Thái Thanh – Luật Khoa
Vào tối ngày 15/1/2021, năm người Thượng theo đạo Tin Lành đứng thành hàng ngang tại sân của trụ sở UBND xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Dưới ánh sáng đèn điện chập chờn, một cán bộ đọc to những hoạt động tôn giáo bị cho là trái phép của họ trước mặt nhiều người Thượng khác.
Năm 2021 đã bắt đầu như vậy đối với các thành viên của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ – một hội thánh từng đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo thủ tục của chính quyền nhưng bị từ chối để rồi bị cáo buộc là hoạt động tôn giáo trái phép. [1]
Vào tháng 10/2021, một phụ nữ tập luyện Pháp Luân Công – một bộ môn đã phổ biến ở khắp 63 tỉnh, thành với khoảng 600 điểm tập luyện – bị phạt 12,5 triệu đồng vì phát các tài liệu của bộ môn này tại một khu chợ. [2] [3]
Dù bạn là tín đồ của một tôn giáo được nhà nước công nhận hay một tôn giáo mới thì bạn đều phải đối diện với rủi ro bị chính quyền trấn áp, ngăn chặn nếu hoạt động tôn giáo của bạn bị cho là ngoài khuôn khổ cho phép. Nói cách khác, chính quyền đã trở thành một giáo hội của các giáo hội tôn giáo – cho mình quyền can thiệp vào tất cả các hoạt động tôn giáo.
Năm vấn đề tôn giáo năm 2021 dưới đây là những gì ẩn giấu đằng sau các hoạt động tôn giáo ổn định, nề nếp mà bạn vẫn thường thấy.
1. Tôn giáo mới chật vật tìm cách hoạt động – Chính quyền làm mọi cách để ngăn chặn
Vào tháng 3/2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh Quân Khu 2 và cũng là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, nói trước Quốc hội rằng Chính phủ cần phải xem xét lại việc đạo Dương Văn Mình bị công an trấn áp ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ông cho rằng đạo này chỉ thay đổi tục lệ ma chay theo hướng tiết kiệm, đơn giản cho bà con chứ không chống chính quyền.[4]
Đạo Dương Văn Mình là một trong ít nhất 85 “đạo lạ” đang hoạt động tại Việt Nam. Vào tháng 9/2021, Ban Tôn giáo TP. Hà Nội cho biết có nhiều nhóm tôn giáo mới đang truyền đạo qua mạng xã hội. Hiện nay, tất cả các tôn giáo mới đều chưa được nhà nước cho phép hoạt động. [5]
Trong năm qua, các tín đồ của Pháp Luân Công thường xuyên bị chính quyền xử phạt hành chính do phổ biến bộ môn này, các tín đồ theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ bị chính quyền giải tán các buổi sinh hoạt tôn giáo kín đáo, các tín đồ Pháp Môn Diệu Âm và một số tôn giáo khác phải sinh hoạt tôn giáo dưới hình thức hội nghị, du lịch để tránh bị chính quyền ngăn cản. Tại miền núi, chính quyền thậm chí bắt người dân ký giấy cam kết từ bỏ tôn giáo. [6]
Sinh hoạt tôn giáo là quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng của người dân. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tự cho rằng mình có quyền quyết định như thế nào là tôn giáo phù hợp với người dân, tôn giáo nào cần phải ngăn chặn.
Các hoạt động trấn áp, tuyên truyền của nhà nước đã khiến người dân thiếu thông tin khách quan về các tôn giáo mới. Một số địa phương đưa thông tin sai lệch về bản chất của một số tôn giáo mới khiến cho tín đồ của các tôn giáo này phải chịu sự kỳ thị nặng nề từ cộng đồng.
Các quốc gia Đông Á cho phép tôn giáo mới tự do hoạt động như Đài Loan, Nhật Bản đã chứng minh rằng không có lý do nào để cản trở phong trào xã hội này. Dù một số tôn giáo mới có các hoạt động gây hại, điều đó không có nghĩa là tất cả các tôn giáo mới không được phép hoạt động. [7]
Tôn giáo mới là phong trào xã hội không thể tránh khỏi và không thể xóa bỏ. Chính quyền cần đối diện với phong trào này đúng như lời khẳng định trong Hiến pháp: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
2. Chính trị hóa hoạt động tôn giáo
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 cho phép chính quyền can thiệp từng đường tơ kẽ tóc của các tổ chức tôn giáo. Mỗi bước đi của tổ chức tôn giáo đều phải được chính quyền gật đầu.
Vào tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết Bộ Nội vụ đã “trao đổi và hướng dẫn” các tổ chức tôn giáo bầu chọn ra những lãnh đạo gắn bó với chính quyền. [8] Đồng thời, chính quyền khẳng định có đảng viên được đảng, nhà nước bí mật bố trí vào các tổ chức tôn giáo. [9]
Trong năm 2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã bắt chước một sáng kiến kiểm soát tôn giáo của chính quyền Trung Quốc. Cơ quan này đã tặng hàng nghìn cờ tổ quốc và yêu cầu treo cờ tại các cơ sở tôn giáo. Trong bản kế hoạch tuyên truyền, vận động cho hoạt động này của Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang, một trong những nội dung đưa ra là “nắm bắt tư tưởng, thái độ của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, của người đại diện các cơ sở tín ngưỡng”. [10]
Các hoạt động khác như bắt buộc cơ sở đào tạo tôn giáo phải giảng dạy lịch sử, pháp luật Việt Nam theo giáo trình của Ban Tôn giáo Chính phủ, hay sáng kiến dùng sư sãi, Phật tử người Khmer để kiểm soát an ninh, trật tự ở tỉnh Sóc Trăng cũng như các quy định kiểm soát chặt chẽ về đất đai tôn giáo – những việc này càng khẳng định thực tế rằng chính quyền không cho phép các tổ chức tôn giáo được hoạt động một cách độc lập.
