Trong phiên toà ngày 14/12/2021, tất cả 4 Luật sư đều chứng minh một cách khách quan, đúng theo Hiến Pháp và Luật quốc tế mà Việt Nam ký kết, là Phạm Thị Đoan Trang vô tội, nhưng tất cả đều “thua luật rừng với án bỏ túi”. Cô bị kết án 9 năm tù! Không trách ông Nguyễn Văn Túc chửi “ĐM Toà”!
CÁC LUẬT SƯ TRÌNH BÀY NỘI DUNG BÀO CHỮA
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Về thủ tục tố tụng:
Các luật sư có yêu cầu triệu tập nhiều người có liên quan nhưng không có bất kỳ người nào có mặt tại tòa. Phía đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc họ vắng mặt không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tế, việc vắng mặt của họ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bào chữa của luật sư, điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong việc buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo.
Việc tiếp cận hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo không được tôn trọng khi cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận đề nghị của bị cáo.
Việc xung đột pháp luật: Điều 25 của Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 lại đi ngược với tinh thần của Hiến pháp nhằm bắt bớ, xử lý người thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 cũng mâu thuẫn với Điều 19 của Công ước về Tuyên ngôn nhân quyền 1966 mà Việt Nam tham gia ký kết. Một khi có sự mâu thuẫn giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.
Giám định tư pháp: Không thể giám định về tư tưởng, quan điểm, nhận thức chính trị, pháp luật. Các nước trên thế giới cũng không thể thực hiện hình thức này. Những phương mà các giám định viên đã sử dụng để giám định là khá phi lý: Trên cơ sở pháp lý nào mà có thể kết luận những đoạn văn, câu văn nào là phao tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận…?
Những yếu tố cấu thành tội phạm (khách thể bị xâm phạm):
Chính quyền nhân dân là một khái niệm mơ hồ, nó là thực thể nào? Nó là một tổ chức, một cá nhân hay một thứ nào khác?…
Kết luận: Tuyên bị cáo không phạm tội.
Đề nghị HĐXX kiến nghị hủy bỏ điều luật trái với Hiến pháp và trái điều ước quốc tế.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Đồng tình với quan điểm của luật sư Mạnh
Quan điểm về 07 văn bản giám định và 01 công văn trả lời
08 văn bản này đã kết tội bà Trang trước khi có phiên tòa này.
Trong hồ sơ giám định kết luận có một số chữ ký trên hồ sơ không phải là chữ ký của bà Phạm Thị Đoan Trang
Hai clip được lưu giữ trong máy, cơ quan giám định cũng trả lời chưa phát tán nên không có cơ sở để giám định
15 file tài liệu thu giữ cũng không được giám định nhưng vẫn đưa vào cáo trạng để kết tội bị cáo
Các tài liệu thu thập được trên mạng không được giám định trên bản tiếng Anh, không xác nhận nội dung của người viết ra mà giám định trên bản dịch theo chủ ý của cơ quan điều tra. Cách giám định này là không khách quan.
Căn cứ vào Điều 25 của Hiến pháp và Điều 19 của Công ước quốc tế 1966 mà Việt Nam đã tham gia thì Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 là vi phạm những điều luật này
Đề xuất: Tuyên thân chủ vô tội
Luật sư Lê Văn Luân
Việc bảo vệ các nguyên tắc: Xét xử công bằng và tranh tụng
Xét xử công bằng và tranh tụng:
Một số vi phạm cơ bản không thể khắc phục
Việc triệu tập những người tham gia tố tụng đã không được thực hiện
Quyền tự bào chữa và quyền bào chữa cho bị cáo
Quyền tự bào chữa của bị cáo không chỉ bị gián đoạn mà hoàn toàn bị che mờ. Quyền được tiếp cận hồ sơ của bị cáo không được chấp nhận.
Kết luận giám định, dựa trên pháp luật hiện hành đã vi phạm nghiêm trọng:
Thẩm quyền: dùng cơ quan thông tin truyền thông thuộc UBND để kết luận an ninh thông tin là điều sai trái. Chức năng của cơ quan thông tin truyền thông là liên quan tới an toàn thông tin chứ không liên quan tới an ninh thông tin, việc giao cho họ quyền này là vượt quá khả năng của họ.
Địa phương hóa việc kết tội: Kết luân giám định được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Kết luận mặt khách quan của tội phạm: Kết luận mặt nội dung, kết luận luôn các yếu tố cấu thành tội phạm.
Trao quyền cho địa phương kết tội, bất kỳ Sở Thông tin truyền thông nào cũng có quyền kết tội một người nào mà họ thích.
