Trung Điền – ViệtTân
Ngay sau khi ông Putin tuyên bố “chiến dịch đặc biệt” tấn công vào lãnh thổ của Ukraine vào rạng sáng ngày 24 tháng Hai, 2022 thì Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây và Nhật Bản đều lên án và tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế tài chánh. Hai ngày sau, Hoa Kỳ đã nâng cấp biện pháp trừng phạt và được Liên Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản ủng hộ nhằm loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống điện tín SWIFT, đồng nghĩa với việc “phong tỏa” hệ thống tài chánh của Nga với hệ thống tài chánh toàn cầu. Đây là một quyết định quan trọng vì không chỉ ảnh hưởng đến thương mại của Nga mà còn khiến nhiều công ty ngoại quốc đang làm ăn với Nga bị liên lụy khó khăn.
SWIFT viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (Hiệp Hội Viễn Thông Tài Chánh Liên Ngân Hàng Toàn Cầu) là một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chánh trên thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chánh, an toàn và bảo mật cao. Nói cách khác, SWIFT không phải là “ngân hàng” chuyển và nhận tiền mà chỉ là nơi chuyển và nhận những thông tin về giao dịch tiền. Hàng ngày hệ thống SWIFT giải quyết hàng triệu yêu cầu thanh toán của 11.000 tổ chức tài chánh, ngân hàng của hơn 200 quốc gia và khu vực. Hiện nay, đồng Mỹ Kim được coi như ngoại tệ được dùng chính cho SWIFT (39,92%) sau đó là đồng Euro (36,56%).
Hiện có 300 tổ chức tài chánh, ngân hàng của Nga giao dịch ngoại hối qua SWIFT mỗi ngày khoảng 42 tỷ đô la – 80% trong số này được tính bằng tiền Mỹ Kim. Mỗi ngày SWIFT giải quyết 42 triệu tin nhắn (2020), trong đó Nga chỉ chiếm 1,5%.
Khi Nga bị loại khỏi SWIFT, những hậu quả sau đây sẽ giáng xuống nước Nga.
1/ Các tổ chức tài chánh, ngân hàng của Nga không còn có thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chánh, ngăn cản nước này xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên một cách hiệu quả.
2/ Ngăn cản Nga nhập khẩu các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và máy móc cho các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, đòn trừng phạt này cũng làm liên lụy đến nhiều quốc gia khác đang buôn bán với Nga.
1/Các tổ chức tài chánh, ngân hàng thế giới hầu như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước Nga, gây cú sốc cực lớn cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt là những bên mua dầu thô và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng đồng Mỹ Kim và Euro. Liên Âu đang phụ thuộc vào Nga 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu.
2/ Các ngân hàng Âu Châu hiện là một trong những ông chủ nợ lớn nhất đối với Nga, chiếm một phần lớn trong số 121 tỷ Mỹ Kim mà Nga đang nợ các ngân hàng ở nước ngoài. Nga sẽ trả nợ cho các nước ngoài như thế nào?
Bộ Trưởng Tài Chánh Pháp gọi đòn trừng phạt SWIFT là “vũ khí hạt nhân tài chánh” đối với nền kinh tế của Nga; nhưng rõ ràng là con dao hai lưỡi vì sẽ gây khó khăn cho hàng loạt công ty đang làm ăn với Nga.
Theo kinh nghiệm của Iran và Bắc Triều Tiên là hai nước đã bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT thì họ đã gặp rất nhiều khốn đốn. Năm 2012 sau khi Iran bị Liên Âu trừng phạt vì chương trình hạt nhân, các ngân hàng của Iran đã không còn được tham gia vào mạng lưới SWIFT trong giao dịch tài chánh quốc tế. Hậu quả là Iran mất gần một nửa doanh thu xuất nhập khẩu dầu và hơn 30% hoạt động ngoại thương bị tê liệt và nền kinh tế rơi vào tình trạng phá sản kéo dài đến năm 2017 mới được phép trở lại SWIFT sau khi phương Tây bỏ cấm vận. Còn Bắc Triều Tiên thì có thể nói là sống “thoi thóp” và nhờ vào “bình dưỡng khí” qua các giao dịch thương mại với Trung Quốc mà thôi.
Tóm lại, việc dùng biện pháp SWIFT để trừng phạt Nga là đòn “chẳng đặng đừng” khi mà Putin đã bất chấp luật lệ quốc tế xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Tuy biết là gặp những khó khăn khi làm ăn với Nga, nhưng các tập đoàn kinh tế thế giới như Tập đoàn BP của Anh, đã nhìn thấy rằng, muốn cứu nền hòa bình Âu Châu và cứu cả những tài sản của công ty họ, ít ra “vũ khí hạt nhân tài chánh” phải là đòn dứt điểm tham vọng của Putin.
Trung Điền