Thới Bình (VNTB)
Với vị thế địa chính trị quan trọng, rất cần phải thận trọng trong việc lựa chọn quốc tịch thật sự của nhà đầu tư cho cảng nước sâu Trần Đề.
Khi đầu tư vào dự án cảng biển quốc tế Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…
Chiều 27-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến khảo sát khu bến cảng Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Theo đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CBM), cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…
Cảng biển Trần Đề sẽ kết nối về đường bộ trực tiếp với quốc lộ Nam Sông Hậu hiện hữu, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cầu Đại Ngãi qua Quốc lộ 60 trong tương lai.
Đặc biệt, cảng biển này sẽ giúp phát huy hiệu quả lợi thế đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống các sông và cảng biển trong vùng. Dự kiến cảng biển Trần Đề có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 – 160.000 DWT và được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Ngày 19-4-2022, tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết thì dự án cảng biển Sóc Trăng, khu bến Trần Đề hiện đang được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển, với tổng diện tích 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ.
Địa điểm thực hiện dự án thuộc huyện Trần Đề – thị xã Vĩnh Châu, phía Bắc giáp rạch Bãi Giá; phía Nam giáp cửa sông Mỹ Thanh; phía Đông giáp đường Nam Sông Hậu; phía Tây giáp biển Đông. Vị trí dự án có thể kết nối nhanh chóng tới các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh thông qua tuyến đường quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến đường lộ ven biển, tuyến đường Bắc – Nam như phía tư vấn CBM đã đánh giá.
Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề được nghiên cứu từ năm 1994 dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và phải đến thời Thủ tướng Phạm Minh Chính thì dự án này mới được phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông chủ Trung Quốc khoác áo Hoa Kỳ đang nhăm nhe
Dự án này được một chuyên gia “đeo bám” rất kiên trì là kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, một thành viên Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM. Nghiên cứu của ông Doãn Mạnh Dũng thì khu vực dự kiến đầu tư cảng nước sâu Trần Đề có nhiều điểm tương đồng so với vịnh Vân Phong và Cam Ranh; nơi đây có luồng sâu hiện hữu và có đê chắn sa bồi rất thích hợp để đầu tư cảng nước sâu với chi phí ít tốn kém nhất nhờ dựa vào lợi thế địa hình tự nhiên.
Với vị trí còn mang ý nghĩa của một vị thế địa chính trị như đánh giá của ông Doãn Mạnh Dũng, cho thấy đang rất cần đến sự thận trọng trong lựa chọn quốc tịch thật sự của nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 23-11-2021, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tại Sóc Trăng. Đoàn công tác đã đến khảo sát Cảng cá Trần Đề và trực tiếp lên tàu thực hiện chuyến thị sát khu vực dự kiến hình thành Cảng biển nước sâu Trần Đề.
Tin tức ở chuyến thị sát này cho hay Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam, giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ có đề xuất với chính quyền tỉnh Sóc Trăng cho phép được nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí 9.600 MW với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Cùng với một dự án điện khí có thể xuất hiện trong tương lai này, thì sự cần thiết của một dự án cảng nước sâu để vận chuyển LNG là cảng Trần Đề.
Tìm hiểu hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống đăng ký quốc gia, Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ và có giấy phép kinh doanh số 0109559886, địa chỉ đăng ký tại Phòng 603, Tòa nhà Trung tâm, 31 Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp chỉ mới hoạt động từ ngày 19-03-2021.
Lĩnh vực hoạt động của công ty này là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan và tư vấn quản lý. Người đại diện pháp luật là ông Chi Kei Sam Chan.
Tên ông Sam Chan trên Linkedin có xuất hiện một tài khoản là Sam Chan nắm chức vụ phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Millennium Printing International Limited – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc./.