Có lẽ cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Lỗi Cơ Chế”, tức lỗi hệ thống, khiến cơ chế chính trị vận hành không được hanh thông, nhiều điểm rối rắm gây bất cập xã hội mà không thể khắc phục được nếu không cải cách thể chế một cách căn cơ, triệt để.
Thật ra, cái gốc của vấn đề là kinh tế, kinh tế quyết định chính trị. Trước khi bị áp lực đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo CNXH nguyên bản như Liên Sô, tức nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp, do nhà nước làm chủ sở hữu, các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tự do bị loại bỏ.
Khi chuyển qua nền kinh tế thị trường, là nền kinh tế tự do, các thành phần kinh tế tư nhân được phép kinh doanh song hành với các công ty và xí nghiệp quốc doanh, vận hành theo quy luật cung cầu, nhưng không được xa rời CNXH. Đây có thể là điểm nghẽn giao thoa giữa hai loại hình kinh tế, kinh tế kế hoạch hoá của CNXH và kinh tế thị trường tư nhân hóa, sao cho nó phải biến thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và đây cũng có thể là điểm sao chép cơ chế hai loại hình kinh để tạo ra bản cập nhật hệ thống chính trị hỗn hợp, sao cho nó không thể xa rời sự lãnh đạo độc tôn của Đảng, không thể xa rời CNXH. Khổ nỗi hai loại hình kinh tế, kinh tế kế hoạch hoá và kinh tế thị trường tự do có quá ít điểm chung để hoà quyện làm một, nên khi hoà quyện thường xảy ra nhiều lỗi sao chép, đó chính là lỗi cơ chế.
Vì lỗi cơ chế nằm ngay điểm giao thoa giữa nền kinh tế kế hoạch hoá và nền kinh tế thị trường tự do, nhưng hành lang pháp lý đặt trọng tâm vào CNXH nên có nhiều điểm nghẽn không thể hòa quyện với nền kinh tế tự do tư nhân. Ví dụ, nhà nước cho phép các thành phần kinh tế được sở hữu tài sản, vì đó là đặc trưng của nền kinh tế thị trường, và tài sản quan trọng nhất, bền vững nhất bao đời, bao thế hệ, bao dân tộc và bao quốc gia… Là đất đai, thì nhà nước không cho nhân dân sở hữu.
Chính quyết định lưỡng tính, vừa gà vừa vịt, pháp định đất đai là sở hữu toàn dân theo nền kinh tế kế hoạch, và quyền sở hữu tài sản đất đai đương nhiên trong nền kinh tế thị trường, không thể giao thoa được, tức lỗi hệ thống, đã gây ra bất công xã hội ghê gớm giữa các quan tham, các lợi ích nhóm thân hữu đất đai, các doanh nghiệp bất động sản “tay không bắt giặc” giàu nứt đố đổ vách, và những người dân bị mất đất, những người dân oan trắng tay, sống lây lất qua ngày.
Dạo gần đây, xuất hiện nhiều đại án liên quan đến đất đai, cho thấy việc lỗi hệ thống đất đai vô hình chung tạo ra quá nhiều vụ tham nhũng, và quá nhiều quan tham, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho lãnh đạo Đảng, QH và Nhà nước sớm sửa đổi lỗi hệ thống, gà ra gà, vịt ra vịt, nhằm tạo lại công bằng xã hội, ngăn chặn tham nhũng, ngăn chặn sự cấu kết giữa các nhà tài phiệt đất đai và các quan tham lũng đoạn nhà nước trục lợi.
Hiện tại, nhiều người đang đặt câu hỏi, vì sao cái lò của tổng bí thư phá không biết bao nhiêu vụ án lớn nhỏ, các quan tham bị nhập kho với số lượng kinh khủng, mà tham nhũng vẫn sinh sôi nẩy nở?
Vì sao một tay tép riu trong thương trường như Phan Quốc Việt có thể thao túng cả hệ thống chính trị để trục lợi trong đại dịch, tức ăn trên những xác người? Vì sao hai ông thượng thư và nhiều cán bộ lãnh đạo CDC trên cả nước, gồm cả bộ quốc phòng, đều bị Phan Quốc Việt xỏ mũi dễ dàng? Vì sao đụng đến bộ ngành nào cũng thấy các nhóm lợi ích “trấn lột” tiền của người dân? Cục lãnh sự bộ ngoại liên quan những chuyến bay giải cứu. Bộ giáo dục liên quan đến việc nâng giá sách giáo khoa. Bộ công thương và bộ tài chính liên quan đến tăng giá xăng dầu, điện nước V.V…??
Từ những lẽ trên, cho thấy, đã đến lúc Đảng, Quốc Hội và Nhà Nước nên thay đổi căn cơ thể chế, sửa khiếm khuyết hệ thống hầu giảm bớt sự lộng hành của các quan tham và sự táo tợn của những cấu kết lợi ích nhóm lũng đoạn nhà nước. Không thể trông chờ vào Cái Lò… vì cái lò trừng trị thích đáng bọn quan tham, song nó không sửa được lỗi hệ thống nên không thể ngăn chặn hiệu quả tham ô nhũng lại./.