Ông cha ta hàng nghìn năm đã sống theo nguyên tắc “tam giáo đồng nguyên” : đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão cùng một gốc mà ra. Gốc ấy là chân thiện mỹ vậy!
Nay, nước ta có nhiều tôn giáo, nhưng tựu trung có hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Thiên Chúa giáo (gồm Công giáo và Tin Lành), chưa kể các tôn giáo ít tín đồ như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài. Ngoài ra một số khá đông người Việt thờ tổ tiên, còn gọi là đạo gia tiên nhưng không hẳn là vô thần…Với tinh thần hòa đồng của cha ông cha ta xưa, chúng tôi có thể nói : Phật giáo và Thiên Chúa giáo cũng là NHỊ GIÁO ĐỒNG NGUYÊN, cùng một gốc NHÂN ĐẠO, một gốc CHÂN THIỆN MỸ mà ra.
Đạo Phật là đạo tu tâm lấy con người làm trung tâm, cũng có thể gọi là đạo nhân, đạo cứu khổ, giúp ta tìm Niết Bàn ngay trong tâm hồn mình và Niết Bàn ngay trên cõi thế. Phật giáo không nói và không tìm Niết Bàn sau cái chết. Mục đích của Phật là giúp con người thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi sinh sinh diệt diệt trầm luân mãi mãi.
Đạo Chúa, trước hết là đạo nhân. Nếu ta chưa đạt được sự nhân ái, ta không thể tìm thấy Chúa. Khởi nguồn của đạo Chúa vẫn là con người làm gốc. Chúa phán rằng : “Nếu anh em không tha thứ cho kẻ khác, không yêu thương kẻ khác, anh em có cầu nguyện cũng vô ích. Anh em không thương yêu đồng loại không thể nào đến với Chúa được!”.
Chúa không chấp nhận những ai không yêu thương đồng loại. Đấy là tư tưởng nhân bản vô cùng của đạo Đức Chúa Trời. Khởi nguồn của đạo Chúa vẫn là con người, bước tiếp theo mới là Thượng Đế. Chao ôi, thiên đường kiếp sau hay nước Chúa, cũng bắt đầu từ trần gian này mà thôi !
Phật bảo : “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đức Phật cho con người, (dù con người ấy tàn bạo vô cùng nếu nó biết sám hối) cái cơ hội thành Phật, Ngài bảo: “Bỏ đao xuống thành Phật !”. Phật nhân từ không đầy đọa ai xuống địa ngục sau khi chết. Nếu kiếp này anh làm ác, anh vụng tu, thì kiếp sau anh sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh cam go hơn, bởi nhân nào thì quả ấy. Đến khi nào anh chuyển qua bao kiếp khác mới tu thành chánh quả, khi ấy anh mới được TỊNH DIỆT, mới thoát luân hồi.
Năm trăm năm sau Phật, hình như Chúa Jesus cũng nói nhỏ vào tai một chiến binh tên là Phao Lồ chuyên giết người mới theo đạo, độc ác vô song, rằng: “Phao Lồ, hãy bỏ đao xuống, ngươi sẽ thành thánh” .
Lập tức Phao Lồ ngã ngựa và thấy chói lòa hai mắt, nằm mê man trên mặt đất như một xác chết. Xác chết ấy tỉnh dậy và hồi tâm, thấy việc mình đã giết hàng trăm, hàng nghìn tín đồ Thiên Chúa tân tòng là một tội lỗi vô cùng tận. Kẻ ác Phao Lồ ấy sám hối, cầu xin Chúa tha tội và đi rao giảng tin mừng Chúa, trở thành vị tông đồ thứ hai, vị thánh lớn thứ hai của đạo Chúa bên cạnh thánh cả Phê Rô.
Chúa và Phật đều dạy : “ Con hãy yêu thương ngay cả kẻ thù của mình”. Với tư tưởng : “Bỏ đao xuống thành Phật”, “ Bỏ đao xuống thành thánh” của Phật và Chúa, rõ ràng đạo Phật, đạo Thiên Chúa cùng là đạo tha thứ.
Phật sinh ra để cứu khổ chúng sinh. Hình như con người càng khổ đau, càng tội lỗi càng gần Phật hơn.
Chúa xuống trần vì kẻ tội lỗi. Hình như kẻ tội lỗi gần Chúa hơn kẻ ngay lành !
