Vũ Ngọc Yên
Phương Tây nói rõ là Putin phải bị lật đổ và được thay thế bằng một lãnh đạo ôn hòa hơn, sau đó thì Nga sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và các mối quan hệ ngoại giao được phục hồi.
Hơn ba tuần qua, người dân Ukraine phải chịu nhiều khốn khổ trong cuộc chiến tranh trên đất nước mình. Cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Putin ở Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm. Hàng ngàn tên lửa, bom và đại pháo bắn phá vào các cơ sở quân sự, hành chính và các khu dân sự. Hàng vạn thường dân, binh sĩ thương vong và hơn ba triệu người Ukraine phải chạy nạn qua các quốc gia láng giềng.
Những nỗ lực hòa bình cho đến nay vẫn không thành công. Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng thương thảo kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine ngày 24-2-2022. Cho đến nay, các cuộc đàm phán chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Moscow và Kyiv tìm thấy điểm chung về việc tổ chức các hành lang nhân đạo để sơ tán dân khỏi vùng giao chiến. Các chuyên gia an ninh quốc tế cảnh báo: Các cuộc đàm phán càng kéo dài, càng có nhiều khả năng leo thang thành một cuộc xung đột kéo dài.
Bao giờ cuộc tàn sát phi lý sẽ dừng lại? Và trên hết, làm thế nào để cuộc chiến khủng khiếp này có thể kết thúc? Liệu Ukraine phải đầu hàng? Hay Putin chỉ đơn giản sẽ rút quân? Có những cơ hội nào cho một giải pháp thương thảo? Theo quan điểm của giới chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh, có năm tình huống có thể xẩy ra cho diễn tiến của cuộc chiến Ukraine.
Kịch bản 1: Nga chiến thắng quân sự
Ngay cả khi người Ukraine hiện đang quả cảm chống lại cuộc xâm lược của Nga, tinh thần chiến đấu của người Uraine rất cao, quân đội còn kháng cự mạnh nhờ sự trợ giúp vũ khí của phương Tây, nhưng có một điều rõ ràng là quân đội Nga vượt trội hơn hẳn về quân đội và vũ khí. Chính vì ưu thế quân sự của Nga, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các đơn vị Nga sẽ có thể tiến xa hơn và đánh chiếm các thành phố chiến lược quan trọng trong vài ngày tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện quyết tâm tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi các yêu sách của Nga được đáp ứng: Công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ở phía đông là các quốc gia độc lập, quy chế trung lập cho Ukraine với việc từ bỏ gia nhập vào Liên minh quân sự NATO.
Nhưng ngay cả khi Nga giành được một chiến thắng quân sự ở Ukraine và phá vỡ sự phản kháng của Ukraine, Putin sẽ phải đối mặt với thách thức chiếm đóng vĩnh viễn một đất nước rộng lớn 603.548 km² với trên 44 triệu dân. Cuộc chiếm đóng toàn bộ Ukraine sẽ vô cùng lâu dài và tốn kém. Theo các chuyên gia NATO, Nga sẽ cần ít nhất 600.000 binh sĩ, gấp 3 lần số quân hiện đang được triển khai trong khu vực để chiếm đóng nước này. Thương vong cao và có thể sẽ gặp kháng cự lâu dài. Do đó, việc Nga kiểm soát vĩnh viễn Ukraine thông qua một chế độ mới thân Nga sẽ rất khó khăn.
Tình huống 2: Nga rút quân về nước
Một chiến thắng quân sự nhanh chóng ở Ukraine được kỳ vọng sẽ giúp Putin đạt được chiến thắng về mặt chính trị: NATO phải từ bỏ tham vọng mở rộng về phía Đông, cũng như dập tắt hy vọng của Ukraine muốn ngả về phương Tây hay ít nhất cũng thay đổi chính quyền Tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, căn cứ các thông tin trên thực địa, có vẻ như kế hoạch tiến nhanh, thắng nhanh ở Ukraine của Putin chưa thành công như mong đợi.
Cho đến nay quân lính Nga đã chưa thể giành được toàn quyền kiểm soát các địa điểm xung yếu ở Ukraine, bất chấp những mũi tiến công trên khắp đất nước.
Quân đội Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược của Nga với sức mạnh đáng kinh ngạc: Kế hoạch quân sự trước đây để chiếm Kyiv trong vài giờ hoặc vài ngày đã bị người Ukraine đẩy lùi thành công. Các thành phố quan trọng chiến lược khác vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine.
