TS Phạm Đình Bá (VNTB)
Lịch sử cạnh tranh giữa phương Tây và Liên Xô cho thấy rằng các cơ hội để thay đổi cán cân quyền lực thế giới xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ nhất.
Mô hình kinh tế của Trung Quốc, thường được coi là “tư bản nhà nước”, giờ đây được mô tả rõ hơn là mô hình tư bản của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó sự tồn tại chính trị của đảng là một mệnh lệnh tuyệt đối, vượt trội hơn các mục tiêu phát triển.[1] Các công cụ của mô hình nầy để quản lý nền kinh tế không chỉ bao gồm quyền can thiệp của đảng vào thị trường, mà còn tăng cường sử dụng quyền lực của đảng và nhà nước để kỷ luật tư nhân. Các doanh nhân Trung Quốc hiện được cho là sẽ phải tuân theo đường lối của đảng. Các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc cũng phải tuân thủ như vậy.
Cách triển khai mô hình nầy đang gây ra phản ứng mạnh từ các nước tự do dân chủ khi các nước nầy coi việc cưỡng chế để có sự hợp nhất giữa lợi ích nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ.
Những suy nghĩ gần đây khẳng định rằng liên minh các nước với xã hội mở đang cạnh tranh với ĐCSTQ, không phải cạnh tranh với “Trung Quốc”.[2] Những nhận định nầy cũng cho rằng cuộc cạnh tranh với ĐCSTQ đang được định hướng xung quanh một loạt câu hỏi “đã biết là chưa biết” (known unknown), ví dụ như:
1) ĐCSTQ sẽ nắm quyền trong bao lâu?
2) Trật tự thế giới sẽ ra sao khi ĐCSTQ chấm dứt?
3) Quá trình chuyển đổi quyền lực ở Trung Quốc sẽ mang tính tiến hóa hay cách mạng?
Nghiên cứu gần đây về những câu hỏi này đã dần dần hình thành một khuôn khổ cho liên minh các xã hội mở để cạnh tranh với ĐCSTQ. Khuôn khổ mới hình thành nầy mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách và hoạch định chiến lược. Đầu tiên, nó tập trung mục tiêu của cuộc cạnh tranh đúng vào trung tâm quyền lực thực sự ở Trung Quốc. Hơn nữa, nó định hướng chiến lược cạnh tranh và thiết kế cho một trật tự thế giới mới khi ĐCSTQ không còn ở vị trí độc quyền nữa.
Làm thế nào để liên minh có thể chuẩn bị cho ngày mà ĐCSTQ hết cầm quyền? Trước tiên, liên minh cần hiểu rõ hơn về các đòn bẩy có hệ thống và các công cụ kiểm soát mà ĐCSTQ dùng để duy trì quyền lực. Có thể khó, và không nhất thiết phải có giá trị, để hiểu sâu về “hoạt động bên trong” của bộ máy ĐCSTQ. Nhưng liên minh cần phải hiểu “những bài học” mà ĐCSTQ rút ra từ sự sụp đổ của đảng cộng sản Liên Xô và các hệ thống mà ĐCSTQ đang áp dụng để đảm bảo sự tồn tại quyền lực của đảng.
Thứ hai, liên minh cần tổ chức một nỗ lực toàn cầu để thách thức khả năng của ĐCSTQ trong việc xuất khẩu mô hình và kỹ thuật quản trị chuyên chế ra nước ngoài. Bảo vệ và củng cố một hệ thống quốc tế nhấn mạnh đến bảo vệ quyền con người sẽ củng cố lợi thế của các xã hội mở và đẩy lùi ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTQ.
Thứ ba, đặt ưu tiên lên việc cạnh tranh với ĐCSTQ và một trật tư thế giới mà các xã hội mở muốn thiết lập là cần thiết để tạo lập chính sách kinh tế, nỗ lực đổi mới, phát triển công nghệ và khoa học, thiết kế quân sự, và hoạt động thông tin, cũng như làm việc trong các lãnh vực khác. Những nỗ lực này phải được thực hiện với tốc độ bền vững, phân tích rủi ro cẩn thận và phân bổ nguồn lực tương xứng. Mặc dù các xã hội mở không nhất thiết phải thách thức ĐCSTQ ở mọi nơi, nhưng liên minh các xã hội mở phải trở thành chiến lược và lựa chọn những mục tiêu cạnh tranh toàn cầu nhất định với ĐCSTQ.
Lịch sử cạnh tranh giữa phương Tây và Liên Xô cho thấy rằng các cơ hội để thay đổi cán cân quyền lực thế giới xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ nhất. Khả năng của liên minh các xã hội mở trong việc tận dụng các cơ hội mới nổi và không lường trước được sẽ phụ thuộc vào nguồn năng lượng chiến lược có thể được triển khai đúng thời điểm. Liên minh cần phải chuẩn bị cho các tình huống và cơ hội khác nhau. Đôi khi, những cơ hội này có thể cho phép liên minh khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của các trung tâm quyền lực có thể đóng vai trò thay thế cho ĐCSTQ.
______________
Tài liệu:
- Pearson, M., M. Rithmire, and K.S. Tsai, Party-state capitalism in China. Current History, 2021. 120(827): p. 207-213.
- Bebber, R.J., The Unasked Question: Will the Chinese Communist Party Endure? Orbis, 2021. 65(2): p. 275-284.