Những cái bánh vẽ to tướng

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bỏ hoang thời gian dài, được tận dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 thời gian qua. Ảnh: Dân Việt
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Cách đây ít lâu, lãnh đạo thành phố HCM là ông Phan Văn Mãi, tuyên bố đến năm 2025 sẽ có 1 triệu căn hộ giá rẻ để cho người lao động có nơi an cư, yên tâm công tác. Chắc hẳn, 4,7 triệu dân nghèo thành Hồ cả đời “ăn đong, ở trọ,” nghe tin này ít nhiều cũng khấp khởi trong lòng trước viễn cảnh ngày nào đó “ơn đảng, ơn chính phủ” sẽ có một mái nhà che mưa, che nắng thuộc sở hữu của mình.

Qua bản tin này, người viết đã gọi ới sang phòng chị Sáu bán bánh mì ở hẻm nhỏ Cô Giang “Chị Sáu ráng lên, để dành tiền vài năm tới có cả triệu căn hộ giá rẻ, tha hồ lựa một căn, không còn phải ở trọ nữa rồi.” Chị Sáu, quê Phú Thọ, chồng làm thợ hồ, cùng với hai đứa nhỏ, đều bỏ học từ cấp 2, đi phụ hồ với cha. Cả nhà cần cù cày sâu cuốc bẫm, quyết tâm thoát đời ở trọ. Nửa năm nay, dịch bệnh, cả nhà thất nghiệp ngồi nhìn nhau, rau cháo qua ngày, nghe vậy liền chửi đổng “Tiên sư cha chúng nó, có mấy đồng trợ cấp còn ăn chặn của dân nghèo. Nghe chúng nó thì đổ thóc giống ra mà ăn.”

Những mục tiêu và dự án của các lãnh đạo cộng sản thường rất hay. Nhưng nếu đặt câu hỏi cụ thể làm thế nào, lộ trình ra sao, bố trí các nguồn lực và cơ sở pháp lý để các dự án này được thực thi? Thì không ai trả lời được. Họ cứ khơi khơi “nổ” cho sướng miệng vậy thôi. Từ những “lãnh tụ” như Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng… cho đến những lãnh đạo cấp ngành, địa phương, ai cũng “nổ” rõ to, đánh bóng tên tuổi. Hết nhiệm kỳ thì những mục tiêu, dự án dân sinh, dân túy… mà họ hứa hẹn cũng như bãi cứt trâu để lâu… hóa bùn. Chẳng có một căn cứ, kế hoạch nào cho những cái bánh vẽ to tướng đó.

- Quảng Cáo -

Nếu như chính quyền thành Hồ thực sự “do dân, vì dân” thì hãy ngay lập tức cho chuyển đổi mục đích sử dụng khu tái định cư Thủ Thiêm, bán giá rẻ cho đối tượng là dân nghèo nhập cư. Chỉ cần người dân chứng minh là họ là người lao động thực sự có nhu cầu, đóng bảo hiểm lao động trên 5 năm ở thành Hồ, chưa có nhà ở… đều được mua nhà trả góp với giá chỉ vài trăm triệu một căn. Bảo đảm sẽ bán hết vài ngàn căn hộ trong vòng một nốt nhạc. Nhưng không, nhà cầm quyền thà bỏ hoang những khu tái định cư cho cỏ mọc, cho ma ở, chứ nhất định không bán cho dân nghèo. Thậm chí, thành Hồ còn đem đấu giá, bán sỉ cả ngàn căn một đợt, hầu mong kiếm chục ngàn tỷ đút túi cho gọn.

Kể ra, người cộng sản vô cùng thực dụng, cái gì cũng tính kiếm chác, ăn đến cả cái nịt. Nhưng họ tham quá đâm ngu. Giả sử như mấy ngàn căn hộ ở khu tái định cư Thủ Thiêm được lấp đầy hơn chục năm qua, thì đã tạo ra một khu dân cư đông đúc. Một cộng đồng dân cư ổn định, cả vạn dân, chỉ khoảng chục năm cũng dư sức tạo ra nguồn của cải và thuế cho thành phố vượt quá số tiền bán căn hộ.

Nhưng các nhóm lợi ích thì chỉ tính ăn dày, ăn gọn, để dễ chia chác. Đám “đày tớ nhân dân” ở biệt phủ, thích ăn bò dát vàng có bao giờ nghĩ đến ức triệu những “ông chủ” sống ở những khu ổ chuột? Cái chế độ cộng sản nó là thiên đường với một số ít “đày tớ” nhưng là địa ngục với tuyệt đại đa số các “ông chủ” là vậy.

Trong số hàng ngàn các dự án chung cư cao tầng, căn hộ được cấp phép, số lượng nhà ở xã hội cực kỳ thấp (dưới 2%) mặc dù đã có qui định dành 20% quĩ đất phát triển nhà thương mại cho nhà ở xã hội. Doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội vì lợi nhuận thấp và thủ tục hành chính rườm rà. Thậm chí một số dự án nhà ở xã hội nhưng cũng có giá hàng tỷ đồng.

