Những ai chưa từng đến Úc, chưa trải qua các thủ tục xin thị thực, hoặc không hiểu các luật về di trú, thì sẽ khó mường tượng được sự rắc rối và có khi phức tạp, của các vấn đề liên quan đến Đạo Luật Di Trú 1958 (Migration Act 1958) của Úc.
Vấn đề bị từ chối nhập cảnh Úc (Immigration clearance) là chuyện xảy ra thường xuyên, hầu như mỗi ngày. Nhưng ít người biết. Chỉ có người liên hệ trực tiếp và các nhân viên công quyền biết. Con số này được Bộ Nội vụ báo cáo công khai hàng năm và trình lên quốc hội.
Nhưng sự kiện Novak Djokovic, ngôi sao quần vợt số một thế giới hiện nay, bị giữ trong trại giam di trú (khách sạn) từ ngày 6 tháng Giêng đến hôm nay, đã trở thành đề tài nóng hổi tại Úc, và chiếm sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.
Có hai xu hướng ủng hộ và phản đối quyết định từ chối nhập cảnh của chính phủ Úc đối với Djokovic. Trên các mạng truyền thông xã hội, cả hai đều trình bày quan điểm và lập luận của mình. Phần lớn còn lại quan sát diễn biến của sự kiện này diễn ra tại toà án Federal Circuit Court tại Victoria.
Có nhiều người không thể tưởng tượng được vì sao Úc lại không chấp nhận cho Djokovic nhập cảnh lần này. Hơn chục năm qua, Djokovic đã đến đây thi đấu, đã lấn áp và thắng giải Australian Open đến 9 lần. Năm nay Djokovic muốn trở lại giành giải lần thứ 10, và nếu thành công thì sẽ là ngôi sao quần vợt chiếm được nhiều giải Grand Slam nhất từ trước đến nay: 21 lần. Sẽ vượt qua Roger Federer, chiếm 20 giải Grand Slam.
Cho nên trận đấu kỳ này rất quan trọng đối với Djokovic về kỷ lục thế giới.
Những người hâm mộ Djokovic, hay không hâm mộ, đều có vẻ rất nóng lòng muốn biết kết quả phiên tòa hôm nay.
Có vài điều đáng nói về việc giam giữ Djokovic trong những ngày qua và phiên toà hôm nay.
Đầu tiên là thủ tục nhập cảnh Úc. Bình thường, ngay cả trước đại dịch Covid-19, nhập cảnh Úc là cả một quy trình phức tạp rắc rối nếu không làm theo đúng luật/quy định. Khi visa được cấp không có nghĩa là người có thị thực sẽ đương nhiên được nhập cảnh. Nó đòi hỏi bao nhiêu điều kiện và giấy tờ tùy thân khác nhau: vấn đề lý lịch và liên quan đến tội phạm trước đây, nếu có; hay mục đích đến đây có đúng với thị thực cho phép không; các giấy tờ tùy thân có xác định người có thị thực không; có mang những đồ cấm, phi pháp vào nước không? V..v…
Trong trường hợp của Djokovic thì vấn đề khác thường. Bởi vì nó liên quan đến Covid-19. Nên điều kiện được vào Úc có thay đổi, rằng ai cũng phải tiêm chủng hoàn toàn, hoặc chứng minh vì sao không thể tiêm chủng.
Thị thực của Djokovic được cấp một cách tự động dựa trên lời khai rằng Djokovic được chính quyền Victoria, với sự bảo trợ của Tennis Australia, cấp giấy miễn chích ngừa vaccine. Lý do bên Djokovic đưa ra là Djokovic vừa mới bị dính Covid-19 vào giữa tháng 12, không có triệu chứng nặng, và Nhân viên Y tế Hàng đầu của Tennis Australia đã cấp giấy miễn chích ngừa. Nhưng Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định rằng tất cả ai muốn vào Úc đều phải chích ngừa đầy đủ, hoặc phải chứng minh vì sao được miễn chích ngừa. Bị nhiễm rồi không đồng nghĩa với lý do được miễn chích ngừa. Ở đây cho thấy chính quyền liên bang, tiểu bang và các tổ chức lớn như Tennis Australia chưa có sự thống nhất hay đồng thuận về các tiêu chuẩn miễn chích ngừa.
