Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine như một sự cảnh tỉnh, nước Đức đã thay đổi đối tác: chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Thủ tướng Scholz đến Tokyo đã biểu thị điều này. Rõ ràng Đức quay lưng lại với Trung Quốc, việc nước Đức ve vãn Trung Quốc từ lâu đã là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Với các đối tác nghiêm túc thì khoảng cách 9.000 km không phải là xa. Vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nhiều máy bay, bay từ châu Âu đến Đông Á hiện phải tránh không phận Nga. Ngay cả máy bay của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và phái đoàn tháp tùng ông gồm giới báo chí và doanh nhân cũng không được tha. Thời gian bay đến hết 13 giờ, lâu hơn bình thường một giờ đồng hồ. Khi về, mất 15 tiếng đồng hồ – trong khi thời gian ở trên đất Nhật bản chỉ khoảng 20 giờ.
“Không phải ngẫu nhiên” mà chuyến đi đầu tiên của thủ tướng Đức đến châu Á lại là Nhật Bản và cuộc điện đàm đầu tiên của ông tới khu vực này cũng là với Thủ tướng Fumio Kishida. Đây là cách Scholz mở đầu bài phát biểu của mình tại cuộc đối thoại kinh tế Đức-Nhật khi bắt đầu chuyến thăm của ông vào hôm thứ năm vừa qua: Đức và Nhật Bản liên kết bởi một “tình bạn sâu sắc”. Điều này thể hiện ở sự chào đón nồng nhiệt mà Nhật Bản dành cho tôi, nhưng cũng thể hiện một thực tế là sau vụ gây hấn của Nga ở Ukraine, Nhật Bản “rõ ràng và kiên quyết” đứng về phía Ukraine, châu Âu và Mỹ, bất chấp khoảng cách địa lý. Cùng với Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, Nhật Bản là một trong số ít quốc gia ở châu Á tích cực ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Về phần mình, Kishida, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản từ năm 2012 đến năm 2017, bày tỏ sự vui mừng khi Scholz đã chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên ở châu Á. Ông nhắc lại rằng Nhật Bản muốn hợp tác chặt chẽ với Đức để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong cộng đồng quốc tế. Nhật Bản cũng hoan nghênh việc chính phủ Đức đã mở rộng cam kết chính sách an ninh trong khu vực với việc tạo ra “Hướng dẫn Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Kishida ám chỉ đến nước láng giềng Trung Quốc, kẻ luôn nỗ lực bành trướng quyền lực ra khỏi khu vực và là một nỗi lo ngại hiện nay.
Dấu hiệu của sự gần gũi
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nước Đức muốn nâng mối quan hệ lâu dài với Nhật Bản lên một tầm cao mới. Hai vị đứng đầu chính phủ đã xưng hô thân mật với nhau theo kiểu “anh – tôi” , điều này khá ngạc nhiên bởi Nhật Bản là nước rất tôn trọng lễ nghi và nghi thức….
Cuộc hành trình của thủ tướng Đức không chỉ có ý nghĩa về lễ tân giữa các đối tác G-7, hai nước thuộc vị trí hàng đầu của 7 quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới và sắp trao cho nhau vị trí chủ tịch. Năm nay nước Đức giữ chức chủ tịch G-7 và sang năm 2023 sẽ trao vị trí này cho Nhật Bản. Theo thủ tướng Scholz, chuyến đi ngắn ngày tới Nhật Bản, không ghé thăm một số nước khác trong khu vực, vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Elmau thể hiện một “tín hiệu chính trị rõ ràng ” về quan hệ đối tác ở Châu Á.
Cuộc đấu tranh chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine buộc Đức phải thừa nhận các mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế không thể bảo vệ khỏi các cuộc xung đột về chính trị. Điều này không chỉ có ý nghĩa với châu Âu mà cả với châu Á. Những tuyên bố về quyền lực của Trung Quốc trong khu vực đã làm gia tăng căng thẳng ở Châu Á. Điều nổi bật là vấn đề Đài Loan, nơi Trung Quốc đã phủ nhận quyền độc lập và đe dọa về quân sự, Đài Loan được coi là một khu vực có nguy cơ khủng hoảng trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, hai vị đứng đầu chính phủ đã lên tiếng trong cuộc họp báo chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đồng thời chống lại những nỗ lực đơn phương ở châu Á nhằm sử dụng vũ lực để thay đổi đường biên giới quốc gia. Kishida cho biết Nhật Bản và Đức phải phát đi một tín hiệu rõ ràng, cách tiếp cận như vậy sẽ kéo theo nhiều phí tổn. Nói cách khác, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, nước này, giống như Nga, sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Trong một thời gian dài khó có thể tưởng tượng sẽ có một sự thay đổi về đường lối như vậy ở nước Đức. Cựu thủ tướng Angela Merkel đã thăm viếng Trung Quốc 12 lần trong khi chỉ tới Nhật Bản 5 lần. Tuy nhiên, gần đây, quan hệ với Trung Quốc đã nguội lạnh. Một yếu tố là sự vi phạm nhân quyền liên quan đến dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, đây cũng là một chủ đề mà hai ông Scholz và Kishida cũng đã thảo luận, cũng như vấn đề Hồng Kông. Ngoài ra, Trung Quốc còn hăm dọa về vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông. Đặc biệt Đức buộc phải suy nghĩ lại kể từ khi Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc chiến Ukraine. Theo thủ tướng Scholz nước Đức đã tìm thấy Nhật Bản là một “người bạn tuy xa nhưng lại rất gần” và là “đối tác có giá trị”.
Về mặt chính trị, điều này có nghĩa là sự tiếp tục của các cuộc đàm phán 2 + 2 được tiến hành từ năm 2021, tức là các cuộc đàm phán song phương giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Từ 2023 sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc tham vấn chính phủ ngoài ra là các cuộc tiếp xúc của giới kinh tế và các cuộc họp về hợp tác kinh tế giữa hai nước đặc biệt về năng lượng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga. Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng Scholz đã đến thăm một nhà máy hydro ở Kawasaki hôm thứ sáu. Nhật Bản đã sớm dựa vào hydro như nguồn năng lượng của tương lai. Cuộc khủng hoảng Ukraine và mong muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng đang làm cho chủ đề này được quan tân hơn bao giờ hết.
Trên đường về Berlin các máy bay của đoàn Đức còn nhận chở hàng cứu trợ của nhân dân Nhật bản dành cho Ukraine, món quà này đã được phía Nhật bản trao chính thức cho Đại sứ quán Ukraine tại Nhật Bản./.