ĐCSVN sắp khép lại một “đường quyền” đối ngoại ngoạn mục. Chỉ thêm mảnh ghép cuối – có thể Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng sẽ sang Bắc Kinh – là bức hoạ được hoàn thành. Nhưng bức tranh vân cẩu ấy sẽ thế nào – chưa ai biết chắc. Sau hội đàm giữa Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị ngày 2/12, nếu hàng đoàn xe chở nông sản Việt qua biên giới được thông quan và mọi chuyện vẫn yên ắng, thì không gian yên ắng ấy có phải là sự im lặng trước cơn bão?
Một sứ mệnh rất quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc từ mồng 2 đến mồng 4 vừa qua của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn là góp phần “làm phẳng bớt” các trở ngại tồn tại lâu nay trong bang giao Việt – Trung để nếu mọi điều kiện hội đủ, một lãnh đạo Đảng/Nhà nước Việt Nam có thể tiến hành Cuộc gặp Cấp cao với lãnh đạo Đảng/Nhà nước Trung Quốc. Với Bắc Kinh, cái gì cũng phải “đặc biệt”. Nếu như với các nước “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP), thì với Trung Quốc, rắn phải vẽ thêm chân, đó là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (CSCP). Với một CSCP như thế, mà cho đến nay, lãnh đạo trong Bộ Tứ chưa có ai sang Trung Quốc là một điều không bình thường.
Sẽ làm gì để “dằn mặt” Việt Nam?
Dự đoán sẽ có tiếp xúc cấp cao giữa Hà Nội với Bắc Kinh dựa trên cơ sở:
Thứ nhất, từ Đại hội 13 ĐCSVN đến trước Đại hội 20 ĐCSTQ là khoảng thời gian lãnh đạo hai nước cần phối hợp tầm vĩ mô một số chủ trương mà phía Trung Quốc muốn Hà Nội nương theo đó mà hành động.
Thứ hai, Trung Quốc hiểu, muốn giải toả bế tắc hồ sơ COC thì phải khai thông từ Việt Nam. Những tồn tại này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến “đại cục” giữa Trung Quốc với các nước lớn khác, trước hết là với Hoa Kỳ.
Thứ ba, Trung Quốc thật sự muốn có cái gì đó để nói với khu vực và thế giới, nội dung “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) vừa thoả thuận với ASEAN không chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Thứ tư, thông qua Việt Nam, Trung Quốc muốn hình thành một tập hợp lực lượng chống lại liên minh AUKUS và chiến lược FOIP, giành giật ảnh hưởng với Mỹ trong vùng, thúc đẩy BRI đang có dấu hiệu chao đảo trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sang động viên Việt Nam nâng cấp quan hệ lên CSP. Nghi ngờ Việt Nam tự tin hơn trên vấn đề Biển Đông nhờ chuyến thăm của bà Harris, Trung Quốc chỉ đạo báo chí “thọc gậy bánh xe” bang giao Việt – Mỹ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm 3 nước châu Âu Áo, Bỉ, Phần Lan; Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Anh, Pháp và Nhật Bản; Trung Quốc theo dõi rất sát nhưng không có phản ứng công khai như khi Việt Nam đón PTT Mỹ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự cam kết của Tổng thống Putin “không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích” của Việt Nam. Đối với các hợp đồng Hà Nội mua tên lửa, máy bay chiến đấu hiện đại của Nga, Trung Quốc im lặng. Thậm chí, sau các thoả thuận dầu khí với Nga – cách Việt Nam đối trọng lại các quấy nhiễu của Trung Quốc trên Biển Đông – Bắc Kinh vẫn bỏ qua! Liệu tất cả sự bỏ qua này có phải là sự im lặng trước cơn bão? Nếu Nguyễn Xuân Phúc hay Phạm Minh Chính tới đây sang Bắc Kinh, Trung Quốc có thể “dằn mặt” Việt Nam theo cách nào?
