Gideon Rachman, “We need to think about a Le Pen presidency,” Financial Times, Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng – Nghiencuuquocte
Ứng viên cực hữu của Pháp vẫn có thể đánh bại Macron, theo đó đẩy NATO và EU rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Các chính sách mà tôi đại diện là các chính sách do Trump đại diện, do Putin đại diện.” Đó là lời phát biểu của Marine Le Pen vào năm 2017. Chỉ trong hai tuần nữa, bà có thể được bầu làm Tổng thống Pháp.
Le Pen, người đứng đầu phe cực hữu của Pháp, hiện đã vào đến vòng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống, nơi bà sẽ đối đầu với Tổng thống Emmanuel Macron. Kết quả vòng bỏ phiếu đầu tiên cho thấy Le Pen kém Macron 5 điểm phần trăm. Việc 57% cử tri Pháp đã chọn các ứng viên cực tả hoặc cực hữu ngay trong vòng đầu tiên – trong khi các đảng trung dung truyền thống sụp đổ – có vẻ không tốt cho một tổng thống đương nhiệm theo đường lối trung dung, như Macron.
Cuộc thăm dò đầu tiên về ý định bỏ phiếu cho vòng thứ hai cho thấy Macron vẫn đánh bại Le Pen, bằng tỷ lệ 54% so với 46%. Điều đó sẽ củng cố quan điểm rằng, dù đây là một cuộc đua sít sao, chiến thắng của Le Pen vẫn rất khó xảy ra. Nhưng có một thực tế khó chịu, là phe cánh hữu hiện nắm giữ tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng có trong lịch sử nước Pháp kể từ năm 1945 – và rất nhiều chuyện có thể xảy ra chỉ trong một chiến dịch kéo dài hai tuần.
Thay vì gạt bỏ cơ hội của Le Pen, đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc: liệu chiến thắng có thể xảy ra của bà sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nước Pháp và thế giới. Bà có tiếp tục làm một chính trị gia “cực hữu” không? Hay một nhiệm kỳ tổng thống của Le Pen có thể ít gây sốc cho hệ thống hơn nhiều người tưởng tượng?
Việc Le Pen tiến gần đến chiếc ghế tổng thống đã chứng tỏ thành công của bà trong việc “khử độc” hình ảnh cá nhân. Vài năm trước, bà tách khỏi cha mình, cũng là nhà sáng lập đảng, Jean-Marie Le Pen, người sở hữu một hồ sơ dài về công khai phân biệt chủng tộc. Trong cuộc bầu cử này, Marine Le Pen đã vận động chủ yếu về các vấn đề giá cả sinh hoạt. Bà từ bỏ một số chính sách gây tranh cãi nhất từng nhấn chìm chiến dịch tranh cử năm 2017 của mình – chẳng hạn như kêu gọi Pháp rời khỏi khu vực đồng euro và khôi phục án tử hình. Và bà đã sử dụng cuộc chiến Ukraine để khiến bản thân trở nên xa cách với Vladimir Putin, tuyên bố rằng quan điểm của mình về nhà lãnh đạo Nga đã “thay đổi.”
Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ công khai trước đây của Le Pen dành cho Putin và Donald Trump vẫn còn hiển hiện. Giống như Putin và Trump, Le Pen tuyên bố đại diện cho người dân chống lại giới tinh hoa, và đại diện cho quốc gia chống lại “những người theo chủ nghĩa toàn cầu”. Khẩu hiệu tranh cử của bà – “Hãy trả lại người Pháp đất nước của họ” – mang âm hưởng của “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump và “Lấy lại quyền kiểm soát” của Brexit.
