Bức ảnh minh hoạ tôi gắn kèm theo đây là một bức tranh nổi tiếng. Nó được vẽ tại Paris vào mùa thu năm 1786 bởi danh hoạ 83 tuổi tên là Jacques Louis David. Bức tranh mô tả Socrates sau khi bị dân chúng thành Athens kết án tử hình, tay ông đang chuẩn bị cầm cốc thuốc độc, vây quanh ông là những bạn bè đau khổ. Nếu ai có chút ít kiến thức về triết học đều biết Socrates là một nhà triết học. Công việc của ông ấy chỉ là đặt ra những câu hỏi. Những câu hỏi ấy rất bình thường, nhưng có vẻ hơi kỳ cục như: Tại sao anh lại lao động? Lý do tại sao anh chị lại kết hôn? Tại sao phải hiến tế lễ vật cho các vị thần?… Nói chung, đấy có thể là bất cứ câu hỏi nào, dù nó có thể đi ngược với thói quen, với niềm tin của những người xung quanh ông. Nguy hiểm là ở chỗ đó.
Người Hy Lạp xưa kia vốn rất tin vào các vị thần: thần tình yêu, thần săn bắn, thần chiến tranh, thần mùa màng, thần lửa, thần biển… Họ thờ cúng và hiến tế rất nhiều trong các điện thờ. Họ coi việc sở hữu nô lệ là bình thường, đến nỗi có khoảng 1/4 số người sống ở Athens là nô lệ của ai đó. Họ cũng coi trọng chiến đấu và tôn thờ lòng dũng cảm. Một người đàn ông chỉ được thừa nhận khi biết chém đầu đối thủ trên chiến trường.
Với một tình trạng xã hội như vậy, nhiều người dân Hy Lạp người ta coi những câu hỏi của Socrates là báng bổ. Vì thế ông cũng không hỏi được những câu cắc cớ như vậy được lâu, vì đến mùa xuân năm 399 trước công nguyên, có 3 người dân Athens đã kiện nhà triết học này ra toà. Ông bị buộc tội không tôn trọng các vị thần, truyền bá những tôn giáo mới, và làm hư hỏng thanh niên vì những câu hỏi tại sao. Với những cáo buộc nghiêm trọng như vậy, ông bị kết án tử hình.
Socrates bị tống vào ngục, bị bắt phải uống thuốc độc. Nhưng cái chết của ông rồi sau này được đánh giá là bước ngoặt làm thay đổi lịch sử triết học, thay đổi tư duy con người, và góp phần làm ra thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống ngày nay.
Ngày nay, đa phần trên thế giới người ta có thể thoải mái hỏi nhau những câu hỏi vì sao. Nhưng có một nơi mà có một số điều là cấm kỵ. Tuyệt đối cấm kỵ. Ví dụ như: Tại sao ông kia lương thấp mà nhà lại to, mả lại to, con cái lại có thể đi du học nước ngoài? Tại sao thuế nhiều mà đường lại xấu thế? Tại sao môi trường bị ô nhiễm? Tại sao rừng bị phá hoại? Tại sao công bộc của dân ăn lương từ thuế của dân, mà lại không bảo vệ dân? Tại sao tôi bị cướp đất? Tại sao giáo dục và y tế xuống cấp? Ai phải chịu trách nhiệm? Tại sao đất nước phải đi con đường này mà không phải là con đường kia? Tôi có thể lên thay thế những người lãnh đạo hiện tại được không?… 63 người vừa bị bắt trong năm 2021 và nhiều người khác bị bắt trong các năm trước đó là vì họ đã dám hỏi những câu hỏi rất bình thường kiểu như vậy!
Dáng điệu Socrates trong bức tranh của danh hoạ Jacques Louis David đang hờ hững giơ tay đỡ lấy chén thuốc độc. Nhưng ông vẫn xoay người về phía khác, như đang còn mải tranh luận về một chủ đề triết học nào đó. Với ông, việc đặt ra câu hỏi tại sao và tìm cách trả lời chúng còn quan trọng hơn cả cái chết của mình. Theo như Plato, trước khi bị kết án, Socrates đã ngạo nghễ nói với bồi thẩm đoàn rằng: “Miễn là tôi còn thở và còn khả năng, tôi sẽ không bao giờ ngừng thực hành triết học, khuyến khích các vị, và làm sáng tỏ sự thật cho tất cả mọi người tôi gặp… Và thưa các quý ông… dù các vị có tuyên bố tôi trắng án hay không thì các vị cũng biết rằng tôi sẽ không thay đổi những gì tôi đã làm, kể cả khi tôi có phải chết cả trăm lần”.
Socrates đã chết đi, để chúng ta được sống trong thế giới văn minh ngày nay. Nếu không biết hỏi tại sao, với mọi điều, thì có lẽ bây giờ trong nhân loại, nhiều người vẫn đang phải làm nô lệ cho ai đó. À mà tôi xin hỏi, bạn và tôi có thực sự là người tự do và làm chủ cuộc đời mình hay không? Chúng ta có thực sự được tự do làm những điều mà pháp luật không cấm hay không?
Hãy cứ tiếp tục đặt câu hỏi, như những người vừa mới bị bắt, hay như Socrates vĩ đại khi xưa… vì khi ấy, bạn mới có thể sống “như là” một con người tự do, và con cháu chúng ta mới có cơ may được sống một cuộc đời tự do đích thực, trên chính mảnh đất này!
Yêu thương tất cả!