Họ lấy một số bài viết của người này, người kia và bảo đó là nhân dân. Nếu tổ chức thăm dò dư luận một cách nghiêm túc … có lẽ sẽ có đến 99,9 % người Việt Nam không đọc và không muốn đọc sách viết về ông Trọng.
Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức… Lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN (1).
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng, Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN tổ chức… Lễ ra mắt ấn phẩm liên quan đến ông Trọng. Ấn phẩm được tổ chức ra mắt hồi tháng 11 năm ngoái cũng giới thiệu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” kèm theo “Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (2).
Nói cách khác, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng chỉ viết có một bài hồi tháng 5 năm ngoái nhưng bài này được chế thành hai cuốn sách. Cuốn đầu tiên đính kèm “dư luận trong nước và quốc tế” ca ngợi cá nhân ông Trọng và bài viết đó. Cuốn thứ hai đính kèm 28 bài viết, bài phát biểu khác của ông Trọng từ khi xây dựng Văn kiện Đại hội 13 của đảng CSVN đến nay.
Khoan bàn đến chất lượng về nội dung, khoan bàn đến… nhuận bút, ai cũng thấy, chắc chắn chi phí in ấn, phát hành, tổ chức ra mắt cả hai ấn phẩm vừa kể với sự tham dự của đại diện đủ loại ngành, cấp, thuộc cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền không nhỏ? Ai chịu những chi phí đó? Công quỹ! Ai tin những ấn phẩm đó có độc giả và quan trọng hơn, thật sự hữu dụng đến mức cần dùng công quỹ?
Rõ ràng rút công quỹ tổ chức quảng cáo cho ông Trọng đang là… phong trào. Ngoài hai ấn phẩm vừa đề cập, hồi hạ tuần tháng trước, Báo Nhân dân và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cũng tổ chức rầm rộ lễ ra mắt ấn phẩm không phải là trước tác của ông Trọng nhưng mục đích cũng y hệt như thế: Ca tụng ông Trọng! Tên ấn phẩm ấy là “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (3).
***
Nếu theo dõi phản ứng trên mạng xã hội về ba ấn phẩm ca ngợi ông Trọng được quảng cáo rầm rộ trong ba tháng, ắt sẽ thấy, chẳng bao nhiêu người bận tâm đến nội dung cũng như chất lượng của ba ấn phẩm ấy. Thiên hạ chỉ bày tỏ sự bất bình vì hai lý do: Thứ nhất, tại sao cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại xúm vào tâng bốc ông Trọng như vậy. Thứ hai, tại sao ông Trọng chống… nịnh nhưng lại để điều này xảy ra?
Sau khi Nhân dân tổ chức ra mắt cuốn “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Nguyễn Huyền gửi cho Việt Nam Thời báo bài “Cần nghiêm khắc kiểm điểm Tổng biên tập báo Nhân dân”. Lý do: Cứ xem lại lịch sử của ngành phát hành sách Việt Nam, sẽ thấy là không thể tìm ra những cuốn sách ca tụng kiểu như “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” và “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”. (Ấn phẩm “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế” được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in và phát hành năm 2019). Theo Nguyễn Huyền: nịnh nọt người đứng đầu đảng là hành vi tiêu cực cần phải bị xử lý nghiêm khắc.
Theo ông Huyền: Cần hết sức cẩn trọng với kiểu nịnh nọt bằng sách vở như thế bởi lúc nào đó nó có thể khiến cá nhân ông Trọng trở nên tự mãn, ảo tưởng về “hào quang” của bản thân, ngỡ mình đã là người tài ba, xuất chúng. Còn theo một số độc giả của Việt Nam Thời báo như Messenger Việt Nam thì: Nguyên nhân cốt lõi nằm ở người khoái được nịnh. Duong Le cũng nhận định gần giống như vậy: Thích được nịnh thì người ta mới xúm lại nịnh … người thích nịnh (4)!
