Süddeutsche Zeitung là tờ báo với số lượng ấn phẩm lớn hàng thứ hai ở Đức. Ngày 15. 12. 2021, cùng với nhiều tờ báo khác tại Đức, họ đưa tin về Phạm Đoan Trang. Tôi dịch nguyên văn bản tin với tựa đề ban đầu: “Vietnam: Wie der Staat Pham Doan Trang zum Schweigen bringen will”: https://www.sueddeutsche.de/…/vietnam-pham-doan-trang…
Tôi không bình luận, tôi chỉ dịch để giới thiệu với nhà nước Việt Nam cái nhìn của người Đức về vấn đề cô Phạm Đoan Trang:
Việt Nam: Nhà nước muốn bịt miệng Phạm Đoan Trang như thế nào
Bài của David Pfeifer
Phạm Đoan Trang đã đối đầu với chế độ độc đảng chuyên quyền tại Việt Nam trong 20 năm – và bây giờ phải trả giá bằng 9 năm tù.
Từ một năm nay người ta không có tin tức gì về Phạm Đoan Trang, 43 tuổi. Nhà báo và nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt tại căn hộ của cô ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2020, và bị giam cầm, chỉ vài giờ sau khi đối thoại nhân quyền thường niên Hoa Kỳ – Việt Nam kết thúc. Người ta đưa cô về Hà Nội và tống vào khu biệt giam. Mãi một năm sau cô mới được nói chuyện với luật sư của mình. Theo sau đó là một phiên tòa xét xử, mà trong nhiều tuần không có thông tin lộ ra bên ngoài, ngoại trừ tội danh: “Tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Vì điều này cô nhận bản án 9 năm tù.
Cho đến khi bị bắt, Phạm Đoan Trang chủ yếu viết về các vấn đề chính trị và công bằng xã hội. Năm 2000, cô bắt đầu làm việc cho tạp chí Internet đầu tiên là VnExpres. Cô chuyển sang các kênh truyền hình trực tuyến và viết sách, bao gồm cả việc phân biệt đối xử với người đồng tính ở Việt Nam. Cô là người sáng lập tạp chí độc lập Luật Khoa và là biên tập viên của Tạp chí Người Việt.
Ở Việt Nam, tự do báo chí là chuyện đặc biệt tồi tệ
Các đồng nghiệp của cô ở Việt Nam đã lập một trang chân dung cho Phạm Đoan Trang ngay sau khi cô bị bắt. Ở đó cô nói về tuổi trẻ của mình. “Tôi đã mượn sách âm nhạc của bạn bè để chép lại Beatles, bằng thứ tiếng Anh kém cỏi và ngữ pháp tệ hại … Nhưng đó là cách tôi lớn lên – cùng với Beatles.” Cô đã học ngành kinh tế quốc tế và khám phá ra internet. Cô kể rằng, hệ thống mạng điện tử đã thúc đẩy ý thức chính trị của cô: “Vào thời đó, chúng tôi không có nhiều sách, và thực tế mà chúng tôi thấy đã không như những cuốn sách đó. Những người siêng năng hơn trong đám chúng tôi, tìm thấy các bản tin kinh tế của nước ngoài – từ ngôn ngữ khác hoặc đã được dịch sang tiếng Việt – một nguồn thông tin tuyệt vời.”
Theo “Committee to Protect Journalists” ở New York, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều phóng viên bị bỏ tù nhất, với ít nhất 23 nhân viên ngành truyền thông phải ngồi tù. Trong danh sách tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức phóng viên không biên giới, Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia. Trong những năm vừa qua, Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị đánh đập, bị bắt cóc, bị giam giữ và bị quản thúc. Cô bị thương nặng đến mức đi khập khiễng và phải chống nạng sau một lần phẫu thuật.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của cô? Viết sai một cái gì đó
Vào tháng 5 năm 2016, cảnh sát đã ngăn cản cô tham dự cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Kể từ năm 2017, cô phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Điều đó không ngăn cản được nỗi sợ của cô, “tôi sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất của tôi là viết sai một điều gì đó”. Cô không chỉ đứng về phía người yếu kém mà còn bảo vệ môi trường. Vào tháng 1 năm 2020, Phạm Đoan Trang lên tiếng về một cuộc xung đột dẫn đến cái chết của ba công an và một trưởng thôn. Đó là việc xây dựng một sân bay quân sự trên đất nông nghiệp mà dân làng ngoại ô Hà Nội đang canh tác. Hai nhà hoạt động khác có liên quan đến vụ án hiện cũng bị đưa ra xét xử.
Phil Robertson, giám đốc đại diện khu vực châu Á tại “Human Rights Watch” nói về bản án: “Ngòi bút nổi tiếng Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả thù nặng nề của chính quyền vì nhiều năm nay cô tranh đấu cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền”. “Nhà chức trách Việt Nam qua sự khủng bố của họ, cho thấy họ sợ hãi việc lan truyền những tiếng nói chỉ trích như thế nào.”
Phạm Đoan Trang từng nói: “Là một nhà báo Việt Nam, có nhiều lý do để buồn phiền. Nếu muốn tâm hồn thanh thản, có lẽ người ta không nên là nhà báo”./.