Hàng chục năm có lẻ trở lại đây, mỗi lần trước tiếp xúc Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, Bắc Kinh bao giờ cũng gây ra sự cố trên đất liền hoặc biển đảo để ép Việt Nam. Lần này, liệu Trung Quốc sẽ làm gì trên biển đảo để ép buộc Việt Nam trong đàm phán COC, hay áp đặt một chủ trương liên quan đến bày binh bố trận ở Đông Á? Thông cáo báo chí về cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Vương Nghị rất kiệm lời về nội dung. Điều ngạc nhiên là Tân Hoa Xã còn ít lời hơn cả TTXVN. Truyền thông Việt Nam hôm 2/12 cho hay, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đang diễn ra của Ngoại Trưởng Bùi Thanh Sơn, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan báo Trung Quốc viện trợ thêm cho Việt Nam 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,1 triệu USD) để mua sắm, thiết bị, vật tư phòng chống dịch và 500.000 liều thuốc chích ngừa COVID-19.
Phải đọc, hiểu giữa hai hàng chữ
Tân Hoa Xã chỉ có bản tin vắn tắt về cuộc họp giữa ông Vương Nghị và ông Bùi Thanh Sơn tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày nói trên. Bản tin này thuật lời ông Vương Nghị kêu gọi “phát triển mối quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ lành mạnh và ổn định”. Tân Hoa Xã thuật lời ông Bùi Thanh Sơn nói Việt Nam “luôn luôn hậu thuẫn cho Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế”. Tân Hoa Xã viết: “Hai bên đồng ý tăng cường lãnh đạo chính trị, làm sâu sắc hơn các hợp tác đem lợi ích chung và nâng cao sự cộng tác đối phó với đại dịch”.
Thông Tấn Xã Việt Nam viết dài dòng hơn, cho biết Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo rằng, dù dịch bệnh hoành hành gây nhiều trở ngại, từ đầu năm đến nay “lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, định ra phương hướng lớn trong hợp tác giữa hai đảng, hai nước và tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực”. Nhờ vậy “hợp tác kinh tế duy trì đà tăng trưởng tích cực với kim ngạch thương mại 10 tháng đầu năm đạt $133,65 tỷ, tăng 30%, vượt kim ngạch của cả năm 2020. Hai bên nhất trí cho rằng, việc Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước”. Trên thực tế, Bắc Kinh đã viện trợ thêm cho Hà Nội chống dịch một tuần lễ sau khi Washington loan báo tặng thêm cho Hà Nội hơn 2 triệu liều thuốc ngừa COVID-19, nâng tổng số vaccine nước Mỹ tặng cho Việt Nam lên hơn 20 triệu liều, không kể một số lớn trang thiết bị y tế để đối phó với đại dịch.
Liên quan đến đại dịch, báo chí trong nước giải thích, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung Quốc siết chặt kiểm soát người và hàng qua biên giới dẫn đến tình trạng xe tải, container chở hàng ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh. Trung bình mỗi ngày gần 200 xe được thông quan qua Pò Chài, Trung Quốc. Tuy nhiên, do lượng xe hàng từ các nơi đổ về Tân Thanh mỗi lúc một nhiều, cửa khẩu Tân Thanh luôn trong tình trạng quá tải. Bên cạnh bến Bảo Nguyên, tại “khu phi thuế quan” ở Pác Luống (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng) còn trên 1.000 xe đỗ, dừng. Tại đường tránh quốc lộ 4A (xã Tân Mỹ, Văn Lãng) còn khoảng 200 xe đang chờ đến lượt xuất khẩu. Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu đúng thời điểm các tỉnh miền Trung, miền Nam vào vụ thu hoạch của một số mặt hàng nông sản, hoa quả chủ lực như: mít, xoài, thanh long.
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Sơn còn được cho là sự đáp lễ chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Vương Nghị có mặt ở Hà Nội từ ngày 10 – 12/9. Chuyến thăm ấy trùng với thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Việt Nam, từ ngày 10 – 12/9. Nhưng đúng vào ngày họ Vương đến Hà Nội, Trung Quốc cho phong tỏa khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu trong hai ngày 9 và 10/9 để phục vụ cho các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời trước đó đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông. Truyền thông Việt Nam đưa tin về các hoạt động bắt nạt của Trung Quốc nhưng không dám bình luận, chỉ dẫn nguồn từ thông báo của Cục Hàng hải Trung Quốc và video Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Thật là một cách né tránh rất đặc biệt./.