Vừa gặp mặt, một tên đã nói luôn :
– Em nói dối là có biết anh để anh đến thôi. Nhưng thực ra thì em biết bác Xuân Sách. Bác cũng hay kể về anh.
Thì ra nó là cháu ruột của một người bạn của bố tôi. Thế giới kể ra cũng nhỏ bé. Tôi có cảm tình đặc biệt với tụi này, sinh những năm đầu 70, trước sự kiện 30/4/75, vẫn cái thế hệ làm thay đổi thế giới được gọi là thế hệ X (sinh từ 1961-1981). Dân IT, từ thời sinh viên ban ngày cặm cụi viết phần mềm, tối về làm thơ hoặc đọc thơ, đọc những tác giả nước ngoài mà tôi nghe tên cũng đã choáng, thậm chí còn chưa từng đọc. Chính trị cũng không bỏ qua, thậm chí còn có cả tham vọng chính trị nữa. Một thằng hỏi:
– Anh “phản động” từ bao giờ ?
Thằng kia chen vào:
– Từ trong trứng. Nếu xét theo quan điểm bây giờ các cụ phụ huynh nhà mình thời đó đều phản động 100%.
Tôi hỏi:
– Em sắp sang Mỹ phải không?
– Dạ bên đó có công việc cho em ở một trường đại học- Nó nói tiếp – Em học ở Pháp, không ở lại mà về Việt Nam, nhiều năm qua cũng cố gắng để xem có làm được gì cho đất nước. Nhưng thú thực với anh là em nản, đất nước này không nhìn thấy con đường ra, em lại phải ra đi thôi dù rất đau đớn.
Tôi cười:
– Thế là thua rồi, bắt đầu là thấy sốt ruột, rồi thấy nản, sau cùng là vô cảm, là “makeno”. Đúng là thứ họ muốn mình trở thành.
Nó nói một cách nghiêm túc:
– Em biết chứ vì thế em chọn ra đi, nhưng anh tin không, chỉ cần thấy một tia sáng em sẽ lập tức quay về.
Biết tụi này cũng gần gũi với đám con ông cháu cha, tôi hỏi:
– Thế hệ con ông cháu cha sau này, được đào tạo ở nước ngoài, tiếp xúc với xã hội văn minh, với nền dân chủ, nhiều đứa thông minh, giờ lại làm lãnh đạo. Đất nước có khá hơn không ?
Nó kêu trời:
– Càng chết anh ơi, bọn nó có kiến thức , thông minh hơn thế hệ cha anh, nhưng sự tàn nhẫn, mưu mô, thủ đoạn lưu manh cũng hơn gấp bội. Anh nhìn thằng Ủn ở Triều Tiên thì biết. Vì thế bọn em nản.
Tôi lại nhớ cha mình, khi sắp mất ông nói:
– Giờ thì bố lại thấy lạc quan, cuộc vượt biển bi thảm vừa là họa vừa là phúc của dân tộc, chỉ cần 100 cái đầu xuất sắc từ bên ngoài về thì nước mình sẽ thay đổi.
Nhưng hồi những năm giữa thập kỷ 80, tôi ở lính về, bầm dập cả thể xác và tâm hồn. Cha tôi lại nói :”Đất nước phải thay đổi thôi con, vì thế hãy cắn răng mà sống, nếu không chịu được nữa thì bố làm một viên đạn vào đầu cho xong”- Ông đưa nắm tay có 2 ngón chĩa ra như khẩu súng ngắn kề vào thái dương, và thở dài “Bố sợ rằng sẽ có một cuộc tắm máu nữa”. Tôi không thấy ngạc nhiên, sự tuyệt vọng của những người thuộc thế hệ của ông không có gì lạ.
Anh Nghiêm Bằng (con trai nhạc sỹ Văn Cao) có lần kể với tôi, đang đêm giật mình thức dậy anh thấy cha mình ngồi trên cái ghế sofa, kề khẩu súng vào thái dương, anh bật khóc nức nở, nhạc sỹ ôm con vào lòng, thở dài và cất khẩu súng vào ngăn kéo. Hôm sau mẹ anh mang khẩu súng lên công an nộp còn mấy viên đạn thì giữ lại.
Sau năm 54, các ông đã thất vọng ê chề khi thấy lý tưởng bị phản bội. Năm 75 lại thêm một lần nữa, lần này thì cả dân tộc bị phản bội. Hòa bình rồi, xóa bỏ hận thù, anh em một nhà bắt tay cùng xây dựng ngôi nhà chung – “Từ nay người biết thương người” – Mùa xuân đầu tiên – Văn Cao. Nhưng ước mơ ấy bị phản bội, những gì xảy ra ở miền Bắc sau 54 thì lần này diễn ra trên cả nước, khốc liệt hơn, tàn bạo hơn và trâng tráo công khai hơn.
Nhưng trong họa có phúc, không như miền Bắc sau 54, giãy giụa tuyệt vọng sau bức màn sắt không biết thoát đi đâu, bây giờ cả nước tìm đường ra biển và thế giới cũng đã bắt đầu lên tiếng, mở rộng vòng tay “cứu anh em giữa đời mạt vận”- Những ngày này mỗi khi nghe Khánh Ly hát “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của Trầm Tử Thiêng là tôi lại rùng mình sởn gai ốc.
Đang trầm ngâm suy nghĩ thì một thằng hỏi “Anh có đọc Havel không?”- Có – Tôi trả lời. Nó tiếp: ”Havel nói muốn thay đổi thì vũ khí duy nhất là sự thật, nhưng làm sao để có sự thật trong xã hội này?”. Vấn đề có tính triết học này có vẻ rất phức tạp nhưng thật ra thì cũng đơn giản. Đó là thái độ sống của mỗi cá nhân, chính xác là lựa chọn nguyên tắc sống dựa trên mong muốn được nói lên sự thật, được sống trong sự thật. Nhưng chúng ta đang giả vờ sống, nó cũng là một sự thật chính trị khi xã hội chính là hình ảnh phóng chiếu cái chiều kích của hệ thống cai trị.
Havel viết:
“…Nó giả vờ như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và bất lương. Nó giả vờ như đang tôn trọng các quyền con người. Nó giả vờ như không kết án ai. Nó giả vờ như không sợ bất cứ điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả”.
Và cả xã hội cũng đang giả vờ. Chỉ có nỗi sợ hãi là có thật.
Cái chiều kích này làm cho con người trở nên vong thân. Vong thân là do các cá nhân từ bỏ bản sắc của mình bằng cách phải loại bỏ đi một cái gì đó. Và chế độ tạo ra một công cụ để loại bỏ phần nhân bản nhất trong mỗi con người: niềm tin, sự chia sẻ, tình yêu, lòng thông cảm với đồng loại…vv . Suy cho cùng đó là loại bỏ khát khao được sống trong sự thật. Và hệ thống này không dành ngoại lệ cho một ai, từ người xe ôm đến ông tổng bí thư.
Nhưng thường thì tin vui lại đến giữa lúc chúng ta tuyệt vọng nhất./.