Trong một cuộc trò chuyện với VOA về những sự kiện như đã đề cập, ông Nguyễn Quang A giải thích yếu tố “nhân dân” trong những ấn phẩm được xuất bản để ca ngợi ông Trọng: Họ lấy một số bài viết của người này, người kia và bảo đó là nhân dân. Nếu tổ chức thăm dò dư luận một cách nghiêm túc, ví dụ hỏi ngẫu nhiên khoảng một ngàn người trên toàn quốc, đừng buộc nêu danh tính thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác, có lẽ sẽ có đến 99,9 % người Việt Nam không đọc và không muốn đọc sách viết về ông Trọng.
Một số độc giả của VOA như Tri Le góp thêm: Muốn biết người ta có ngưỡng mộ mình hay không thì tổ chức bầu cử tự do đi là biết liền. Vũ Phạm Ngọc Linh than: Đẳng cấp nịnh ở Việt Nam đã được nâng lên cấp thối tha mới! Phong Nguyen so sánh: Y chang Trung Quốc (5)…
***
Tháng 7/2019, hưởng ứng chủ trương “chống nịnh bợ, lấy lòng cấp trên” do ông Trọng khởi xướng như một trong những giải pháp để chỉnh đốn đảng, sau đó được Thủ tướng đương nhiệm lúc ấy đưa vào trong Đề án Văn hóa công vụ, rồi được đưa vào Dự luật Cán bộ công chức, Dự luật Viên chức… tờ Quân đội nhân dân – cơ quan truyền thông hết lòng hộ đảng giới thiệu… “Đẩy lùi thói xu nịnh – ngăn chặn mối nguy hại khôn lường”…
Bài viết vừa dẫn nương theo ý kiến của ông Phạm Minh Chính, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN: Nịnh hiện đang là căn bệnh nan y – để báo động về căn bệnh nan y, bệnh nịnh bợ! Nịnh đã biến tướng đa dạng và phát triển với nhiều hình hài, phương thức… Không chỉ nịnh bằng lời lẽ ngon ngọt mà còn thể hiện sự nịnh một cách tinh vi, thông qua nhiều kênh, nhiều phương tiện vật chất, cơ chế, chính sách…
Không chỉ vậy, nịnh còn tác động trực tiếp đến chất lượng công tác cán bộ trong đảng. Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được “làm bề trên” nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ tốt mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến.
Hơn thế, người xu nịnh và cán bộ thích nịnh mặc nhiên trở thành “cặp bài trùng” có chung lợi ích nên tất yếu dẫn đến phe cánh, cục bộ, gây mất đoàn kết và hình thành lợi ích nhóm… Đó là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh ung nhọt, nảy nở tiêu cực, tham nhũng và những biểu hiện tha hóa, biến chất ở cán bộ, đảng viên…
Muốn loại bỏ hoàn toàn “căn bệnh xu nịnh”, giải pháp tiên quyết phải bắt đầu từ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Nếu người đứng đầu thực sự liêm chính, không thích xu nịnh thì cấp dưới nhất định sẽ không dám giở trò “mật ngọt chết ruồi”.
Người lãnh đạo phải tỉnh táo, biết đánh giá bằng kiến thức, kinh nghiệm và lương tâm đạo đức để xem ai nịnh bợ, ai khen thật lòng thông qua cách thức thể hiện của họ. Khi cấp trên làm được như vậy thì tất yếu cấp dưới sẽ phải giữ gìn sự tự trọng và phép tôn nghiêm kỷ luật; tự giác trui rèn phẩm chất, năng lực, lấy đó làm thước đo nhân cách và phương thức thăng tiến duy nhất, thay vì phải xu nịnh nhiễu nhương (6).
Tờ Quân đội nhân dân không thuộc dạng bất trung với đảng, bất kính với lãnh tụ, thành ra cứ mạnh dạn đem so những nhận định, ý kiến được giới thiệu trên tờ báo này về “bệnh nịnh bợ” với các ấn phẩm liên tục được xuất bản chỉ để ca tụng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thấy nhân vật kêu gào… “nêu gương” là loại gương nào, tốt hay xấu và có phải chính ông đang… “tự diễn biến, tự chuyển hóa” hay không!
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/ra-mat-sach-cua-tong-bi-thu-ve-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-post1427973.html
(4) https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1775390919324249
(5) https://www.facebook.com/VOATiengViet/posts/10158774448688008