Phúc âm kể có hai kẻ đến đền thánh Jerusalem cầu nguyện. Một kẻ siêng năng đến nhà thờ hàng ngày cầu kinh, chuyên bố thí cho kẻ khó. Kẻ “thánh thiện” này nghĩ mình là người nhà của Chúa, bèn xông thẳng lên đền thánh. Kẻ kia là một tên đầu trộm đuôi cướp từng giết người. Hắn quỳ ở xa xa đền thánh, đấm ngực sám hối, khóc than mình là kẻ tội lỗi nhất trần gian, xin hồng ân Thiên Chúa tha thứ.
Lạ thay, Chúa bèn tha tội cho kẻ trộm cướp và phạt kẻ “ngay lành” kia tội kiêu ngạo. Ai đọc Phúc Âm đều biết Chúa ghét kẻ kiêu ngạo và bọn giáo điều là các thầy tế lễ trong đền thờ thuộc làu Kinh Thánh, nhưng sống giả dối, cơ hội mà Ngài gọi là bọn Pharisiêu. Ngài bảo : “Biết nhiều sẽ bị buộc nhiều”. Một lần Chúa phán : “Ai không hóa thành con trẻ thì nước Trời không thuộc về kẻ ấy”…
Hãy sống đơn sơ, hồn nhiên thuần phác như trẻ thơ sẽ tìm thấy Chúa trong lòng mình.
Phật từng cầm một nắm lá cây trên đầu rồi hỏi các đệ tử : “Anh em nhìn nắm lá trong tay ta và lá trên rừng kia, lá nơi nào nhiều hơn”. Đệ tử thưa : “Bạch thầy, lá trên rừng kia nhiều hơn lá trong tay thầy ạ”. Phật liền bảo : “Cũng như vậy, ta đã nói gì đâu. Cái ta biết chỉ là giới hạn so với cái ta chưa biết”. Bài học khiêm nhường của Phật có nhiều trong các lời phán dạy của Ngài. Ngài bảo chúng sinh đại ý anh em đừng tin hết lời ta nói, hãy nhìn việc ta làm”…Phật nhiều lần khẳng định : “Ta là người, không phải thần thánh, đừng quỳ lạy xin xỏ ta bất cứ điều gì, không nên biến đạo tu tâm dưỡng tính của ta thành một thứ Bà La Môn khác”. Ngài bảo ta là một con người giác ngộ, giúp anh em tìm ra con đường giác ngộ của riêng mình. Rằng không ai có thể biến anh em thành Phật ( người giác ngộ) trừ anh em !
Đời sau, kể cả Nam tông (tiểu thừa) và Bắc tông (đại thừa) có nhiều kẻ kiêu ngạo cho mình đã tu thành Phật mà viết ra nhiều ngụy thư mạo nhận lời Phật dạy, làm rối rắm và hư loạn nguyên lý Phật Pháp Tăng vốn khởi nguồn với tinh thần vô ngôn, vô ngã hồn nhiên, ngây thơ, thuần phác, giản dị.
Ngày nay, hầu hết chùa chiền đều làm sai lời Phật dạy. Họ cầu cúng quỳ lạy van xin Phật y như tín đồ Bà La Môn thờ lạy Brahma, Visnu, Sihva, điều mà Phật ghét nhất. Phật truyền dạy chúng sinh không được mê tín dị đoan, cấm bói toán. Tiếc thay, nhiều ngôi chùa tăng ni còn chủ trì bói toán, bán các nghi thức thờ phụng như bán món hàng kiếm lợi.
Thậm chí hàng nghìn chùa quốc doanh tại Việt Nam viết chiêu bài trước cổng chùa rằng: “Đạo pháp – Dân tộc – chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa xã hội tức là cộng sản, mà cộng sản thì cấm tôn giáo. Marx bảo : “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Sao lại đánh đồng Phật với cộng sản chuyên phá chùa nhiều năm xưa ? Họ còn đưa ông Hồ Chí Minh vào chùa làm cho ông thành Phật ! Thế này, thì không còn Phật giáo nữa, than ôi!
Thời mạt pháp đã đến như lời Phật tiên đoán xưa ! Cộng sản lấy đấu tranh giai cấp làm mục đích, mà đấu tranh giai cấp là giết người, giết các giai cấp khác không phải là vô sản. Còn Phật là cứu người, cứu khổ thưa các ngụy sư quốc doanh!