Chương trình nghị sự của Le Pen vẫn chứa nhiều yếu tố cánh hữu. Cam kết cấm hoàn toàn việc đeo khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở nơi công cộng là một việc làm phi tự do và chưa từng có ở châu Âu. Bà tuyên bố rằng cảnh sát sẽ được hướng dẫn để xử phạt tất cả những người đội hijab – nghe như một công thức cho những cuộc đụng độ liên tục trên đường phố. Quan hệ giữa cảnh sát và các cộng đồng không phải người da trắng hoặc cộng đồng người Hồi giáo, vốn đã căng thẳng, có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Cánh tả Pháp, luôn yêu thích biểu tình, có thể sẽ xuống đường trong kinh ngạc nếu Le Pen thực sự giành chiến thắng. Người Pháp vẫn còn bị quay cuồng bởi các cuộc biểu tình gilets jaunes (áo ghi lê vàng), vốn đã biến thành các cuộc bạo động, trong giai đoạn 2018-2019. Nước này có thể một lần nữa phải đối mặt với bất ổn xã hội. Còn ở đầu bên kia của phổ chính trị, thị trường tài chính có thể sợ hãi trước chiến thắng của Le Pen – làm tăng thêm cảm giác khủng hoảng.
Một nước Pháp bị chia rẽ trong cay đắng sẽ có tác động lên toàn bộ châu Âu. Hậu quả trực tiếp của nhiệm kỳ tổng thống Le Pen đối với EU cũng sẽ rất nghiêm trọng – và quả thực mang tính sống còn.
Trong những năm qua, các chính khách Pháp như Jean Monnet, Robert Schuman, và Jacques Delors đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng dự án châu Âu. Nhưng Le Pen lại có ý định đánh sập EU. Bà hứa sẽ khôi phục việc ưu tiên áp dụng luật nước Pháp so với luật EU, điều không phù hợp với quy định về quy chế thành viên của liên minh 27 quốc gia. Bà cũng cam kết sẽ đơn phương cắt giảm các khoản đóng góp của Pháp cho ngân sách EU.
Ở châu Âu, Le Pen đã xây dựng quan hệ với các “nhà dân chủ phi tự do” của Hungary và Ba Lan. Bà nhanh chóng chúc mừng Viktor Orban của Hungary sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng này – bất chấp việc ông ta bị EU buộc tội vi phạm pháp quyền, đàn áp tự do truyền thông, và tham nhũng. Nói nhẹ thì Le Pen không bận tâm đến các tội lỗi của Orban. Còn nói nặng thì bà coi ông ta là hình mẫu cho nước Pháp.
Nếu Le Pen lên nắm quyền kiểm soát nước Pháp, tuyên bố của Orban rằng chủ nghĩa dân tộc phi tự do của ông đại diện cho tương lai của châu Âu đột nhiên trở nên hợp lý hơn. Matteo Salvini của Ý – người giống như Le Pen, cũng sùng bái Putin và Trump – sẽ đánh hơi được quyền lực.
Phản ứng ở Brussels và Berlin trước chiến thắng của Le Pen có lẽ sẽ là sự kinh hoàng – theo sau có thể là các cuộc đàm phán. Không thể từ bỏ dự án EU, các đối tác của Pháp sẽ tìm cách giảm bớt tác động từ chính sách của Le Pen và bằng cách nào đó làm cho chúng tương thích với việc Pháp tiếp tục làm thành viên của EU.
Chính phủ Anh sẽ quan tâm theo dõi từ bên lề. Một số người ủng hộ nhiệt thành Brexit sẽ coi chiến thắng của Le Pen vừa là một sự minh oan, vừa là một cơ hội. Những tiếng nói lý trí hơn ở London sẽ lo sợ về các tác động đối với sự đoàn kết thống nhất của phương Tây trong cuộc chiến Ukraine.
Le Pen không chỉ là kẻ thù của EU. Bà cũng gọi NATO là một “tổ chức cổ xúy chiến tranh” và cam kết đưa Pháp ra khỏi cơ cấu chỉ huy của nó. Và bà phản đối các biện pháp trừng phạt về năng lượng đối với Nga – lấy lý do chúng sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt ở Pháp.
Putin đã có một vài tuần thảm hại. Nhưng các cử tri Pháp vẫn có thể cho ông một chút hy vọng./.