Trong phiên tòa hôm nay, thẩm phán Anthony Kelly, sau khi xem xét các lập luận của hai bên, hỏi rằng Djokovic có thể làm gì hơn để được vào Úc thi đấu. Bên phía luật sư của Djokovic lập luận rằng Djokovic đã tuân thủ mọi thủ tục và làm tất cả để thỏa mãn các điều kiện khi xin phép thị thực. Luật sư Michael Doyle của bên Djokovic tiết lộ rằng thẩm phán Kelly cho rằng cách Djokovic bị nhân viên ABF đối xử tại phi trường Melbourne trong Immigration Zone là không thích hợp, và quy trình này không công bằng đối với Djokovic.
Nên nhớ rằng luật chủ yếu mang tính quy trình. Nó không phải chỉ là kết quả mà còn là các bước tiến hành để đạt được kết quả đó. Vì xét rằng quy trình tiến hành hủy bỏ thị thực của Djokovic không công bằng nên sau cùng thẩm phán Kelly đã lấy quyết định thuận lợi cho Djokovic. Djokovic được ra khỏi nơi tạm giam đi trú và mọi phí tổn pháp lý của Djokovic chính phủ Úc phải trả hết.
Sau phán quyết của thẩm phán Kelly rằng việc hủy bỏ thị thực của Djokovic là vô lý và việc giam giữ Djokovic là không hợp lý, Bộ trưởng Di Trú Alex Hawke có 4 tiếng kể từ quyết định đó để dùng quyền tối hậu của mình hủy bỏ, nếu muốn. Quyết định trước đây là do nhân viên của Australian Border Force thực hiện. Nhưng Bộ trưởng có thể dùng quyền tối hậu để hủy bỏ thị thực của một người nào đó dựa trên lý do có sẵn, hoặc trên lý do khác, nếu đó là quyền lợi quốc gia, chẳng hạn. Quyết định này có thể xảy ra với Djokovic hay bất cứ người nào không phải công dân Úc, vào bất cứ lúc nào, tức không có thời gian tính, và đưa Djokovic về nước (Removal), nếu thích hợp. Đám đông tụ tập tại Melbourne để ủng hộ Djokovic hiển nhiên không thích điều này.
Nếu thị thực của Djokovic bị hủy bỏ thì Djokovic sẽ không được trở lại Úc trong ba năm tới.
Tuy luật là vậy, nhưng Úc là một nền dân chủ pháp quyền. Bộ trưởng hay Thủ tướng, hay các nhân viên công quyền, được trao quyền hạn không phải để ưu đãi hay ngược đãi người khác. Họ cứ theo luật, chích sách và thủ tục mà thi hành trách nhiệm của mình. Tòa án là nơi xử lý các tranh chấp. Chính quyền thường tôn trọng các phán quyết của tòa. Bị cáo hoặc nguyên đơn, kể cả chính quyền, nếu không hài lòng thì có thể kiện lên tòa cao hơn, như Full Federal Court, hoặc High Court. Trong trường hợp này sự kiện Djokovic lẽ ra không nên xảy ra. Nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra trong đại dịch Covid-19 bất định này. Chắc không ai muốn làm lớn thêm chuyện này cả, vì chẳng có lợi gì hết. Điều cần và nên làm là làm sáng tỏ các chính sách và quy định để bớt phiền mọi bên liên hệ.
Bốn tiếng đồng hồ theo thời hạn đã trôi qua mà không có quyết định nào, Djokovic được trả tự do. Theo tờ Sydney Morning Herald, Bộ trưởng nhập cư và di trú của Australia vẫn có thể cân nhắc hủy bỏ thị thực của Djokovic và có thể đưa ra quyết định vào ngày 11/01.
Công dân Úc, kể cả người ở Melbourne/Victoria, nếu giống trường hợp Djokovic, tức bị nhiễm Covid-19 mới đây và chưa tiêm hai hay ba liều vaccine, thì sẽ không được tự do đi lại tại Victoria hay toàn Úc như Djokovic. Vậy thì tại sao một người không phải công dân lại được ngoại lệ? Đây là câu hỏi mà nhiều người Úc muốn đặt với chính quyền của mình.
Thủ tục và điều kiện đến, vào và ở nước Úc chủ yếu dựa vào pháp luật hẳn hoi. Tuy nhiên nói là pháp luật nhưng sau cùng quyết định ai được vào, điều kiện nào, bao lâu vv… vẫn là vấn đề chính trị. Vẫn luôn có ngoại lệ. Vẫn luôn gây tranh cãi. Bảo vệ biên giới ở đâu cũng vậy. Nhất là lúc này. Pháp luật và chính trị luôn song hành.