Tiên Sa – (VNTB) – “Cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ và bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật, ngăn ngừa những tác động không đúng đắn vào hoạt động tư pháp”.
Đó là nội dung bàn luận tại Hội thảo do Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức với chủ đề: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Đây là hội thảo quốc gia lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, tiếp sau hội thảo lần thứ nhất tổ chức tháng 12-2021 với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong một tham luận do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trình bày có đoạn khá tù mù về ngữ nghĩa: “Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nguyên tắc đặc thù về tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là giá trị văn minh trong Nhà nước pháp quyền hiện đại được ghi nhận thể chế hóa và thực hiện. Tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được kiện toàn đổi mới chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp đã được nâng cao hơn…”.
Với cụm từ nhận xét “Thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp” cho thấy ở đây tất cả đều lệ thuộc vào cái gọi là “chủ trương của Đảng”, tức chủ trương này thực ra là của nhóm người quyền lực được gọi là Bộ Chính trị. Trong khi đó về nguyên tắc bất chấp thể chế chính trị, thì sự độc lập của tư pháp, bất kể các quyền lực và nhiệm vụ cụ thể mà hiến pháp trao cho nó, là một phần thiết yếu bảo đảm hiến pháp được thi hành đúng.
Sự độc lập của tư pháp là hòn đá tảng của pháp quyền, theo đó, đòi hỏi sự áp dụng và giải thích luật bình đẳng và không thiên vị. Đây cũng là yêu cầu thiết yếu cho việc thực thi các điều khoản về quyền con người cũng như các bảo đảm khác của hiến pháp, nó cũng tăng cường khả năng của tư pháp tham gia một cách độc lập và có ý nghĩa vào việc giải quyết các tranh chấp và vào quá trình kiểm hiến.
Tư pháp độc lập là khái niệm nhấn mạnh vào việc nền tư pháp nên tách biệt hoàn toàn với các nhánh khác của chính phủ, đồng nghĩa tòa án không nên chịu tác động không chính đáng từ các nhánh khác hoặc từ lợi ích tư nhân hay lợi ích đảng phái.
Tuy nhiên ai cũng biết cách hiểu về “độc lập tư tưởng”, về “quyền con người” ở Việt Nam có sự khác biệt đáng kể so với cách hiểu chung của thế giới. Cụ thể, ở Việt Nam người ta không được phép chê trách Đảng dù chỉ là trong tâm tưởng, bởi trách cứ Đảng sẽ được mặc nhiên hiểu là chống Nhà nước, chống chính quyền nhân dân, và người đó rất có thể đối mặt bản án hình sự của nhóm tội về “An ninh quốc gia”.
Ở Việt Nam, trong cái gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa các cấp tòa án không chỉ là mối quan hệ về tố tụng, mà còn là mối quan hệ cấp trên, cấp dưới. Các cơ quan tòa án thực hiện thẩm quyền của mình tuy tiếng là độc lập, nhưng đa phần vẫn thực hiện thỉnh thị án với các tòa án ở tầng cao hơn.
Mặt khác, giữa tòa tối cao với Thủ tướng và Quốc hội tồn tại mối quan hệ mang tính chất báo cáo công tác, và tố tụng trong nhiều vụ án phải chịu sự định hướng của Bộ Chính trị. Có nghĩa là Tổng bí thư được phép tạo ra áp lực đối với việc thực thi chức trách bình thường của các thẩm phán qua những vụ án được gọi là “vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo”.