Giá nhà, giá đất trong vòng 20 năm qua đã tăng trung bình khoảng 30 lần ở các thành phố lớn. Trong khi mức thu nhập của người dân chỉ tăng 3 lần nếu tính theo GDP/đầu người (thu nhập thực sự thấp hơn con số GDP/đầu người nhiều). Một người lao động Việt Nam phải nhịn ăn, nhịn mặc, không chi tiêu bất cứ cái gì thì khoảng 40 năm mới có thể mua được một căn hộ (với điều kiện giá nhà không tăng). Đó thực sự là một hiện thực mỉa mai cay đắng ở xứ thiên đường.

Sau phát biểu của ông Mãi, một số tờ báo trong nước cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của “dự án” này. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng góp ý kiến kinh nghiệm xây dựng các khu dân cư phù hợp với nhu cầu người lao động. Vấn đề trước mắt là làm thế nào để huy động các nguồn lực cần thiết, quĩ đất phù hợp không chỉ để xây dựng khu dân cư, cung cấp hạ tầng tiện ích dân sinh, cũng như đảm bảo vị trí thuận lợi cho sinh kế và nơi làm việc của người lao động.

Không chỉ đơn giản là việc dựng lên mấy khu nhà tập thể chất lượng kém, chơ vơ giữa đồng không mông quạnh, không có hạ tầng, không có tiện ích, không gần nơi làm việc của người lao động như bấy lâu nay các khu tái định cư được dựng lên vội vã để có chỗ dồn đuổi dân, thu hồi đất cho nhanh. Tất cả những vấn đề được đưa ra đều hết sức cơ bản và logic. Nhưng không một câu trả lời thỏa đáng.

Với mức tăng dân số khoảng 1 triệu người cứ mỗi 5 năm, chủ yếu là nhập cư, thành phố HCM hiện là thành phố đông dân nhất Việt Nam với khoảng 13 triệu dân. Nhưng hạ tầng dân sinh của thành phố này cực kỳ thiếu thốn, xuống cấp, chắp vá. Không giống như Hà Nội là xứ thủ đô – trăm sông đổ bể – phần lớn nguồn thu ngân sách được dồn về đây để xây dựng, chi tiêu cho đủ mọi ban ngành, cơ quan đầu não.

Nguồn thu ngân sách ít ỏi 18% mà thành Hồ được giữ lại không đủ vừa chi trả cho một bộ máy quan liêu to lớn và bảo trì các hạ tầng cũ đang xuống cấp và quá tải từ lâu. Thực trạng bi đát này kéo dài nhiều thập kỷ với chính sách “đào Nam, đắp Bắc” của CSVN và nó khiến cho thành Hồ đang nhanh chóng mất đi động lực phát triển bền vững dù suốt hơn 30 năm qua thành phố luôn là đầu tàu kinh tế số 1 quốc gia. Giống như con bò sữa bị vắt kiệt, thành Hồ đang tàn tạ đi trông thấy và khi cơn ôn dịch khủng khiếp tràn tới, thành phố đã thực sự bị đánh gục. Hàng triệu di dân đã rời đi trong nước mắt, đắng cay với ám ảnh kinh hoàng của những tháng ngày phong tỏa, đói khát, sợ hãi tột cùng.

Dù sao thì người viết cũng ủng hộ cái “thiện ý” của ông Mãi, ông Nên. Là người sống một đời giang hồ, lang bạt khắp mọi miền đất nước, tôi có thiện cảm với người miền Nam hơn là người Bắc. Mặc dù là dân Bắc kỳ chính hiệu nhưng tôi yêu cái chất Nam bộ chất phác và thẳng thắn. Tôi cũng mong các ông bà lãnh đạo thành Hồ, có dịp ghé qua những xóm nước đen, những xóm trọ của dân nghèo để tận mắt thấy cuộc sống của những “ông chủ” đang còng lưng ở những công xưởng để có tiền đóng nộp cho ngân sách nước nhà. Mong rằng cái lương tri ít ỏi chưa bị chó tha đi mất nơi những người cộng sản được đánh động, để họ có thể làm được một vài việc quốc kế dân sinh.

Được vậy, thì đám dân đen con đỏ, phần nào cũng bớt lầm than cơ cực. Cũng là việc tạo phước đức cho chính bản thân các ông bà. Hy vọng rằng cái ý tưởng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho dân nghèo không phải là cái bánh vẽ to tướng như bao cái bánh vẽ khác. Hy vọng thì cũng chỉ hy vọng vậy thôi, chứ tôi biết rằng nó cũng như giấc mơ ban trưa mà thôi.

Tân Phong

- Quảng Cáo -