Cho đến giờ phút này, khi mà số lượng câu chuyện nổi cộm, trục trặc, bi thảm về đất đai xảy ra trên cả nước mỗi ngày có thể tương đương với vụ tai nạn xe, nghĩa là nơi nào đụng đến cũng thấy trục trặc về đất đai, có dự án đi qua thì có chuyện để buồn về đất đai, ngay cả mua – bán trên thị trường nhà đất cũng có trục trặc… Đáng sợ hơn là các vụ nổi cộm đất đai ngày càng có dấu hiệu bạo động, bạo lực và máu lạnh hơn, phức tạp hơn. Điều này do đâu? Và liệu có chìa khóa để mở cái còng này ra hay không?
Nói một cách nghiêm túc, vấn đề bế tắc đất đai tại Việt Nam quá dễ để giải quyết một cách rốt ráo và điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến sự hiện diện cũng như lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản. Nhưng không hiểu sao đến lúc này, đảng lãnh đạo vẫn chưa đưa ra giải pháp!
Bởi kỳ thực, những năm đầu thống nhất hai miền, đất đai hoàn toàn nằm trong tay đảng lãnh đạo với danh nghĩa đất toàn dân do nhà nước quản lý, trong đó tập thể, hợp tác xã là đại diện nhà nước. Và trong trạng huống này, các thuộc tính của quyền sở hữu gồm Chiếm đoạt; Sử Dụng và; Định đoạt đều nằm trong tay tập thể/đảng cầm quyền. Điều này đã lấy hoàn toàn sức sáng tạo cũng như nhiệt huyết sản xuất của con người ngay trên mảnh đất họ đang đứng, đang ở. Đến năm 1995, Khoán 10 mở ra một chân trời mới, người dân có quyền sử dụng đất ở lâu dài và có ruộng để tự chủ. Điều này trở nên tốt đẹp hơn, kinh tế đất nước khởi sắc hơn bởi bìa đỏ do nhà nước cấp tạo ra cơ hội tự chủ cho người dân và người dân có quyền sang chuyển cơ hội từ tay mình sang tay người khác để cân bằng kinh tế. Thị trường nhà đất chính thức ra đời từ Khoán 10, 1995 (mặc dù trước đó đã có những rục rịch đáng kể từ những người nắm được thông tin bên trong).
Và khi ngành du lịch phát triển, nhu cầu nhà ở tăng cao, các ngành công nghiệp sản xuất phát triển, nhu cầu lương thực ngày càng cao, đương nhiên mối mâu thuẫn giữa các nhóm ngành ngày càng lớn bởi nguyên nhân tiên yếu có tên Nhà Đất. Và sâu xa hơn, căn cốt của vấn đề lại nằm ở quyền sở hữu. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, và đương nhiên đảng, nhà nước quyết tâm không thay đổi bản chất của việc này nên mọi việc trở nên rối rắm.
Sự rối rắm nằm ở chỗ các nhóm tư bản thân hữu ngày càng trở nên mạnh, họ tác oai tác quái và mượn danh nghĩa sở hữu toàn dân – công trình xã hội để thao túng, thậm chí, họ có thể mua chuộc giới quan chức địa phương một cách dễ dàng bởi sức mạnh đồng tiền mà trước khi bước vào “đầu tư”, họ đã nhìn thấy một núi tiền sinh ra cho họ từ cơ chế.
Nghĩa là dựa trên nguyên tắc loại trừ quyền sử dụng đất (thực ra là 1/3 quyền sở hữu, hay nói khác đi là một trong ba thuộc tính để có quyền sở hữu), họ áp dụng giá nhà nước để giải phóng mặt bằng, đền bù nhỏ lẻ, chuyện này xảy ra khắp đất nước và ngay cả người dân cũng mắc vào cái bẫy này khi giao dịch, mua bán đất. Ví dụ giá đất mua bán một lô là một tỉ đồng, giá áp dụng theo bảng nhà nước là vài chục triệu đồng để “trốn thuế”. Đến khi có đền bù giải tỏa thì sao? Đương nhiên người ta áp dụng giá đã khai báo và có cộng thêm chút chênh lệch giá theo thời gian.
