Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Một lần nữa, vấn đề “quyền anh, quyền tôi” lại được người đứng đầu chính phủ nhắc lại như một điệp khúc xưa vọng lại về tình trạng cai trị xộc xệch của bộ máy độc tài.
“Vẫn còn đâu đó tâm lý ‘quyền anh, quyền tôi,’ tư tưởng cục bộ ‘cát cứ thông tin’…” đó là lời than vãn của ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính vào chiều ngày 18 tháng Giêng vừa qua, khi ông tham dự một cuộc họp với các địa phương về chủ trương làm sao thành công trong việc chuyển đổi số trong nước. Sự than thở đó căn cứ vào thực trạng ở những nơi mà hình thức sứ quân đang vô cùng phổ biến.
Ý của ông Chính là vẫn còn tình trạng cát cứ ở địa phương. Đây là một vấn đề xưa như trái đất, nhưng rất khó giải quyết và nói cho dễ hiểu đó là tình trạng địa phương giữ lấy quyền riêng, không muốn trung ương đặt để quá nhiều lên các quyết định ở địa phương. Đặc biệt là trong thời gian hơn một năm chống dịch, “quyền anh, quyền tôi” đã bộc phát mạnh mẽ khi những biện pháp chống dịch đưa ra tròng tréo, mâu thuẫn giữa bộ này, cơ quan kia.
Nguyên do tạo ra vấn nạn “quyền anh, quyền tôi” này là do quy luật “xin-cho” của hệ thống bao cấp trong chế độ cộng sản có từ rất xa xưa. Đây cũng là quy luật cộng sinh, tuy bất thành văn nhưng đã trở thành một thứ luật lệ chính đáng, là con đường sống giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Ngay trong đời sống hàng ngày của người dân, xin-cho cũng là điều tâm niệm không thể không thuộc lòng nếu muốn được việc. “Quyền anh, quyền tôi” từ đó nảy sinh như một thứ ung bướu của chế độ tập quyền nhằm vào mục đích trục lợi của giai cấp cán bộ nhà nước.
Cán bộ đảng, cán bộ nhà nước mọi cấp thường tự hào là “đày tớ nhân dân,” với mức lương theo quy định, thật sự chỉ là mức lương chết đói, không đủ một vài bữa sáng hạng sang. Nhưng họ nhất định phải sống một đời sống cao sang để có thể thưởng thức dĩa thịt bò cao cấp “rắc muối” trong một nhà hàng danh giá. Tuy nghèo nhưng vẫn phải có xe hơi đời mới để đi lại, phải có biệt phủ, có khả năng tài chánh cho con du học tự túc nước ngoài. Ngoài ra còn biết bao nhiêu chi tiêu cho tiệc tùng giao tiếp hàng ngày cho xứng đáng với danh nghĩa và quyền chức mà đảng ban cho.
Khi muốn duy trì cuộc sống xa hoa hào nhoáng này mãi mãi, nếu không áp dụng quy tắc xin-cho một cách triệt để thì làm sao cán bộ có tiền mua nhà ở ngoại quốc và cho con cái đi du học. Làm sao có hàng triệu đô-la để chạy thủ tục xin thẻ xanh hay mua quốc tịch nước ngoài? Làm sao có bạc triệu gởi ngân hàng nước ngoài để chân trong chân ngoài và sẵn sàng bỏ chạy cho kịp thời cơ? Mà đã muốn quy chế xin-cho tồn tại và phát triển thì tâm lý “quyền anh – quyền tôi” phải duy trì để các sứ quân thời xã hội chủ nghĩa có thể cộng sinh.
Đây là nguyên tắc cố hữu của chế độ độc tài khi đảng và nhà nước kiểm soát tất cả. Nó chỉ có thể bị chấm dứt khi người dân triệt bỏ được chế độ một đảng – nơi nó được sinh ra và nuôi dưỡng.
Phạm Nhật Bình