Katsuji Nakazawa/ Nikkei Asia – Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng/ Nghiên Cứu Quốc Tế –Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi risks stumbling with Putin if he plays his cards wrong,” Nikkei Asia, 07/04/2022
Nếu Nga thất bại ở Ukraine, sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi về lãnh đạo độc tài lâu dài.
Liên minh cá nhân giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đang cản trở đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Điều đó đang được thể hiện ngày càng rõ khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn.
Cả hai người đã đặt xong nền móng để duy trì quyền lực của mình cho đến giữa thập niên 2030. Cả hai đều có tham vọng lãnh thổ: Putin muốn tái lập vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ, còn Tập muốn có Đài Loan.
Nhưng mối dây liên kết này đi kèm với rủi ro đáng kể.
Cách đây vài tuần, các quan chức an ninh và đối ngoại Trung Quốc còn vô cùng rạng rỡ tự tin. Sau khi Tập và Putin gặp nhau tại thủ đô Trung Quốc vào ngày 4/2 và hứa hẹn về một tình bạn không giới hạn, Trung Quốc dần nhận thức được rằng một chiến dịch ở Ukraine đã gần kề. Họ đã thu thập thông tin tình báo thông qua các mối quan hệ ở Nga, cả chính thức lẫn không chính thức, vốn đã được thiết lập từ nhiều năm qua.
Nhưng Trung Quốc đã mong đợi Nga sẽ kiềm chế hành động quân sự cho đến khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh bế mạc vào ngày 13/03. Nhận định này dựa trên trao đổi của Putin với Tập trong một cuộc trò chuyện riêng.
Những kỳ vọng của Trung Quốc nay đã được chứng minh là không thực tế. Putin hóa ra chỉ quan tâm nửa vời đến chủ nhà Olympic. Cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu sau khi Thế vận hội Mùa đông bế mạc vào ngày 20/2, nhưng trước khi Thế vận hội Dành cho Người khuyết tật (Paralympic) bắt đầu vào ngày 4/3.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn hy vọng cuộc tấn công sẽ diễn ra nhanh chóng, và khi Paralympic khai mạc, lực lượng Nga đã thiết lập được quyền kiểm soát ở Ukraine.
Thế nhưng, nhiều điều bất ngờ đã xuất hiện, và thay vì tạo ra sự chia cắt giữa Mỹ và châu Âu, cuộc xâm lược của Nga lại củng cố tình đoàn kết của phương Tây. Washington sẽ không sa lầy ở Đông Âu, và sẽ không có sóng gió địa chính trị để Bắc Kinh tận dụng.
Trên thực tế, Trung Quốc còn đang ở thế yếu.
Khi tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào ngày 1/4, Tập yêu cầu họ đưa ra các quyết định ngoại giao về Trung Quốc “một cách độc lập” với Mỹ.
Nhưng yêu cầu ấy đã bị ngó lơ. Về phần mình, EU kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Nga. Người châu Âu cũng không cho thấy dấu hiệu phê chuẩn một hiệp định đầu tư với Trung Quốc, vốn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Đã một tháng rưỡi kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, Tập hiện lo ngại về “tác động mà nó có thể gây ra cho chính trị trong nước của Trung Quốc,” một nguồn tin chính trị Trung Quốc cho biết.
Một kịch bản ác mộng đối với Tập – người đang tìm cách bảo đảm một nhiệm kỳ thứ ba bất thường, với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, vào mùa thu này – sẽ là việc chiến dịch của Putin thất bại và truyền đi thông điệp rằng một nhà lãnh đạo độc tài tại vị quá lâu sẽ có xu hướng đưa ra những quyết định sai lầm vào những thời điểm quan trọng.
Điều này sẽ gây thiệt hại khôn lường cho Tập trước thềm đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngay cả khi Tập tái đắc cử lần này, một thất bại của Nga ở Ukraine có thể khiến việc ông ở lại đại hội đảng tiếp theo vào năm 2027 trở nên không chắc chắn. Trong trường hợp đó, Tập sẽ ngay lập tức trở thành một “con vịt què,” hủy hoại nỗ lực hàng chục năm qua của ông, nhằm củng cố con đường của mình trong thập niên tới.
