Vấn nạn nói dối

- Quảng Cáo -

Xã hội Việt Nam dưới chế độ toàn trị cộng sản có vô số các vấn nạn nhức nhối, trong đó có vấn nạn nói dối, dối trá. Có thể nói, sự dối trá ở khắp nơi, không phân biệt tuổi tác, giới tính và giai tầng xã hội. Có nhiều phạm vi của sự dối trá: dối trá trong sinh hoạt, dối trá trong mưu cầu lợi ích và dối trá để bảo đảm sự an toàn. Khi chế độ cộng sản được thiết lập, với việc khủng bố để khẳng định quyền lực tuyệt đối nhằm thống trị nhân dân, người dân buộc phải nói dối để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Việc nói dối nhằm duy trì sự tồn tại là điều phổ biến trong các chế độ cộng sản, không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, sự dối trá phổ biến chỉ trong phạm vi bảo đảm sự an toàn, nay đã lan sang phạm vi mưu cầu lợi ích và kể cả trong sinh hoạt của người dân.

Điều đáng sợ trong xã hội hiện nay, đó là việc nói dối đã xuất hiện cả trong giới trẻ, những đứa trẻ tuổi vị thành niên. Đồng thời, sự dối trá được thực hiện một cách trơ trẽn và phản ứng quá thờ ơ của xã hội khi việc dối trá bị phát hiện và lật tẩy là điều cực kỳ đáng lo ngại.

Cách nay vài ba năm, một thủ khoa, khoa Ngữ Văn trường đại học Sư phạm Hà Nội được nâng điểm từ 21,5 điểm (Ngữ văn 8,75, Lịch sử 5,75, Địa lý 7) chưa đủ điểm đỗ vào khoa này, đã được nâng lên thành 27,75 điểm (Ngữ văn 8,75; Lịch sử 9,25 và Địa lý 9,75). Em này thản nhiên phát biểu với báo chí rằng mình tự hào là thủ khoa và không dính dáng gì đến việc nâng điểm, tiêu cực. Đến khi công bố điểm thẩm định, em này (thủ khoa Hòa Bình của Đại học Sư phạm) đã tự phải nghỉ học trước khi bị nhà trường đuổi học.

- Quảng Cáo -

Trong vụ đại án Việt Á, ngay từ những ngày đầu nhân sự của công ty Việt Á bị bắt, thông tin báo chí đã rò rỉ có trên 20 lãnh đạo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) các tỉnh thành nhận hối lộ để nâng giá Kit Test của Việt Á. Như vậy là nhân sự lãnh đạo công ty Việt Á đã khai ra các đồng phạm ở CDC các tỉnh. Tuy nhiên, hầu như tất cả giám đốc CDC các tỉnh trước khi bị bắt đều nói rằng không hề nhận hối lộ, rằng bản thân hoàn toàn trong sạch. Thậm chí có giám đốc còn mạnh miệng tuyên bố hùng hồn những điều khẳng định bản thân trong sạch. Cuối cùng, tất cả những kẻ tuyên bố trong sạch đều tham nhũng và bị bắt giam, khởi tố. Điều đáng nói ở đây, đó là sự trơ trẽn của các giám đốc CDC. Họ biết công ty Việt Á đã khai ra với cơ quan điều tra, bản thân họ nhận tiền của Việt Á rồi, nhưng vẫn trơ trẽn nói rằng mình trong sạch. Cho đến khi không thể che giấu, bưng bít được thì họ mới chịu.

Trên đây là những kẻ trực tiếp nói dối, nhưng phản ứng từ người dân, cộng đồng mạng và dư luận lại hết sức thờ ơ. Tất nhiên, việc sai, việc xấu và vi phạm pháp luật, dư luận vẫn lên án. Nhưng việc nói dối, sự dối trá thì mọi người hầu như cho qua, hoặc đề cập một cách lấy lệ. Họ thờ ơ với việc dối trá, hành vi dối trá của những người phạm tội. Điều này phản ánh một tâm lý chung, coi sự dối trá là một phần bản tính, coi việc nói dối là điều đương nhiên trong xã hội hiện nay. Xu hướng này thực sự đáng lo ngại cho sự lành mạnh của xã hội, kể cả thời hậu cộng sản sau này.

Một xã hội mà nói dối, sự dối trá phổ biến và lên ngôi, nó phản ánh việc con người mất hoàn toàn lòng tin vào nhau và xã hội không còn tình yêu thương. Khi không còn lòng tin vào con người, không còn tin ai thì nói dối là một hành vi tự vệ, ít nhất là người ta đã tin và hành xử như vậy. Khi xã hội tồn tại tình yêu thương, người ta không muốn và không thể nói dối. Tình yêu thương không còn, chỉ còn lại sự tranh đoạt, thì nói dối là vũ khí để tranh quyền đoạt lợi. Cuối cùng, vấn nạn dối trá cùng với vô số các vấn nạn khác chỉ có thể mất đi khi nguyên nhân của nó mất đi, đó là sự biến mất của chế độ toàn trị cộng sản./.

Hà nội, ngày 16/5/2022

N.V.B

- Quảng Cáo -