Hiện tại, có vẻ như quân đội Ukraine, với sự trợ giúp vũ khí và cơ quan tình báo phương Tây, có thể tiếp tục cầm cự ở Kyiv và buộc quân đội Nga rơi vào bế tắc. Ngoài ra các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng có thể góp phần vào sự bất phân thắng bại quân sự. Cuối cùng, sự suy yếu lớn của nền kinh tế Nga có thể ép buộc Putin từ bỏ mục tiêu thực sự của mình và rút quân về nước.
Giới chuyên gia quân sự của NATO nhận xét, việc Nga tự đưa ra quy trình rút quân dù không đạt được thành công có thể là “mơ tưởng” (wishful thinking).
Tình huống 3: Nga và Ukraine đồng ý đàm phán
Dmitri Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói rằng, nếu Ukraine thay đổi hiến pháp để chấp nhận một số hình thức “trung lập” hơn là nguyện vọng gia nhập NATO; công nhận các khu vực ly khai ở Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập và Crimea là một phần của Nga; các cuộc tấn công quân sự sẽ dừng lại “trong chốc lát”.
Trong một cuộc phỏng vấn của ABC News, Tổng thống Zelensky của Ukraine nói rằng, ông đã “hạ nhiệt” khi muốn gia nhập NATO vì liên minh quân sự phương Tây “không sẵn sàng chấp nhận Ukraine” và nói rằng “chúng ta có thể thảo luận và tìm ra một thỏa hiệp về cách các vùng lãnh thổ này sẽ tồn tại”.
Tổng thống Zelenskyy nói: “Chúng tôi sẽ không đầu hàng nhưng sẵn sàng cho một cuộc đối thoại“. Trước đó, ông đã thể hiện rằng mình sẵn sàng thỏa hiệp và đề nghị đàm phán về sự trung lập của Ukraine. Điều này đã được chính thức đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Ukraine nhận thức rõ rằng, họ cần một giải pháp thương thảo nhanh chóng để ngăn chặn thất bại hoàn toàn. Zelensky cũng kêu gọi một cuộc gặp trực tiếp với người cai trị Điện Kremlin. Ông nói “Chiến tranh chỉ có thể kết thúc bằng các cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống”.
Trả lời phỏng vấn của cổng thông tin Wirtualna Polska hôm 17-3, Mikhail Podolyak, trợ lý cho tổng thống Ukraine lưu ý, cuộc hội đàm trực tiếp Putin – Zelensky có thể chỉ diễn ra khi một hiệp ước hòa bình giữa Moscow và Kyiv được ký kết.
Podolyak nói thêm: “Ngay sau khi các công việc về thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức cuộc gặp. Nó sẽ diễn ra trong những tuần tới. Địa điểm tổ chức không quan trọng đối với chúng tôi. Nó có thể ở bất cứ đâu, ngoại trừ Nga“.
Putin rất quan tâm đến việc kiềm chế cuộc xâm lược lớn và muốn kết thúc sớm cuộc chiến tranh. Putin đã lên tiếng cam kết “Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine và lật đổ chính quyền Zelensky“ và chấp nhận thương thảo về một nước Ukraine trung lập và phi quân sự.
Báo Financial Times ngày 16/3 đưa tin, “tiến bộ đáng kể” trong đàm phán hòa bình là hai bên đang thảo luận về một dự thảo kế hoạch 15 điểm, bao gồm cả việc Nga rút quân và Ukraine trở thành một quốc gia trung lập dưới sự bảo vệ của các đồng minh phương Tây.
Tình huống 4: Phản kháng chống Putin gia tăng ở Nga
Khả năng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc vì một cuộc nổi dậy ở Nga hoặc thậm chí là một cuộc đảo chính. Giới chuyên gia chính trị không loại trừ hoàn toàn tình huống này. Ngay cả khi Điện Kremlin cố gắng đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập bằng các luật cứng rắn và củng cố quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng các cuộc biểu tình phản chiến vẫn diễn ra ở nhiều thành phố của Nga. Theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất 6.000 người phản kháng đã bị bắt.
Không chỉ người dân Nga bất mãn và ngày càng mất lòng tin vào Tổng thống Putin, sự ủng hộ của giới tinh hoa cầm quyền cũng đang sụp đổ. Một số nhà tài phiệt, thành viên quốc hội và thậm chí cả công ty dầu khí tư nhân Lukoil đang kêu gọi chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Putin được cho là còn an toàn, nhưng điều này có thể nhanh chóng trở thành điều ngược lại nếu xung đột leo thang hơn nữa.
