Vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm có giá từ 400 triệu tới 2.4 tỉ đồng cho một mét vuông. Vậy người dân vốn ở Thủ Thiêm, bị tống ra khỏi mảnh đất mình đang ở được đền bù bao nhiêu? Giá trị bằng một phần bao nhiêu của giá trị đang đấu giá? (Giá đất biền rạch ở Thủ Thiêm là 75 ngàn đồng/m2. Giá đất nông nghiệp là 150 ngàn đồng/m2. Giá đất ở thấp nhất là 2,3 triệu đồng/m2. Giá đất ở cao nhất là 19 triệu 300 ngàn/m2. Đa số nhận 3 đợt nên tiền bị xé nát không mua được gì. FB.Nguyễn Thùy Dương)
Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Cái từ “sở hữu toàn dân” luôn mơ hồ và thực ra nó chẳng có nghĩa gì. Nếu là sở hữu toàn dân, tức là tôi, một thằng dân có quyền sang nhà thằng hàng xóm và bảo đất của mày cũng là đất của tao, tao có quyền ngồi đây chơi bao lâu tuỳ ý? Tất nhiên là không được như thế phải không?
Cái từ “sở hữu toàn dân” thực chất có nghĩa là đất mày đang ở nhưng nếu Nhà nước muốn, mày phải biến và phải bằng lòng với số tiền “đền bù” mà công ty đang làm dự án đưa ra. Nếu đấu tranh không khéo là vào tù như chơi với tội danh “quấy rối trật tự công cộng”.
Tôi không phải là luật sư, tôi không rành về luật và viết điều này để các bạn có chuyên ngành về luật đất đai có thể vào khai trí cho tôi và những người muốn tìm hiểu. Nhưng đây là nhận thức chân thực của tôi về việc bắt người dân phải rời khỏi ngôi nhà, mảnh đất của họ để triển khai dự án.
Tôi thấy như vậy là không công bằng. Người ta sinh sống cả mấy đời, gắn bó với một nơi, bỗng dưng bị ép phải ra đi. Nếu không là đắc địa thì các công ty không thèm ngó tới nhưng có “đắc địa” đến đâu và có ở tới 10 đời thì cũng không được hưởng cái “đắc địa” ấy và cũng vẫn phải biến.
Có định đấu tranh thì không khéo lại “chống người thi hành công vụ”, bóc lịch dài dài, ôm hận mà chết gục trong tù hay ở một xó xỉnh nào đấy sau khi ra tù.
Cá nhân tôi thấy đây là một sự bất công không thể chấp nhận được.
Các vị lãnh đạo luôn nói “do dân, vì dân” vậy người bị mất đất có phải là dân không và các vị có “vì” họ không?
Các vị cũng nói “không bỏ lại ai phía sau” nhưng tại sao bao thân phận khốn khổ từ các tỉnh lại kéo về đầy các cổng của các cơ quan công quyền để kêu oan từ năm này sang năm khác, màn trời chiếu đất, kêu oan đến khản họng, lâu lâu lại bị bốc dỡ lều bạt, cho lên xe tải, dọn họ như dọn rác vậy?
Giờ nói sâu về lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. CNCS coi trọng người lao động, lấy công nông là tầng lớp tiên phong của xã hội. Chính vì vậy mà trong Cải Cách Ruộng Đất, hay Cải Tạo Công Thương chính quyền đã lấy đất đai của địa chỉ chia cho người nghèo, quốc hữu hoá nhà máy, công xưởng của những ông chủ tư bản.
Nhưng thời thế thay đổi, giờ những ông chủ như ông chủ của Tân Hoàng Minh còn giầu có gấp các địa chủ và các ông chủ công thương ngày xưa nhiều lần. Tức là đã cho phép có sở hữu tư nhân.
Vậy thì tại sao cái luật đất đai kia lại vẫn giữ nguyên như mấy chục năm trước, vẫn là “sở hữu toàn dân”.
Đây là một sự chậm chễ có lợi cho những nhà tư bản mới. Thích lấy là lấy, dân đấu tranh thì tránh đâu?
Viết đến đây tôi thấy lòng rất buồn. Tôi viết không phải để mua danh, mua lợi, chẳng phải muốn làm “phản động” với “thế lực thù địch” như các vị hay chụp mũ. Điều duy nhất tôi muốn là công bằng xã hội.
Cái từ “sở hữu toàn dân” là một sự chậm chễ có tính toán và nó sẽ bần cùng hoá người dân, sẽ làm những ông chủ giàu lên khủng khiếp. Sự phân hoá giàu nghèo sẽ càng sâu hoắm.
Đâu rồi cái lý tưởng vì công nông của các vị? Thế này thì vào năm 2045 khi các vị làm được một việc vĩ đại là hoàn thiện lý luận về CNXH thì các vị sẽ khắc phục thế nào về sự phân hoá giàu nghèo đã trở nên quá lớn, không thể khắc phụ nổi?
Một số hình ảnh khi google “dân oan”, từ chỉ những người mất đất./.