Cho dù thành tích của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam vượt xa Đội tuyển Bóng đá nam, nhưng các nữ cầu thủ chỉ được nhắc tới khi đạt thành tích vượt trội rồi… thôi!
Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa chúc mừng các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ của quốc gia giành được vé tham dự Vòng Chung kết Giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới (Women’s World Cup) do FIFA tổ chức ở Australia và New Zealand vào năm tới, sau khi thắng Đội tuyển Bóng đá nữ của Đài Loan 2-1 (1).
Đây là lần đầu tiên trong bóng đá, Đội tuyển Việt Nam giành được quyền tham dự Vòng Chung kết của Giải Vô địch Bóng đá Thế giới nên chuyện chúc mừng là tất nhiên.
Tuy nhiên, nếu quan tâm đến bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nữ ở Việt Nam nói riêng, người ta dễ ngơ ngẩn và ngậm ngùi về câu, từ của Chủ tịch Nhà nước…
Ví dụ Chủ tịch Nhà nước… bày tỏ niềm vui, niềm tự hào của người hâm mộ Việt Nam khi dõi theo cả quá trình tập luyện và thi đấu, nhất là được chứng kiến những giây phút các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam làm nên chiến thắng, ghi dấu mốc lịch sử đối với nền bóng đá Việt Nam…
***
Cứ dùng Google với một số từ khóa, chẳng hạn “bóng đá nữ”và ”phân biệt đối xử”,… sẽ thấy thân phận của những phụ nữ yêu thích bóng đá và chọn con đường làm nữ cầu thủ bóng đá tại Việt Nam thế nào, bao nhiêu người thật sự… “dõi theo cả quá trình tập luyện và thi đấu” của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam như Chủ tịch Nhà nước vừa chúc mừng!
Cho dù thành tích của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam vượt xa Đội tuyển Bóng đá nam (ba lần Vô địch Giải Bóng đá nữ Đông Nam Á, sáu lần giành Huy chương vàng SEA Games dành cho bóng đá nữ, tám lần có mặt tại vòng bảng của Cúp Bóng đá nữ khu vực châu Á) nhưng các nữ cầu thủ chỉ được nhắc tới khi đạt thành tích vượt trội rồi… thôi!
Trước, nhiều người Việt từng lắc đầu khi tình cờ được biết nữ cầu thủ đội tuyển quốc gia thiếu đủ thứ từ trang bị cá nhân, tiện nghi tập luyện, đến ăn, ở, chăm sóc y tế. Giờ cũng thế. Sau khi các cầu thủ nữ Đội tuyển Bóng đá nữ của quốc gia giành được một vé tham dự Vòng Chung kết FIFA Women’s World Cup 2023, một số người tiếp tục nhắc lại chuyện nhiều người đã biết, họ không có lương, mỗi ngày tập luyện được trợ cấp từ 60.000 VND đến 100.000 VND. Khi khoác áo đội tuyển quốc gia ra sân thỉ được trả thêm tiền ăn từ 90.000 VND đến 200.000 VND. Thu nhập bình quân từ ba triệu VND đến bốn triệu VND, cao nhất cũng chỉ từ bảy triệu VND đến tám triệu VND (2)…
Đó cũng là lý do các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam phải làm thêm nhiều nghề khác nhau để có thể tiếp tục làm… “nữ chiến binh áo đỏ”, để những viên chức hữu trách như Chủ tịch Nhà nước thỉnh thoảng lại nhân danh người hâm mộ bày tỏ… sự tự hào về tinh thần quả cảm, tinh thần của những “con cháu Bà Trưng, Bà Triệu”!
Sau những tuyên bố về cảm xúc… “tự hào” đó là gì? Hồi tháng 8/2019, một số cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam tường thuật… những nữ cầu thủ – Đội Tân Vô Địch Bóng đá nữ Đông Nam Á hồi hương trong vắng lặng. Họ bảo với báo giới, họ không chạnh lòng vì đã… quen với chuyện này (3)!
Đầu tháng 3 năm 2020, vài cơ quan truyền thông chính thức nêu thắc mắc, tại sao Chương Thị Kiều không được sắp xếp để phẫu thuật sớm? Hai tháng sau khi bị chấn thương, nữ cầu thủ giữ vai trò Trung vệ, một trong những trụ cột của Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia này vẫn phải chờ, trong khi chỉ một tuần sau khi bị chấn thương, hai cầu thủ khác của Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia đã được sắp xếp để đưa sang Nam Hàn và Singapore phẫu thuật (4).
Hôm 6 tháng 2 vừa qua, Chương Thị Kiều được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trong trận đấu giữa Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam và Đội tuyển Bóng đá nữ Đài Loan. Cô gái người Kh’mer này theo đuổi bóng đá từ năm 15 tuổi, đã bị chấn thương vài lần phải nghỉ tập luyện, thi đấu và kiếm sống bằng nghề làm tóc (5)…
***
Không phải tự nhiên mà kẻ viết bài này nghe Chủ tịch Nhà nước Việt Nam chúc mừng các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia lại nhớ đến… “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan (6)… Đại khái, vì… “Tinh thần thể dục”, tỉnh ra lệnh cho huyện, huyện chỉ đạo cho xã phải dẫn đủ 100 người đi xem đá bóng. Người Việt thời đó sợ đi xem đá bóng theo chỉ đạo do phải ăn mặc tử tế, vác cờ, cuốc bộ tới huyện, phải vỗ tay luôn luôn vì hôm ấy có nhiều quan khách nên họ… trốn hay hối lộ cho Lý trưởng để được ở nhà. Vào… ngày trình diễn “Tinh thần thể dục”, lý trưởng tuy tận tâm, cử tuần đinh lùng sục từng nhà, bới cả đụn rơm, bồ trấu, cót gio,… nhưng chỉ gom được 96 người!
Có một thời, “Tinh thần thể dục” được đưa vào sách giáo khoa để giúp học sinh nhận diện… chính sách lừa bịp, mị dân của thực dân, phong kiến. Nay, chẳng rõ “Tinh thần thể dục” còn trong sách giáo khoa hay không nhưng so cách hành xử với Đội tuyển Bóng đá nữ của quốc gia và Đội tuyển Bóng đá nam của quốc gia, có thể thấy, nguyên nhân dẫn tới lối xử sự “bên trọng, bên khinh” không phải là khác biệt trong nhận thức liên quan tới giới tính mà nằm ở chỗ, một bên có đám đông, một bên… không!
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/chau.t.phan/posts/10220701617905441
(3) https://vnexpress.net/tuyen-nu-viet-nam-tro-ve-trong-vang-lang-3974407.html
(5) https://isach.info/story.php?story=tinh_than_the_duc__nguyen_cong_hoan