không muốn tố cáo hành động xâm lược của họ.
Tuy vậy, trước những lời chỉ trích từ dư luận về hành động Việt Nam “giống hệt” Trung Quốc khi hai lần bỏ phiếu trắng lên án cuộc xâm lược của Nga với Ukraine và yêu cầu bảo vệ dân thường cùng phiếu chống đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hiếp Quốc, bộ máy tuyên truyền của Việt Nam đã vận dụng hết các kênh truyền thông mạng xã hội để biện minh cho quan điểm của chính phủ. Đồng thời mạng xã hội cũng trở thành “cánh tay đắc lực” loại bỏ luận điệu phản bác của truyền thông nước ngoài mà nhà nước VN cho là “chống chính phủ” “thế lực thù địch”.
Tiến sỹ Olga lấy ví dụ điển hình là trang Facebook Mắt thần, vào ngày 19/3/2022, đã đăng một video có tiêu đề “Phẫn nộ! Truyền thông Ukraine dựng phim xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Gọi Người là Độc tài của lịch sử”.
Video này “đào” lại hai sản phẩm truyền thông được phát hành tại Ukraine, gồm một bài báo năm 2013 và một bộ phim tài liệu năm 2017, cho rằng các bài báo, phim tài liệu này đã vu khống, xúc phạm Hồ Chí Minh bằng cách gọi ông là một nhà độc tài. Tuy nhiên, đến ngày 17/6, video này đã bị gỡ bỏ khỏi trang Facebook Mắt Thần.
Theo tiến sỹ Olga, trong khi dư luận Việt Nam còn đang tranh cãi về cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, các trang Facebook như Mắt thần đã cố gắng “vũ khí hóa” Hồ Chí Minh nhằm huy động sự ủng hộ của công chúng đối với lập trường của Việt Nam về cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhà văn Võ Thị Hảo từ Đức bình luận với RFA về vấn đề này rằng :
“Mặc dù đây chỉ là một trang Facebook, nhưng nếu dựa vào sự phân tích các nguồn lực, đến mức họ có thể đưa ra bảy đến tám video trong một ngày thì không có một nguồn lực cá nhân nào nào làm được như vậy.
Hơn nữa, cái việc sử dụng hình ảnh nhân danh bảo vệ uy tín của ông Hồ Chí Minh để bảo vệ Nga, và nói rằng Nga là một bên có chính nghĩa trong cuộc xâm lược Ukraine thì tôi nghĩ rằng nó phải được một sự ngầm cho phép của phía chính quyền Việt Nam.”
Một doanh nhân người Việt không muốn nêu tên, đã sinh sống ở Ukraine gần 20 năm, nói với RFA rằng Ukraine là một đất nước dân chủ nên sẽ có nhiều thông tin trái chiều. Do đó, vị doanh nhân này phân tích, nếu một hãng truyền thông nào đó nói ông Hồ Chí Minh là độc tài thì đó cũng không phải là quan điểm của toàn bộ người dân đất nước này.
Vị doanh nhân này nói tiếp:
“Ở bất kỳ một đất nước dân chủ nào thì nó đều có rất nhiều nguồn thông tin và các ý kiến trái chiều như thế. Họ đã chủ ý đi moi móc ra để mà dèm pha thôi chứ người dân ở Ukraine đối với dân Việt Nam quan hệ rất tốt.
Ví dụ ở Ukraine có một triệu người không thích ông Hồ Chí Minh, người ta bảo ông ấy là độc tài thì cũng chẳng có liên quan gì đến việc một nước khác đến Ukraine xâm lược và giết hại 40 triệu người còn lại.
Cho nên những người Việt Nam nào mà hả hê khi Ukraine bị xâm lược thì họ không suy luận logic, thậm chí là ngu xuẩn.”
“Sùng bái cá nhân” hay “vũ khí hoá”?
Tiến sỹ Olga, hiện đang nghiên cứu về sự sùng bái cá nhân đối với Hồ Chí Minh, cho rằng đây là một ví dụ cho thấy hơn 50 năm sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời, ông ấy vẫn là một công cụ hữu ích cho bộ máy tuyên truyền ở Việt Nam.
Tiến sĩ Olga phân tích thêm, Hồ Chí Minh, cả khi sinh thời lẫn về sau này, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động người dân Việt Nam ủng hộ các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự sùng bái nhân cách, con người ông ấy là không thể thiếu trong quá trình này.
Riêng với nhà văn Võ Thị Hảo thì lại cho rằng:
“Đối với Việt Nam thì sử dụng hình ảnh Hồ Chí Minh vẫn còn tác dụng đối với khá nhiều người. Đây cũng cũng chỉ là một chiêu bài cũ thôi!