Cùng một cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” của bà Phạm Thị Đoan Trang được hai Sở Thông tin và Truyền thông của hai tỉnh khác nhau kết luận những nội dung khác biệt nhau (so sánh với vụ án của bà Cấn Thị Thêu tại tỉnh Hòa Bình)
Về chứng cứ:
Vật chứng gốc của các USB không còn
Bản tiếng Anh được in ra trong USB hiện ở đâu? Tại sao không có trong hồ sơ vụ án
Một số tài liệu không kết luận được là chữ ký của bà Trang, vậy ai ký? Ai đã ký thay bà Trang – đó là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cần làm rõ
Không xác định được nguồn của chứng cứ: 03 tài liệu tiếng Anh và 01 tài liệu tiếng Việt, không biết tài liệu tiếng Việt thu từ nguồn nào, ở đâu ra? Không xác định nguồn chứng cứ, không xác định được người tạo ra… Tôi đề nghị trình chiếu bản ghi hình buổi hỏi cung có ghi hình vào ngày 16/11/2017.
Người chứng kiến không có mặt trong ngày 16/11/2017
Bản khai của ông Trương Xuân Thành khai ở bút lục số 51 (có bản ghi hình 00812, 00813): Trong buổi làm việc 80 phút với bà Trang chỉ có 04 người, không có mặt ông Thành. Tại phút thứ 23 của bản ghi hình 00812, có người đàn ông nói “nếu bà không ký hồ sơ thì tôi sẽ mời người chứng kiến”, nghĩa là lúc này không có người chứng kiến, trái với lời khai của nhân chứng.
Ông Trương Xuân Thành khai là bà Trang đồng ý cho người chứng kiến ký nhưng tại phút thứ 36, bà Trang phủ nhận, không chấp nhận cho người làm chứng ký
Buổi làm việc ngày 16/11/2017 bắt đầu từ 14h và kết thúc lúc 15h30 tại phường Cống Vị, tôi dùng 03 hình ảnh chụp và cắt, trên đồng hồ của cán bộ tên Hương ghi thì thời gian chênh nhau là khoảng 2 giờ, mâu thuẫn với bản làm việc. Như vậy, những bản ghi này vênh nhau, sai phạm lớn, không có giá trị làm chứng cứ. Ông Trương Xuân Thành khai có mặt toàn bộ buổi làm việc là gian dối và có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự về hành vi của mình, cần phải xử lý.
Đề nghị tuyên bà Trang không phạm tội. Đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của những người gây ra những sai phạm này.
Luật sư Ngô Anh Tuấn
Việc cơ quan điều tra đã đưa ra yêu cầu trưng cầu giám định vượt quá khả năng, thẩm quyền của cơ quan thông tin truyền thông.
Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã không đảm bảo vai trò của mình, giờ là lúc cần xem xét lại.
Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, có hay không có sự ép buộc của cơ quan điều tra đối với Sở Thông tin truyền thông để họ phải thực hiện công việc vượt ngoài khả năng và trách nhiệm của họ. Hơn thế nữa, cần xem xét kỹ việc họ không có mặt tại phiên toà này và nhiều phiên toà tương tự khác có phải là họ không muốn đối đáp và “minh oan” cho mình hay do một áp lực nào khác hay không?
Việc xem xét, đánh giá một hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không là việc của cơ quan điều tra chứ không phải là cơ quan hành chính nào đó, càng không thể là trách nhiệm của cơ quan giám định vì họ chỉ làm công tác chuyên môn đơn thuần.
Viện kiểm sát cần làm rõ khái niệm chính quyền nhân dân và nhân dân trong vụ án này để xác định rõ chủ thể bị hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bà Phạm Thị Đoan Trang bổ sung:
Lời cung của người làm chứng Trương Xuân Thành cần phải kiểm chứng
Chủ tọa: Bị cáo cần xưng tôi với HĐXX, và tôn trọng pháp luật.
Tôi tôn trọng các chị như những con người.
Tôi là người nhìn thấy và cầm các tài liệu từ bàn hội nghị của EU nhưng tôi không làm ra, không phát tán. Việc phát tán là của cơ quan an ninh thực hiện, không phải tôi.
Trong 25 lần tôi bị bắt giữ trái pháp luật, nhiều lần tôi bị ép cung, mướn cung, dụ dỗ tôi khai báo thì những lời tôi nhận những tài liệu là do tôi làm ra thì đó là vô giá trị. Vụ án này kết tội tôi chủ yếu dựa trên lời khai của tôi và những người khác là vi phạm pháp luật, không dựa vào các chứng cứ khách quan khác có trong hồ sơ vụ án. Trong quá trình điều tra, tôi khai nhiều lời khai có lợi cho mình nhưng chưa một lần những lời khai đó được ghi nhận. Ngay cả viêc tôi yêu cầu có luật sư cũng không được ghi nhận trong hồ sơ.
Tôi bị bắt và được thả nhiều lần nhưng chưa một lần được giải thích là bắt và thả là vì lý do gì, ngay cả việc tôi bị đánh gãy chân cũng không bao giờ được nhắc tới.
Trong quá trình điều tra, một số điều tra viên đã đánh đập, ép cung tôi nhưng tôi không có chứng cứ để truy cứu vấn đề này
(Trích từ biên bản do LS Ngô Anh Tuấn ghi tại Toà
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219839823817247&id=1569759542)