Tập và Putin là những đồng minh kỳ lạ. Cả hai không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giữ chặt quyền lực sau khi đã tạo ra rất nhiều kẻ thù. Họ cần ngăn không cho chiếc thuyền của mình bị lật, cho đến khi tới được đích vào những năm 2030.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đoán đúng vị trí của Tập trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11/2017.
“Ông là chủ tịch trọn đời, và do đó ông là vua,” cựu Tổng thống Mỹ nói với Tập tại Tử Cấm Thành, nơi các hoàng đế Trung Quốc từng sống.
Tử Cấm Thành là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Bắc Kinh và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nhưng nó đã bị đóng cửa với du khách, trong ngày Tập tiếp đón tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân.
Cuộc trao đổi này diễn ra 4 tháng trước khi Tập bất ngờ thông qua việc sửa đổi hiến pháp vào tháng 3 năm tiếp theo, loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với vị trí chủ tịch nước.
Để có thể trở thành nguyên thủ quốc gia trọn đời, Tập cần được bầu lại vào ghế tổng bí thư sau mỗi 5 năm. Đặt mục tiêu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trong năm nay là bước đầu tiên trong hành trình hướng tới một triều đại kéo dài.
Năm 2035 được đặt làm mục tiêu để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ. Hầu hết các kế hoạch dài hạn và tầm nhìn xây dựng đất nước hiện nay của Trung Quốc đều sử dụng mốc năm 2035. Và các dấu hiệu đều cho thấy Tập dự định sẽ điều hành chính phủ cho đến năm đó.
Một con đường tắt cho mục tiêu của Tập là tạo ra một vị trí hàng đầu mới, có thể được nắm giữ suốt đời. Nó sẽ tương tự như chức vụ chủ tịch đảng mà Mao Trạch Đông đã nắm giữ cho đến khi ông qua đời. Nhưng kế hoạch có thể sẽ gặp khó khăn, vì hiện tại đảng đang cấm việc xây dựng ‘sùng bái cá nhân.’ Hơn nữa, việc này có thể trở nên bất khả thi, trong trường hợp Putin thất bại ở Ukraine và người dân bắt đầu đặt câu hỏi về sự cai trị dài lâu của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
Trong khi đó, tại Nga, Putin cũng đã cho sửa đổi hiến pháp vào năm 2020, đi theo bước chân của Tập, mở đường cho đương kim tổng thống Nga tại vị đến năm 2036.
Nếu Putin có thể cầm quyền đến lúc ấy, ông ta sẽ 83 tuổi. Nếu Tập trị vì đến năm 2035, ông ta cũng sẽ 83 tuổi, ít nhất là theo cách tính truyền thống của Trung Quốc. Đó cũng là tuổi mà Mao Trạch Đông qua đời, khi đang là nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc.
Liệu có giải pháp nào cho Tập?
Khi thời điểm cho một lệnh ngừng bắn Nga-Ukraine chín muồi, Trung Quốc có lựa chọn tham gia vào một khuôn khổ an ninh để bảo đảm hòa bình. Tập có thể tổ chức một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm hỗ trợ triển khai kịch bản này.
Cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tuần với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, cuộc điện đàm thứ hai giữa hai người kể từ khi Nga xâm lược, có thể là một bước đi theo hướng đó. “Truyền thống lịch sử và văn hóa của Trung Quốc, cũng như chính sách đối ngoại nhất quán của chúng tôi, là bảo vệ hòa bình và phản đối chiến tranh,” Vương nói.
Tuy nhiên, ông cẩn thận tránh đưa ra bất kỳ nhận xét nào có thể bị phía Nga coi là áp lực vô lý đến từ Trung Quốc.
Vì không biết rõ toàn bộ kế hoạch của Putin, việc Trung Quốc xác định lập trường rõ ràng sẽ là quá nguy hiểm. Hơn nữa, bị ràng buộc bởi tuyên bố chung Tập-Putin vào ngày 4/2, trong đó cả hai lãnh đạo đã công khai phản đối việc NATO mở rộng hơn nữa, nên Trung Quốc không thể hoàn toàn đứng về phía Ukraine.
Tập cần Putin để tồn tại. Nếu đồng chí người Nga của ông ngã xuống, Tập có khả năng sẽ ngã theo. Sự sống còn của Putin là tối quan trọng đối với Tập, nhưng không nhất thiết là quan trọng đối với Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.