Vấn đề ngạc nhiên là tại sao tất cả những dẫn chứng về Nga xâm lược Ukraine, Tòa án Hình sự Quốc tế cũng đã đưa ra rất nhiều minh chứng cứ nói về sự bắn giết hại dân thường của nước Nga. Nga vi phạm tội ác chiến tranh…Những điều đó hết sức rõ ràng nhưng mà lại có những người ở Việt Nam họ cứ nhất định bỏ qua những chứng cứ logic như vậy, những chứng cứ hiển nhiên như vậy mà thế giới đã công nhận và lên án.”
Trả lời RFA hôm 16/6, Tiến sỹ Olga phân tích rõ hơn về quá trình xây dựng hình ảnh, cũng như vun đắp sự tôn sùng của người dân Việt Nam đối với Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Olga không quên nhắc lại mốc lịch sử 1945, khi ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Khi đó, theo Tiến sỹ Olga, có rất ít người dân biết Hồ Chí Minh là ai vì ông ấy đã rời khỏi Việt Nam trong suốt 30 năm. Do đó, vào thời điểm đó, Việt Nam cần phải tạo ra hình ảnh một người lãnh đạo có khả năng thống nhất và vận động dân chúng. Tiến sỹ Olga nói tiếp:
“Ông ấy bắt đầu xây dựng hình ảnh một người lớn tuổi và được yêu cầu phải luôn để râu. Nếu bạn nhìn vào các lãnh đạo khác của Việt Nam, không có ai để râu như Hồ Chí Minh.
Hình ảnh này giống như là một học giả Nho giáo. Và điều đó khiến cho việc giới thiệu nhiều ý tưởng đến với công chúng được dễ dàng hơn, ví dụ như vì sao chúng ta cần phải chiến đấu? Chủ nghĩa Tư bàn là gì, Chủ nghĩa Xã hội là gì?…
Vì vậy, hình ảnh Hồ Chí Minh ra đời như là cầu nối cho những khái niệm khó nhằn này, giúp gắn kết nhiều người với đảng và Chính phủ.”
Kể từ đó, nhiều thế hệ người Việt Nam được lớn lên với hình tượng Hồ Chí Minh, được dạy dỗ rằng phải kính yêu Bác Hồ, hết lòng vì Bác. Tiến sỹ Olga kết luận.
Tại sao giới trẻ “phai nhạt” hình tượng Hồ Chí Minh?
Theo lẽ đó, chính quyền Việt Nam đã và vẫn luôn sử dụng hình ảnh Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho các mục tiêu chính trị của mình kể từ năm 1945.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tiến sỹ Olga, sau khi Việt Nam Đổi Mới cho đến nay, dù không phải là toàn bộ người dân Việt Nam, nhưng ngày càng ít người, đặc biệt là giới trẻ còn quan tâm hay sùng bái hình tượng Hồ Chí Minh.
“Tôi cho rằng chính quyền rất muốn sử dụng hình ảnh Hồ Chí Minh vào nhiều mục đích khác nhau. Ý tưởng về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh rất quan trọng và Chính phủ đang nỗ lực để phát triển nó.
Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, họ không còn quan tâm đến vấn đề này nữa.”
Lý giải về thực trạng này, Tiến sỹ Olga cho rằng có thể do một số nguyên nhân chính sau:
“Lịch sử, không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ đâu cũng không thể kiếm được nhiều tiền.
Thứ hai, cách giảng dạy lịch sử ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế về mặt ý tưởng. Và khi Internet phổ biến ở Việt Nam, các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin và sẽ đặt câu hỏi về những gì họ được học.
Và một số người trong họ không còn quan tâm đến Hồ Chí Minh nữa vì ưu tiên của họ nằm ở chuyện khác.”
Để dẫn chứng cho nhận định của mình, bà Olga lấy ví dụ các nhà sách ở Việt Nam không còn bán nhiều ấn phẩm về Hồ Chí Minh như trước đây, bởi vì không nhiều người bỏ tiền mua những quyển sách đó nữa.
Hay các bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh không còn được chiếu thường xuyên như trước:
“Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1988. Khi đó, những cuốn sách về Hồ Chí Minh, và do Hồ Chí Minh viết, chiếm ưu thế trong bất kỳ hiệu sách nào, nhưng bây giờ chúng không còn chiếm nhiều chỗ nữa.
Chúng ta đến một nhà hát chẳng hạn, thỉnh thoảng có các vở kịch hay phim về Hồ Chí Minh, nhưng chúng chỉ được trình chiếu trong ngày sinh nhật của ông ấy, hoặc ngày 2/9 chứ không liên tục.”
Với lập luận trên, theo Tiến sỹ Olga, Chính phủ VN đang cố gắng tìm cách mới để tạo ra mối liên kết giữa chính phủ và người dân.