“BCH TƯ đảng khóa này thống nhất khẳng định, “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu”.
Thông báo của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – về ý chí của các thành viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13 tại Hội nghị BCH TƯ đảng lẩn thứ 5: BCH TƯ đảng khóa này thống nhất khẳng định, “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu” (1) đã trở thành một trong những vấn đề khuấy động mạng xã hội tuần này.
Có người như Đàm Hà Phú tự thán: Việt Nam chắc là quốc gia hiếm hoi mà dân không được sở hữu đất đai nhưng thôi, nước mình lạ lắm (2)! Có người như Nguyễn Thiện thì bình: Nhà nước tổ chức khai khẩn đất mới thì quyền sở hữu thuộc nhà nước là hợp lý. Còn những mảnh đất bao đời này vốn thuộc sở hữu của người dân mà bảo họ không có quyền sở hữu, chỉ có quyền sử dụng thì nghe khó lọt tai (3).
Còn theo Hà Nhật Tân: Nói trắng ra, việc ‘được quyền sử dụng nhưng không được quyền sở hữu đất” là luật của địa chủ với tá điền nhưng được cái ‘nhân văn’ tuyệt đối so với hồi phong kiến ở chỗ – 100 triệu tá điền mới chỉ có một tên địa chủ thôi (4). Đặng Bích Phượng lý giải tại sao lại thế: Vì chẳng ai được sở hữu mét vuông đất nào nên thằng quản lý nó mới ‘thu hồi’ quyền sử dụng của thằng này giao cho thằng khác dễ như ăn kẹo (5).
Đức Nguyễn giới thiệu một căn nhà cũ kỹ nhưng cảnh vật chung quanh đẹp như tranh kèm ý kiến: Không có quyền sở hữu thì một ngày kia, căn nhà trên khu đất đẹp thế này phải rơi vào tay các công ty làm thủy điện, điện gió, bất động sản… Quyền sử dụng vốn hữu hạn như lời nói đẹp chốn triều đình. Mẹ kiếp, ai bảo mày là thần dân (6)! Hoàng Minh Ngo kể chuyện Ba Lan (chính quyền các thành phố không muốn đứng ra quản lý các mảnh đất có chung cư nữa nên yêu cầu dân chúng hãy làm giấy tờ xác nhận họ sở hữu bao nhiêu phần trăm mảnh đất ấy và chính quyền hỗ trợ 98% giá đất, dù chỉ phải trả 2% nhưng không muốn trả ngay thì có thể trả góp trong vòng 20 năm) rồi so với việc “đảng ta” dám phủ nhận quyền sở hữu đất đai, kể cả đất đai cha ông để lại, kèm câu hỏi như một thách thức mà người Việt luôn cắn răng cam chịu: Làm gì được nhau nào (7)?
***
Cũng đã có không ít người phân tích cặn kẽ “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu” như Trương Nhân Tuấn. Ông Tuấn dẫn nhận xét khá phổ biến: “Luật Đất đai của Việt Nam là luật ăn cướp đất của dân” và nhấn mạnh, nhận xét này “phản ảnh toàn bộ nội dung bộ luật đất đai của Việt Nam hiện nay”.
Giống như nhiều người, ông Tuấn lưu ý: Quyền sở hữu là quyền phổ cập xưa như trái đất. Theo định nghĩa từ thời La Mã và đến nay vẫn không thay đổi thì: Quyền sở hữu là quyền sử dụng, hưởng thụ và định đoạt tài sản một cách tự do và hoàn toàn, tuân theo các giới hạn và điều kiện thực hiện do pháp luật quy định. Quyền sở hữu bao gồm ba thành tố: Usus (quyền sử dụng), fructus (quyền hưởng thụ) và abusus (quyền định đoạt).
Theo ông Tuấn: Việt Nam có khái niệm khác về ba yếu tố cấu thành quyền sở hữu: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Ở Việt Nam người ta không có quyền hưởng thụ những thành quả sinh ra từ cái mình sở hữu (fructus) nhưng lại có cái gọi là “quyền chiếm hữu”. Quyền chiếm hữu là gì và tại sao lại cần tới quyền này khi cái đó, vật đó đã thuộc về mình (sở hữu)?
Người ta có thể “chiếm hữu” một vật “vô chủ”, hay vật mà chủ đã từ bỏ. Người ta có thể “thụ đắc” một vật nào đó qua các hành vi kế thừa, chuyển nhượng, mua bán… Không ai có thể “chiếm hữu” một cái gì đó thuộc sở hữu của người khác. “Quyền chiếm hữu” trong định nghĩa về quyền sở hữu của Việt Nam có thể mở rộng đến mức hợp thức hóa hành vi “ăn cướp” tài sản của người khác.
