Còn hai ngày nữa là chị Trang sẽ bị đem ra xét xử tại toà án Hà Nội. Lần xử này không biết có được bao nhiêu người tiếp cận được phiên toà, bởi vì đến mẹ chị, ruột thịt của chị còn chưa biết có được vào tham dự hay không?
Luật thì là công khai, nhưng bao nhiêu phiên toà xử nhà báo, blogger, người hoạt động nhân quyền trước đó đều là xử kín. Sự hành xử “kín” ấy đã chứng mình rằng, hành động lên tiếng đấu tranh đòi minh bạch, yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền con người, thực thi đúng luật của những người tù kia không bao giờ là vô nghĩa.
Quá mệt mỏi với những bắt bớ, những bất công; tôi lâu nay không còn viết nổi một dòng nào. Tôi không biết phải biết gì khi cảm thấy hầu như ai cũng hiểu họ sống trong sự bất công, nhưng chấp nhận ngả giá. Lâu ngày không viết, tư tưởng tôi chai cứng, tôi không biết viết, không có nội dung để viết cho những người chịu đàn áp và không có từ để dùng mô tả những cảm xúc của mình.
Nhưng mà, tôi không thể không viết, chị Trang là một trong những người thầy dạy tôi viết. Hai ngày nữa thôi, chị sẽ bị đem ra xét xử. Nếu tôi không viết thì thật sự có lỗi với chị quá. Chị từng nói với tôi, tại sao mọi người, nhiều người không ai làm gì cả khi chúng ta có rất nhiều thứ để làm? Ai không viết được sách thì có thể tập hợp các bài viết của người khác để làm thành sách; ai biết hát thì hát; ai biết đàn thì đàn. Bất cứ một thứ gì ta có, một bài viết, một dòng trạng thái, nếu ta biết vận dụng nó thì đó sẽ là thứ vũ khí tốt nhất giúp ta đấu tranh với cường quyền và bất công, đối tượng mà ta không thể dùng bạo lực để đương đầu.
Thứ chị có là ngòi bút và cây đàn guitar.
Hai năm chị đã không còn được đàn lên những bản nhạc mà chị yêu thích. Những ngón tay trong nhà tù lạnh giá liệu còn mềm mại như trước kia?
Rồi mai chị sẽ có án, như bao người đã có án. Cuộc đời của chị quyết hy sinh cho lý tưởng của mình. Án nhẹ, án nặng với chị có lẽ không quan trọng. Chị chỉ muốn những gì chị làm thức tỉnh được nhiều người, những quyển sách chị viết được đón nhận, khai mở được tâm trí kìm kẹp của những người bình dân nhất. Một xã hội mà ai cũng hiểu về chính trị, về quyền lợi của mình, về luật pháp mới có thể trở thành một xã hội của con người. Chị muốn nâng đỡ người khác lên, muốn ai cũng giỏi hơn trong một đất nước thiếu tri thức.
Tôi không chờ kết quả của phiên toà, tôi chờ ngày chị về với cây đàn trên tay!