Mặt khác, việc chính quyền can thiệp gây ra sự thiên vị đối với các tổ chức tôn giáo. Nhiều tổ chức tôn giáo được nhà nước ưu tiên, giữ vị thế độc quyền trong hoạt động tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức Phật giáo duy nhất được nhà nước công nhận.
Nói chung, các tổ chức tôn giáo nếu muốn hoạt động hợp pháp hầu như đều phải chấp nhận sự can thiệp của chính quyền ở mọi cấp độ hoạt động tôn giáo. Kiểu quản lý như vậy đang chính trị hóa hoạt động tôn giáo, biến tôn giáo thành một công cụ của nhà nước để kiểm soát xã hội.
3. Hệ thống quản lý tôn giáo đồ sộ
Bạn có biết Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng được nhà nước giao cho những nhiệm vụ bí mật để kiểm soát hoạt động tôn giáo? [11]
Theo đó, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nhiệm vụ báo cáo các hội viên có tư tưởng chống đối tại các điểm nóng về các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Hội Cựu chiến binh có nhiệm vụ bí mật là “tranh thủ người có uy tín trong dân tộc, chức sắc tôn giáo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”.
Ngoài ra, nhà nước sử dụng một lực lượng được gọi là “người có uy tín” nhằm cung cấp thông tin, tư vấn cho nhà nước về các vấn đề tại địa phương, trong đó có mục tiêu kiểm soát tôn giáo ở khu vực miền núi. [12]
Không những kiểm soát tôn giáo trong nước, Ban Tôn giáo Chính phủ đang hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để quản lý các hoạt động tôn giáo của người Việt ở nước ngoài. [13]
Những lực lượng trên cùng với hệ thống đồ sộ về công an tôn giáo, và các ban tôn giáo từ cấp tỉnh, huyện ở 63 tỉnh, thành đã tạo ra một bộ máy kiểm soát tôn giáo khổng lồ. Chi phí vận hành bộ máy này không hề nhỏ. Năm 2021, Ban Tôn giáo Chính phủ được cấp hơn 68 tỷ đồng, 63 ban tôn giáo cấp tỉnh được cấp từ khoảng 1 – 5 tỷ đồng. [14]
4. Chưa mở rộng cửa cho tôn giáo hoạt động an sinh xã hội
Suốt từ năm 1975 đến nay, chính quyền đã cản trở người dân được hưởng phúc lợi từ các hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đến nay vẫn chưa được phép vận hành hệ thống trường học, bệnh viện như trước năm 1975.
Đây là quyết định có chủ ý của chính quyền. Một báo cáo của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết việc nhà nước thận trọng về các động cơ và xu hướng chính trị đã khiến các tổ chức tôn giáo không thể tham gia cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục. [15]
Hiện nay, các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được nhà nước công nhận là thành phần được khuyến khích tham gia các dịch vụ ngoài công lập. [16]
Nếu bạn có bắt gặp những tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện hiện nay thì đó chỉ là những hoạt động có mức độ chuyên nghiệp kém hơn rất nhiều so với trước năm 1975.
Trong đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, lực lượng tôn giáo đã chứng minh rằng họ có khả năng hỗ trợ công chúng trong việc cứu tế xã hội, chăm sóc bệnh nhân, và họ có thể làm tốt hơn nữa nếu nhà nước cho phép họ hoạt động an sinh xã hội một cách chuyên nghiệp.
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các tổ chức tôn giáo luôn được khuyến khích, tạo điều kiện để hoạt động từ thiện, cung cấp dịch vụ xã hội cho công chúng. Điều này đã không xảy ra ở Việt Nam trong suốt gần 50 năm qua.
5. Dùng báo chí nhà nước để can thiệp các vấn đề tôn giáo
Vào tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch thực hiện 10 phóng sự tuyên truyền bằng tiền ngân sách tập trung vào việc chống các hoạt động tà đạo. Phóng sự được phát trên Truyền hình Thông Tấn. [17]
Tháng 11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định báo chí là một trong những công cụ hàng đầu để đấu tranh đối với “các hiện tượng tôn giáo mới cực đoan, tà đạo trái phép”. [18]
Nếu để ý bạn cũng sẽ dễ nhận ra khi báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin một chiều về tôn giáo, nhất là các vấn đề liên quan đến tôn giáo mới. Các tờ báo đó đơn giản đang phản ánh quan điểm của chính quyền thay vì đưa tin có phản biện, đa chiều và độc lập.
Báo chí đã trở thành một công cụ trấn áp “mềm” của nhà nước trong các vấn đề về tôn giáo. Với hệ thống báo chí nhà nước đồ sộ, việc đưa tin một chiều về các vấn đề tôn giáo sẽ thao túng tư duy của độc giả khiến họ ủng hộ các hoạt động trấn áp tôn giáo của nhà nước.
Việc thao túng báo chí như vậy ngăn người dân có cơ hội được cung cấp đầy đủ thông tin để tự đưa ra quan điểm về các vấn đề tôn giáo. Việc này cũng gây ra sự kỳ thị từ công chúng đối với các tín đồ tôn giáo mới hiện nay khi báo chí nhà nước không cho họ cơ hội lên tiếng.
***
Tôn giáo là một trong những trụ cột của một xã hội đoàn kết, khoan dung và bền vững. Chiếc cột này phải được hun đúc một cách tự nhiên để chống đỡ cho những đổ vỡ mà nhà nước và lực lượng xã hội khác không thể hàn gắn được. Năm vấn đề tôn giáo trên đây cho thấy nhà nước đang đục khoét, chiếm lấy trụ cột này để trở thành một giáo hội của các giáo hội./.