Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Hội Nghị Trung Ương 5 kéo dài 6 ngày, đề cập hai vấn đề đã cũ rích: Luật Đất Đai và chống tham nhũng. Trong diễn văn bế mạc ngày 10 tháng Năm, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Trung ương tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Như thế Trung Ương 5 chỉ bàn thảo cho có lệ, quan điểm của đảng về vấn đề đất đai vẫn không có gì thay đổi, sau 2 thập kỷ Luật Đất Đai ra đời như trò chơi luật pháp của chế độ độc quyền. Tuy nhiên có lẽ để an ủi dư luận, ông Trọng cũng hứa hẹn sẽ sửa đổi Luật Đất Đai, để từng bước “hoàn thiện” sau khi lắng nghe ý kiến nhân dân.
Sau khi nắm quyền trên toàn cõi Việt Nam sau tháng Tư, 1975, đất đai trở thành đề tài nóng bỏng của những bất công đầy máu và nước mắt dân oan. Chính ông Trọng trong diễn văn khai mạc hội nghị cũng đã nói: Nhờ đất mà có người giàu to, nhưng cũng có người nghèo đi hay đi tù, thậm chí có người bị rơi vào vòng tranh chấp đất đai mà mất đi tình nghĩa anh em trong gia đình.
Con số thống kê của các cơ quan hành chánh cũng xác nhận trong một thời gian dài, có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại trong xã hội liên quan đến vấn đề đất đai. Một số vụ nổi bật gần đây nhất ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội năm 2020 dẫn đến cái chết của cụ Lê Đình Kình, một đảng viên 55 tuổi đảng, trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an võ trang.
Nói khác đi, vì vấn đề đất đai mà Việt Nam rơi vào một bi kịch chưa có lối ra. Nhưng chuyện đất cũng không phải là chuyện mới xuất hiện mà từ năm 1993 đảng CSVN đã cho ra đời Luật Đất Đai, được sửa đổi năm 2003 và hiện nay áp dụng bộ luật đã tu chính một lần nữa vào năm 2013. Bộ luật này được nói là nhằm ngăn chặn những tiêu cực về đất đai nhưng giữ nguyên nhóm từ “do nhà nước quản lý” làm lá bùa hộ mệnh.
Cho nên Hà Nội đã đẻ ra bao nhiêu luật, cố gắng diễn giải bao nhiêu tu chính để giúp cho việc thi hành Luật Đất Đai 2013 cho có vẻ tiến bộ và cũng để tránh cảnh “có kẻ giàu to, có kẻ đi tù.” Nhưng càng sửa càng tu chính, những khiếu nại về đất đai càng ngày càng nhiều, trải dài từ Nam tới Bắc. Chẳng khác gì ông Trọng ra sức đốt lò đánh tham nhũng mà tham nhũng ngày càng gia tăng. Tại sao như vậy?
Bởi vì chính cái thể chế độc tài hiện nay đã biến những quy định về quyền quản lý đất đai của chính quyền thành những điều mang lại lợi ích cho kẻ độc quyền, thì bi kịch xảy ra là chuyện đương nhiên. Sự sai lầm cố ý bắt đầu từ cái gọi đất đai là “sở hữu toàn dân,” tức người dân được cho có quyền làm chủ trên mọi thứ đất đai trên cả nước. Nhưng người dân không được coi có quyền sở hữu mảnh đất của mình mà bên cạnh còn có nhà nước là người quản lý, trên thực tế cán bộ đảng là người có quyền sử dụng tuyệt đối đối với bất cứ hình thức đất đai nào của nhân dân.
Nói cách khác, theo ông Trọng thì “sở hữu toàn dân” không có nghĩa là “quyền sở hữu.” Chính nhờ vào sự quy định ngược ngạo, vô luật pháp này mà đảng mới có thể thao túng của cải ruộng đất từ tay người dân vào tay đảng. Bởi vì trong nền kinh tế thị trường, đất đai đã trở nên hàng hóa lưu thông theo quy luật cung cầu như mọi thứ hàng hóa có giá trị cao. Nhưng do sự lỏng lẻo cố ý của luật lệ, bí thư đảng của các tỉnh, thành phố ngày càng được trao nhiều quyền hạn quá lớn và biến đất đai thành sở hữu của riêng mình.
Chính đám cán bộ này đã cấu kết mua bán với các công ty bất động sản, cùng nhau đẩy giá đất lên cao, công khai trục lợi qua những dịch vụ ăn cướp này. Khi sự quản lý ruộng đất độc quyền mang đến quá nhiều lợi lộc cho cán bộ có quyền, họ phải vẽ vời ra nhiều dự án để cướp đất của dân dưới hình thức công ích. Và tiếp theo là đầu cơ, tích trữ đất đai cướp được để tiếp tục trao đổi, mua bán với giá cao hơn. Đây là trường hợp của các quan chức Thành Hồ trong vụ Thủ Thiêm mà nổi bật nhất là những vụ mua bán tròng tréo đất công của Phó Bí Thư thành ủy Tất Thành Cang.
Trải qua hàng thập niên, Hà Nội đã duy trì chính sách đất đai bất công gây nhiều hệ lụy cho người dân bị nhà nước cộng sản tước quyền sở hữu, đồng thời đã tạo cơ hội cho cán bộ nhà nước làm giàu bất chính trên nỗi đau của người thấp cổ bé miệng.
Nói cách khác, đất đai vốn là lời nguyền của chế độ độc tài chuyên chính vô sản, vì chế độ không muốn buông quyền này ra cho toàn dân mà cứ nắm chặt trong tay và giao cho đám cán bộ địa phương ứng xử một cách vô pháp luật. Nạn tham ô, nhũng lạm sinh ra từ chỗ cán bộ được giao quyền sử dụng đất một cách vô tội vạ.
Cho nên dù Trung Ương 5 có lập ra ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cấp tỉnh, thành phố thì nạn tham nhũng vẫn sống mạnh, sống lâu khi người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà bị tước quyền tư hữu đất của chính họ.
Phạm Nhật Bình