Giữa tháng 2, dự trữ ngoại tệ của Nga khoảng 643,2 tỷ đô la. Sau khi Mỹ loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT vì xâm lược Ucraina thì kho dự trữ ngoại tệ của Nga chỉ còn 604,4 tỷ đô la. Nghĩa là chỉ một lệnh cấm vận thì Nga mất gần 40 tỷ đô la trong kho dự trữ trong chưa đầy 40 ngày. Tuy nhiên, đó chưa phải là cái thiệt lớn, cái thiệt lớn hơn là Nga đang bị Mỹ và các nước Phương Tây cho đóng băng đến 300 tỷ đô la. Nghĩa là hiện nay Ngân hàng Trung ương Nga chỉ còn khoảng 300 tỷ đô la để xử lý những khủng hoảng khi đồng ruble gặp vấn đề. Xem như Ngân hàng Trung ương Nga bị trói một tay.
Khi đồng ruble yếu, nó buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải mở kho dự trữ ngoại tệ để giải quyết. Đấy là nguyên nhân kho này bị vơi gần 40 tỷ trong chưa đầy 40 ngày. Nếu không có cách kìm chế sự nhảy múa của đồng ruble thì kho dự trữ ngoại tệ Nga lại tiếp tục vơi và đẩy Ngân hàng Trung ương Nga vào thế hết tiền và quốc gia đối diện nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga và Chính Phủ nước này đã tạm thời ổn định được đồng ruble bằng 5 cách mà tôi đã đề cập ở bài viết “Nước Nga, Những Nỗ Lực Để Putin Phá”. Nói chung, Ngân hàng Trung ương Nga và Chính phủ nước Nga có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng khá tốt, tốt hơn Sri Lanka rất nhiều.
Kho dự trữ ngoại tệ càng dồi dào thì Ngân hàng Trung Ương càng có dư địa để xử lý khủng hoảng. Như vậy, nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga bây giờ là làm cách nào để hút ngoại tệ vào kho để “phòng bất trắc”. Đó mới là vấn đề lớn trong hoàn cảnh Nga bị cấm vận như hiện nay. Cần phải làm ngay.
Cái may của Nga là EU phụ thuộc vào năng lượng Nga quá nhiều, chính vì thế, dù cấm vận nhưng các nước EU vẫn không thể không mua năng lượng Nga. Tuy nhiên, năng lượng Nga còn bán được nhưng các mặt hàng khác thì rất khó, chính vì vậy nguồn ngoại tệ rót vào Nga vẫn giảm. Vậy câu hỏi đặt ra là Chính phủ Nga đã làm gì để bù đắp? Câu trả lợi là Putin cho bán dầu theo kiểu “sale off”. Bán bất cứ giá nào, miễn là hốt cho được ngoại tệ về trữ. Dầu mà có giá cực rẻ thì hiển nhiên các quốc gia khác dốc hầu bao mà hốt thôi, cơ hội “ngàn năm có một” mà? Thế là các quốc gia không tham gia vào trò cấm vận của Mỹ và Phương Tây tranh thủ hốt về trữ, các quốc gia đó có thể kể ra là: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc vv… Với hành động bán tống bán tháo kiểu này, Nga đã phải hy sinh phần năng lượng dành cho tương lai để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi thời hiện tại. Nhờ đó mà kho dự trữ ngoại tệ Nga tăng trở lại.
Như tôi đã nói ở bài “Nước Nga, Những Nỗ Lực Để Putin Phá” rằng, chính sách ổn định đồng ruble như họ đã làm chỉ là giải pháp tình thế. Với tình trạng bị bao vây kinh tế lâu dài thì cũng sẽ có lúc đồng ruble chao đảo tiếp, khi đồng ruble chao đảo mà Ngân hàng Trung ương cạn nguồn dự trữ ngoại tệ thì lấy gì mà ghìm cương đồng ruble đây? Vì thế mà họ buộc họ phải hạ giá bán năng lượng để hốt ngoại tệ thôi. Chính quyền Nga chỉ có thể đánh đổi chứ không còn quyền lựa chọn trong chính sách cứu vãn nền kinh tế đang đà lao dốc. Dầu nước Nga còn nhiều nên họ chọn cách hy sinh dầu cứu lấy đồng ruble. Nếu đồng ruble mà đổ thì đế chế Putin cũng khó mà vững, đấy là viễn cảnh mà chính quyền Putin sợ nhất. Và đấy chính là lí do Chính phủ Nga quyết định bán dầu với giá rẻ bèo.
Qua cách xử lý này của Chính phủ Nga thì rõ ràng chính phủ này rất có kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng, tuy nhiên qua đây cũng thấy rằng Chính phủ Nga đã không còn nhiều lựa chọ để xử lí. Để giải quyết vấn đề này họ phải hy sinh vấn đề khác. Nghĩa là càng ngày, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga càng cảm thấy chật chội trong vấn đề xoay sở để đối phó khủng hoảng. Như vậy là nước Nga đang vùng vẫy để tránh thảm họa đang ngày một tiến gần đến họ mà thôi. Nếu Putin vẫn cứng đầu, vẫn ngông cuồng thì kinh tế Nga khó thoát nguy cơ sụp đổ./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.vietnamplus.vn/nga-uoc-tinh-bi…/777923.vnp
https://laodong.vn/…/du-tru-vang-va-ngoai-hoi-nga-tang…
https://tuoitre.vn/nga-san-sang-ban-dau-cho-cac-quoc-gia…