Trước chiến tranh, có hai phe trong Điện Kremlin. Giới kinh doanh trong chính phủ xung quanh Thủ tướng Mikhail Mishustin và cấp phó của ông Andrei Belousov đã lên tiếng phản đối cuộc chiến Ukraine vì lo sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ xảy ra, nhưng phe an ninh mạnh hơn nhiều xung quanh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã hỗ trợ cuộc xâm lược.
Nay Nga bị thấm đòn từ các lệnh trừng phạt. Putin mất sự ủng hộ của công chúng. Có lẽ có nguy cơ về một cuộc cách mạng quần chúng. Giáo sư Sir Lawrence Freedman, Đại học Kings College, London cho rằng: “Hiện nay có khả năng sẽ có sự thay đổi chế độ tại Moscow cũng như ở Kyiv”.
Kịch bản 5: Leo thang xung đột và đối đầu với NATO
Ukraine có biên giới với 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, tất cả đều là thành viên NATO ngoại trừ Moldova, những diễn biến gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng Putin có thể tấn công họ. Nếu tình huống xấu nhất này thành hiện thực, xung đột khu vực sẽ lan rộng khắp thế giới.
Lãnh đạo Toà Bạch Ốc tái khẳng định, Mỹ sẽ không điều binh lính tới Ukraine để trực tiếp đối đầu với các lực lượng Nga tại đây. Thay vào đó, quân Mỹ sẽ được triển khai đến châu Âu để bảo vệ các đồng minh NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia, trong trường hợp Nga quyết định tiếp tục tiến về phía tây.
Những luận điệu về chiến tranh của Putin, theo đó phương Tây sẽ hứng chịu hậu quả thảm khốc nếu tham gia vào cuộc chiến Ukraine, được các chuyên gia gần như nhất trí hiểu là một cử chỉ đe dọa tâm lý. Tuy nhiên, Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn việc Georgia gia nhập NATO.
Hiện tại, Nga không có ý định đưa cuộc chiến sang lãnh thổ NATO và NATO cũng không muốn triển khai quân đội của mình ở Ukraine. Nhưng các sự cố chắc chắn có thể xảy ra, chẳng hạn do tính toán sai lầm hoặc hiểu nhầm trên không hoặc trên Biển Đen giữa các tàu chiến của Nga và NATO. Nhà chính trị học Samuel Charap cảnh báo về những “nguy cơ tai nạn, sự cố hoặc tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh giữa NATO và Nga”. Một tên lửa lạc hoặc một cuộc tấn công mạng có chủ đích có thể đóng vai trò là động cơ khiến chiến tranh leo thang.
Thay lời kết
Nước Nga đã trở thành một đối tác lớn trên toàn cầu trong thập niên 2010. Quốc gia này đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), là nguồn cung năng lượng chính của thế giới và tham gia tích cực vào các thỏa thuận quốc tế lớn, chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nhưng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hiện nay vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia trên thế giới, khiến Moscow hứng chịu một loạt đòn trừng phạt nặng nề.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự vì phương Tây đã biến nó thành cuộc chiến cả mặt trận kinh tế, tài chính và chính trị. Nền kinh tế Nga chịu ảnh hưởng nặng nề, đồng Rúp giảm giá mạnh và nhiều tổ chức tài chính của nước này chao đảo.
Cộng đồng thế giới đã lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow chấm dứt hành động gây hấn. 141 thành viên của Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu tại New York vào ngày 2-3-2022 cho một nghị quyết tương ứng. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, chỉ 5 quốc gia bác bỏ quyết định. Trước cơ quan lớn nhất của Liên Hiệp quốc với 193 thành viên, các đồng minh phương Tây đã cho thấy sự cô lập quốc tế đối với Tổng thống Nga Putin.
Chiến sự Nga – Ukraine không thể kéo dài mãi, mà phải có kết cục. Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, hy vọng tốt nhất là Putin phải thu hẹp các mục tiêu của cuộc chiến khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế. Phương Tây nói rõ là Putin phải bị lật đổ và được thay thế bằng một lãnh đạo ôn hòa hơn, sau đó thì Nga sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và các mối quan hệ ngoại giao được phục hồi./.
Nguồn: Báo Tiếng Dân