Mai Lan (VNTB)
Thiên thần áo trắng, anh hùng chống giặc… , mà bụng vẫn đói … Có khác nào buổi sáng, bụng đói, không tiền mà đi qua hàng phở!
Điều dưỡng Đ.T.B.T., chia sẻ trong nước mắt. Điều dưỡng T. làm việc trong một khoa chuyên về ngoại thận.
“Tin không, 5 tháng trước, nếu mẹ của tôi không bị bắt vào trại cách ly vì dương tính Covid, thì có lẽ mẹ đã không tử vong tại đây vì không được chăm sóc tử tế. Sốc, vì tôi lại là điều dưỡng ở một bệnh viện dã chiến… Nếu tôi ở nhà, dứt khoát tôi không để người ta bắt mẹ đi cách ly…”.
Sáng 8-12, trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP.HCM khóa X tại kỳ họp thứ 4, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nói: “Nhân viên y tế kiệt sức, gần 8 tháng chưa được nghỉ ngơi ngày nào nhưng nhận được mức thu nhập quá thấp, đây là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc”.
Ông Thượng cho biết ngành y tế xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, làm thế nào để nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Trước mắt ngành y tế có chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ công tác ở trạm y tế được nhận thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng, tức khoảng hơn 6 triệu đồng, còn điều dưỡng nhận thêm một lần lương tối thiểu vùng, hơn 4 triệu đồng.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút nhân viên y tế đến công tác tại các tuyến cơ sở – theo ông Thượng, hiện Sở Y tế đã đề xuất chính sách mới, là bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì về các bệnh viện quận, huyện công tác thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề, thì sẽ về các tuyến y tế cơ sở thực hành 12 tháng; và 6 tháng tại bệnh viện. Các bác sĩ không phải trả tiền thực hành và được nhận chi phí hỗ trợ sinh hoạt là 1,5 lần lương tối thiểu như đề xuất trên.
“Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm thành phố có 500 bác sĩ đến các trạm y tế”, Giám đốc Sở Y tế nói.
Chính sách nữa Sở Y tế đề xuất là tăng định biên (tức biên chế cố định) cho trạm y tế. Hiện định biên cho trạm y tế là tối thiểu 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế dân số ở mỗi phường khác nhau, ví dụ tại phường 5 quận 3 có khoảng 20.000 dân, nhưng tại quận Bình Tân một phường có thể 120.000 – 140.000 dân, mà mỗi trạm biến chế tối đa chỉ 10 nhân viên y tế, “đây là bất cập đã nhiều năm” – ông Tăng Chí Thượng nhìn nhận.
Theo ông Thượng, về lâu dài nên có cơ chế điều chỉnh, phân bổ trạm y tế theo dân số, cứ 10.000 có một trạm y tế. Còn hiện tại, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tăng mức định biên tối thiểu từ 5 lên 10 nhân viên y tế. Ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm y tế rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, cử nhân cộng đồng.. Như vậy theo tính toán, các trạm y tế cần bổ sung 4.126 biên chế.
Một bác sĩ nghỉ hưu chia sẻ bằng thông tin nội bộ thời sự như sắp chích mũi 3 vậy:
“Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ trưởng y tế chuẩn bị thật chu đáo cho buổi lễ tôn vinh các thầy thuốc Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, kể cả tính mạng của mình trong các tâm dịch của cả nước. Buổi lễ trang trọng này chắc chắn sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 để toàn bộ hệ thống y tế và nhân dân cả nước theo dõi.
Chắc chắn A Long, Bộ Y tế sẽ lên đọc diễn văn báo cáo thành tích của cả ngành. Nhưng riêng cá nhân tôi rất mong trong bản báo cáo ấy cần có: Bao nhiêu cán bộ y tế hy sinh vào tâm dịch bị cắt phụ cấp, chỉ được hưởng lương cơ bản, số cán bộ này thuộc địa phương nào, đơn vị nào? Bao nhiêu cán bộ y tế đi tham gia chống dịch hàng mấy tháng trời mà bị nợ lương? Bao nhiêu cán bộ y tế khi tham gia chống dịch chẳng may bị nhiễm Covid đi điều trị, lẽ ra phải được quan tâm chăm sóc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, thì ngược lại bị cắt hết phụ cấp. Điều này thật quá vô cảm, phũ phàng.
Các địa phương đã có chế độ, chính sách gì mới để cải cách chế độ tiền lương và biên chế cho các cơ sở y tế thuộc địa bàn của mình chưa?
Buổi lễ thực sự có ý nghĩa khi ta thực hiện được những điều trên. Còn nếu không , theo dõi qua màn ảnh nhỏ, toàn nghe ca ngợi: Thiên thần áo trắng, anh hùng chống giặc… vân vân, mây mây.., mà bụng vẫn đói thì càng buồn hơn. Có khác nào buổi sáng, bụng đói, không tiền mà đi qua hàng phở!”…
Mai Lan