Theo luật Việt Nam, quyền sử dụng là một quyền thuộc quyền sở hữu. Chiếu theo luật lệ Việt Nam, nhà nước tách “quyền sử dụng” trong quyền sở hữu đất đai ra để “bán” cho “người sử dụng”. Giải thích cách nào thì “quyền sử dụng” cũng là một “quyền sở hữu”. Quyền sử dụng, sau khi được thiết lập (bằng luật lệ) qua các thủ tục chuyển nhượng (mua bán, sang nhượng, trao đổi, thừa kế…) đã trở thành quyền sở hữu.
Ông Tuấn nhận định: Ông Trọng mâu thuẫn với luật lệ Việt Nam. Luật lệ Việt Nam về quyền sở hữu có qui định về quyền định đoạt. Quyền định đoạt mang tính độc quyền. Chỉ có sở hữu chủ mới có quyền định đoạt (chuyển nhượng, bán, trao đổi…) tài sản của mình. Luật Việt Nam cho phép các hành vi mua bán, chuyển nhượng, kế thừa … quyền sử dụng (đất đai). Tức là luật Việt Nam nhìn nhận tính “độc quyền” của thể nhân, pháp nhân sở hữu “quyền sử dụng”. Vì vậy, ông Trọng nói sai nhưng vấn đề là luật lệ Việt Nam về đất đai, mâu thuẫn này chồng lên mâu thuẫn kia, giải thích sao cũng được và áp dụng sao cũng được (8).
***
Tuần này Nguyễn Thùy Dương – một trong những nạn nhân của “quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu” – không bàn thêm về tuyên bố mới nhất của ông Trọng và sự nhất trí gần nhất của BCH TƯ đảng khóa 13 liên quan đến đất đai – cô kể chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Nhà nước đến thành phố Thủ Đức tiếp xúc cử tri:
Dân mất đất ở Thủ Thiêm trông ngóng gặp Chủ tịch nước giãi bày tâm tư, nguyện vọng. Nỗi lòng khoắc khoải, bồn chồn trước một trong những con người nắm giữ vị trí quan trọng của quốc gia như lẽ thường tình. Cán bộ thành phố Thủ Đức cho hay: Hội trường nhỏ chỉ có sức chứa 200 người. Mỗi phường năm cử tri. Thành phố Thủ Đức mới lập có tới 34 phường, cộng thêm cán bộ là hết 200 ghế. Cử tri tự do không còn chỗ. Vậy sao hội trường Nhà Thiếu nhi Quận 2 cũ lớn hơn lại không dùng? Tôi không hiểu cách sắp xếp của chính quyền bởi tôi có phải là chính quyền đâu?
Dân Thủ Thiêm đã tìm mọi cách để được phát biểu, được tiếp xúc cùng ông Phúc. Giải quyết được hay không chưa biết nhưng rõ ràng dân mất nhà như kẻ chết đuối, mong với được cái bẹ dừa hay mảnh gỗ giữa dòng. Đi gặp nói lên được nỗi oan, sự đau đớn, rồi quỳ rồi khóc, rồi cầu xin. Chỉ một lời hứa giống như thắp lên ánh sáng hi vọng lớn lao…
Đáp lại là gì? Là hàng rào kỹ thuật, là những người đàn ông mặc thường phục kè sát dân Thủ Thiêm, là những kẻ bịt mặt trấn lột áo có in chữ Thủ Thiêm và bản đồ của mấy bà má Thủ Thiêm, là xe cứu thương giăng lối sẵn sàng, là những kẻ canh me chụp giật điện thoại. Hội trường trong kia, dân ngoài này cách nhau đâu có bao xa. Vậy mà, vạn lý quan san cách trở trùng trùng, quan đó, dân đây như hai bức tranh đối lập. Khoảng cách xa nhất giữa các tầng lớp không phải khoảng cách cự ly mà là khoảng cách của tình người.
Thôi thì chúc Chủ tịch nước có buổi tiếp xúc cử tri thành công khi không có dịp gặp được những cử tri bần cùng làm bẩn mắt ngài. Chẳng phải lỗi của ai cả, tất cả đều hợp lý. Lỗi là lỗi số phận thôi ha (9)!
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-quyen-su-dung-dat-khong-phai-quyen-so-huu-post1457098.html
(2) https://www.facebook.com/giavan.nhu.3/posts/423334056292218
(3) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10221900893051552
(4) https://www.facebook.com/ha.nhattan/posts/5053159401399853
(5) https://www.facebook.com/phuong.dangbich/posts/4495249723910129
(6) https://www.facebook.com/nguyenducplo99/posts/3230429637277810
(7) https://www.facebook.com/hoangminh.ngo/posts/5248848628504810
(8) https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/5392760814089010
(9) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=372596128219414&id=100064070886150