Hay nói khác đi là thực tế thị trường đã biến động quá mạnh, cơ quan quản lý thị trường không thể quản lý được giá cả, hoàn toàn không thể ấn định giá chuẩn, trong khi đó, mức giá của nhà nước bấy lâu nay chỉ mang tính tượng trưng. Và mâu thuẫn phát sinh từ chỗ này. Nhưng mâu thuẫn này rất dễ giải quyết nếu nhà nước thực sự muốn ổn định.
Bởi việc nghiên cứu thị trường, cập nhật thực giá trên thị trường là chuyện quá dễ đối với cơ quan quản lý nhà nước. Và muốn cho mọi việc trở nên công tâm, có tính bảo hộ từ phía nhà nước, người dân được nhà nước bảo vệ và căn cứ trên văn bản pháp qui để đón nhận quyền được bảo vệ ấy, thật dễ dàng!
Bởi khi nhà nước tổ chức điều nghiên giá thị trường đúng với chuẩn thật, tổ chức một tổ trọng tài thị trường và can thiệp mọi bất cập, bất công trong giải quyết, đền bù giá đất thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng trước khi tổ chức tổ trọng tài thị trường cũng như giao quyền lực cho họ, phải giao thêm thuộc Tính Định Đoạt cho người dân.
Nghĩa là ngoài quyền Sử Dụng Lâu Dài, người Dân cần có thêm quyền Định Đoạt về giá cả khi có đền bù, giá cả và có thể thương thuyết với nhà đầu tư, với cơ quan giải tỏa đền bù bằng một mức giá sát với giá thị trường lúc đó. Điều này đảm bảo cho người dân tái cấu trúc đời sống sau sự kiện giải tỏa đền bù và tránh được những bất mãn từ phía người dân khi họ cảm thấy mình bị ép buộc, bị oan ức, bất công, đất mình canh tác, ở, sử dụng mấy mươi năm, cải tạo, nâng niu để rồi bị xua đi với vài đồng đền bù rẻ bèo, mạt hạng, sau đó đưa máy ủi vào xúc mọi thứ, cải tạo mặt bằng để bán với giá hàng tỉ đồng…
Mọi bất công và bất mãn xã hội hiện này đều có nguyên nhân từ chỗ miếng ăn và chỗ ở. Một khi chỗ ở được giải quyết ổn thỏa, người dân không bị ức chế, được quyền thương thuyết về chỗ ở của mình mà nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu đất trên danh nghĩa toàn dân, thì chắc chắn, ổn định xã hội sẽ là chuyện trong tầm tay.
Ngược lại, khi các tư bản thân hữu tác oai tác quái và để đổi lợi ích cho một nhóm nhỏ, cả một vùng cư dân bị oan ức thì chẳng bao lâu, sự bức xúc, bất tuân dân sự sẽ diễn ra, không chừng, sự việc sẽ đẩy đi thật xa nếu các mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Một thao tác nhỏ, thêm Quyền Định Đoạt (hoặc chí ít là quyền định đoạt giá cả tương ứng thị trường) vào bìa đỏ nhà đất hoặc bổ sung trên các văn bản pháp qui, không cần điều chỉnh sổ. Thì chắc chắn, mọi khuất tất xã hội sẽ không còn và các doanh nghiệp cũng tự tìm cách làm ăn tử tế, sòng phẵng hơn!
Ngược lại, nếu để tình trạng tư bản thân hữu, lợi ích nhóm múa lân trên thị trường và thò vòi bạch tuộc vào tận cơ quan nhà nước thì chắc chắn, chẳng sớm thì muộn, bạo động xã hội và nội loạn sẽ xảy ra! Điều đó thật đáng sợ, hơn bao giờ hết, lúc này, cần phải có văn bản pháp qui để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Nó có tên Bổ Sung Quyền Định Đoạt Giá Cả Cho Người Sử Dụng Đất – chìa khóa nằm ở chỗ này!